Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Để phòng ngừa hiệu quả ung thư cổ tử cung

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng năm trên thế giới có khoảng 500.000 trường hợp mắc mới và hơn một nửa số phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung tử vong. Ở Việt Nam, theo thống kê năm 2002 có hơn 6.000 trường hợp mắc mới hàng năm và tử vong hơn 3.000 trường hợp.
 Ung thư cổ tử cung hiện nay đứng thứ hai sau ung thư vú. Ung thư cổ tử cung thực sự là một gánh nặng bệnh tật ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tâm lý và xã hội đối với phụ nữ, tuy nhiên việc phòng bệnh lại không quá phức tạp và khó khăn nếu chị em phụ nữ có kiến thức và ý thức về cách phòng ngừa. Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đó là một câu hỏi cần được giải đáp.
Ung thư cổ tử cung: mối đe dọa tính mạng chị em phụ nữ
Nhiễm virus papilloma (HPV) là  nguyên nhân  dẫn đến ung thư cổ tử cung. Tuy vậy, không phải bất kể trường hợp nào nhiễm HPV cũng như không phải loại HPV nào cũng đều có thể gây bệnh. Trong số hơn 100 týp HPV được biết đến thì chỉ có 15 týp được xếp vào diện nguy cơ cao mà thôi, số còn lại chỉ có khả năng gây các tổn thương vùng sinh dục lành tính. Trong số các týp có khả năng gây ung thư thì týp HPV-16 và HPV-18 là thủ phạm của ít nhất 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện. Số còn lại là do những týp HPV nguy cơ cao khác “đảm nhiệm”.
Phải khẳng định một điều rằng, nguy cơ nhiễm HPV gây ung thư cổ tử cung đeo đẳng người phụ nữ suốt cả cuộc đời, ngay từ khi bắt đầu có quan hệ tình dục và kéo dài suốt thời gian người phụ nữ còn hoạt động tình dục. Cũng tương đương như tỷ lệ mắc các bệnh về đường tình dục, có không dưới 80% chị em ít nhất trong đời có 1 lần bị nhiễm HPV. Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ là đối tượng chính mà HPV tấn công, và tỷ lệ này thấp hơn ở lứa tuổi cao. Mặc dù vậy, phụ nữ độ tuổi trung niên vẫn có thể nhiễm mới HPV, và không thể loại trừ nhiễm các loại HPV có khả năng gây ung thư. Nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài cho thấy tỷ lệ nhiễm mới các týp HPV gây ung thư ở phụ nữ độ tuổi 25 đến 80 là 5-10%.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung: việc không quá khó 
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, người ta đề cập đến 2 cấp độ phòng bệnh. Phòng bệnh cấp 1 bằng cách ngăn ngừa lây nhiễm Human Pappilomavirus HPV qua đường tình dục bằng cách tiêm vắc xin. Phòng bệnh cấp 2 là phát hiện và điều trị sớm các trường hợp tổn thương tiền ung thư cổ tử cung để ngăn chặn diễn tiến thành ung thư, đây là vai trò của chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung âm đạo hay còn gọi là Pap smear.
Những năm trước đây, khi vắc xin chưa ra đời thì việc phòng bệnh chủ yếu bằng dự phòng cấp 2, nghĩa là làm xét nghiệm Pap smear thường quy để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đây là một xét nghiệm đơn giản dễ làm và không tốn kém, tuy nhiên ở nước ta hiện nay vẫn chưa triển khai được đến tuyến cơ sở. Nếu phát hiện bệnh sớm, từ giai đoạn tổn thương tiền ung thư thì khả năng khỏi bệnh cao, việc điều trị được thực hiện bằng cách cắt bỏ một phần cổ tử cung bị tổn thương bằng phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung. Nếu bệnh nhân được phát hiện muộn ở những giai đoạn ung thư tại chỗ hay xâm lấn, thì điều trị khó thành công hơn, lúc này có thể phải cắt tử cung, kết hợp hóa trị liệu. Việc theo dõi điều trị gây ra nhiều lo lắng, suy sụp về tinh thần, ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ và tốn kém về tiền bạc. 
Do vậy, vắc xin phòng  ngừa nhiễm HPV ra đời đã  cung cấp  thêm một vũ khí hữu hiệu để  bảo vệ chống lại nguyên nhân cơ bản gây ung thư cổ tử cung, đó là nhiễm virus HPV. Chủng ngừa vắc xin HPV sẽ giúp giảm số ca tầm soát có kết quả bất thường về tế bào và những gánh nặng về tâm lý và sức khỏe do qua trình khám và điều trị bệnh gây ra. Về lâu dài sẽ giúp làm giảm số ca mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, do hiện nay các vắc xin phòng bệnh chỉ tập trung phòng ngừa 2 tuýp HPV 16 và 18 gây ra hơn 70% số ca ung thư cổ tử cung, vẫn còn khoảng 13 tuýp gây ung thư khác tuy với tần suất thấp hơn nhưng chưa thể phòng ngừa được hoàn toàn, nên để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất thì hai biện pháp phòng bệnh cấp 1 và cấp 2 cần được tiến hành song song. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định sự kết hợp này giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn là chỉ áp dụng tầm soát.
Lời khuyên cho tất cả chị em phụ nữ để phòng tránh ung thư cổ tử cung hiệu quả chính là chủng ngừa HPV kết hợp với khám phụ khoa định kỳ.
GS.TS. Trần Thị Phương Mai
Giảng viên trường ĐH Y Hà Nội
Cố vấn cao cấp vụ sức khỏe sinh sản – Bộ Y Tế
Theo Dân trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)