Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đề phòng lừa đảo khi giao dịch thương mại quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Yếu tố quan trọng nhất khi xuất khẩu là "chọn đúng đối tác" để tránh bị lừa đảo…
Ngày 23-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, sau vụ việc gần 100 container hạt điều của doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị lừa xuất khẩu sang Ý, hội thảo là dịp chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý vụ việc, đưa ra các khuyến nghị cho DN để tránh các vụ việc tương tự trong thương mại quốc tế.
Thủ đoạn tinh vi
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, là điểm sáng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khi "sân chơi" càng mở rộng, đồng nghĩa với nguy cơ rủi ro, tranh chấp, lừa đảo trong thương mại cũng gia tăng. 
"Chúng tôi đã nhiều lần có thông tin cảnh báo, hỗ trợ cho DN về những trường hợp có khả năng xảy ra rủi ro, tranh chấp tại một số thị trường. Nhưng trên thực tế, các DN vẫn có thể rơi vào các tình huống như DN điều thời gian qua" – ông Hải nói.
Từ thực tế vụ gần 100 container điều bị lừa, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), chỉ ra nguyên nhân lớn nhất chính là DN quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. 
Theo vị này, đơn vị môi giới ký hợp đồng cho 5 DN Việt Nam xuất khẩu điều là công ty đã có kinh nghiệm 15 năm hoạt động, trước đó đã nhiều lần môi giới xuất khẩu cho các DN trong nước và chưa từng xảy ra sự cố. "Các DN cũng chủ quan, không kiểm tra đối tác, trong khi thị trường Ý trong nhiều năm qua nhập khẩu số lượng hạt điều rất thấp. Các địa chỉ, thông tin về đối tác nhập khẩu sau đó tìm hiểu ra đều là thông tin giả" – ông Nhựt nói.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đã "đánh" vào tâm lý của DN là thời điểm dịch bệnh khó tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu lớn nên khi có đối tác đặt vấn đề về số lượng hàng chục container, các DN đã rất phấn khởi và bỏ qua các khâu kiểm tra. 
"Có DN sau khi bị lừa mới kể lại, dịp Tết âm lịch nhận được đề nghị xuất khẩu số lượng lớn, mừng quá không ăn Tết mà huy động người làm, trả công gấp nhiều lần để đóng gói, kịp xuất hàng đi" – ông Nhựt nói và nhấn mạnh chính tâm lý mong muốn bán đơn hàng thời điểm khó khăn khiến DN "dính bẫy" các đối tượng lừa đảo.
Ông Bạch Khánh Nhựt cho biết thêm việc DN cung cấp mã vận đơn cho đối tác khiến các đối tượng lừa đảo chiếm được các bộ chứng từ gốc. Theo ông Nhựt, các đối tượng lừa đảo dùng chiêu trò hối thúc, đề nghị DN trong nước cung cấp mã vận đơn. 
Đây cũng là thủ đoạn được ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Phúc Sinh, chỉ ra liên quan đến vụ việc công ty ông suýt bị lừa 37 container hạt tiêu có trị giá 3,3 triệu USD gần 15 năm trước. "Khi đó, đối tác cũng yêu cầu chúng tôi cung cấp mã vận đơn, họ liên tục hối thúc khiến chúng tôi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, sau đó khẳng định đối tác lừa mua hàng" – ông Hùng thuật lại.
Tìm hiểu kỹ đối tác
Từ vụ việc của các DN điều, ông Bạch Khánh Nhựt nhấn mạnh trong thương mại quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng DN cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với những dấu hiệu bất thường từ đối tác. Nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện dấu hiệu lừa đảo và cần nhanh chóng báo cáo, nhờ sự trợ giúp của hiệp hội ngành nghề khi xảy ra vụ việc.
Là cơ quan hỗ trợ rất nhiều DN trong các vụ tranh chấp, lừa đảo thương mại quốc tế, ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý, cũng khuyến nghị các DN cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác trước khi ký các hợp đồng xuất khẩu. Với những hợp đồng có giá trị lớn, thậm chí DN phải sang tận nơi để "mục sở thị". 
"DN cũng có thể liên hệ với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ tìm hiểu thông tin về đối tác. Với hợp đồng hàng trăm tỉ đồng, DN không nên vội vàng" – ông Thanh nhấn mạnh và khuyến nghị DN cần yêu cầu người mua hàng đặt cọc khoảng 10% hợp đồng; đồng thời kiểm tra tài khoản người mua hàng có tồn tại hay không. Cùng với đó, rà soát các điều khoản trong hợp đồng để xử lý tranh chấp khi xảy ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng yếu tố quan trọng nhất là "chọn đúng đối tác" khi xuất khẩu.
Đề phòng lừa đảo khi giao dịch thương mại quốc tế - Ảnh 1.
Ngành điều đã có bài học lớn khi xuất khẩu qua một đơn vị môi giới 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng khuyến nghị DN cần sử dụng phương thức thanh toán an toàn để hạn chế rủi ro, như thanh toán bằng thư tín dụng (L/C). Trong vụ lừa xuất khẩu hạt điều, các DN Việt Nam đã sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P). Đây là một trong các phương thức thanh toán thông dụng được người mua và người bán thường xuyên sử dụng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nguy cơ rủi ro trong phương thức thanh toán này. 
Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng DN nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn, giao bộ chứng từ. Tương tự, đại diện Vietcombank lưu ý với DN, đối tác mua hàng ở nước nào thì ngân hàng nhờ thu phải ở nước đó, tránh trường hợp giao hàng đến Ý nhưng ngân hàng nhờ thu lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. 
MINH CHIẾN (theo NLĐ)

Bình luận (0)