Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đề phòng trẻ nuốt dị vật

Tạp Chí Giáo Dục

Các BS đang tiến hành phẫu thuật để lấy dị vật cho trẻ. Ảnh: T.G
Trẻ em nuốt phải dị vật liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đã trở thành một thực trạng đáng báo động đối với các bậc phụ huynh. Dị vật không chỉ là các loại thức ăn, các loại hạt mà còn là những vật sắc nhọn vô cùng nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ.
Những tai nạn không ngờ
Mới đây, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM có tiếp nhận một bệnh nhi tên là L.H.H.V (4 tuổi, ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) trong tình trạng chảy nước mũi bên trái, nước mũi màu đen có mùi hôi. Sau khi nhập viện các BS đã tiến hành nội soi và phát hiện trong hốc mũi bệnh nhi có dị vật là cục pin điện tử, hốc mũi bệnh nhi bị tổn thương nặng dẫn đến viêm loét, đóng vảy, các mô trong hốc mũi bị hoại tử. ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy (Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM) cho biết: “Bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi gặp tai nạn từ dị vật nhưng trường hợp dị vật là pin điện tử thì nguy hiểm hơn một số các dị vật khác. Nếu cho cục pin vào mũi thì rất khó lấy ra, cục pin điện tử chỉ cần để trong vòng 24 giờ đồng hồ có khả năng gây viêm hoại tử niêm mạc mũi, nó để lại di chứng như thủng vách ngăn ở mũi, hủy niêm mạc lan rộng trong màng mũi, thậm chí hủy xương tuyến mũi…”. BS. Thanh Thúy cho biết thêm: “Bệnh viện cũng thường tiếp nhận các bệnh nhi gặp tai nạn từ dị vật nhưng phần lớn là các bệnh nhi dưới 10 tuổi do các bé chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của các loại dị vật. Đối với trẻ trên 10 tuổi thì có ý thức và khả năng nhận thức tốt hơn nên tai nạn từ dị vật hiếm gặp. Các dị vật thông thường là các mảnh đồ chơi, mảnh giấy, xương cá, các dị vật có kích thước lớn là các loại hạt, viên bi, đồng xu, mảnh bút viết… Đối với các dị vật nhỏ chỉ cần làm tiểu phẫu thì có thể gắp dị vật ra ngoài được nhưng đối với dị vật lớn cần phải can thiệp sâu hơn. BS. Thanh Thúy chia sẻ thêm: “Bệnh viện có tiếp nhận một số trường hợp dị vật tai là viên bi nhưng không lấy ra được bằng tiểu phẫu do ống tai có dạng cong, viên bi lọt sâu trong vòm nhĩ nên phải tiến hành làm phẫu thuật tai mới lấy ra được”.
 Những tai nạn do nuốt phải dị vật trong thời gian gần đây diễn ra khá phổ biến. Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng mới tiếp nhận bé gái tên Đ.L.D.A (SN 2002, ngụ TP.HCM) nuốt phải cọng kẽm niềng răng.
Đề phòng tai nạn
Nuốt dị vật là một trong số các tai nạn vô cùng nguy hiểm và khó kiểm soát thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Đặc biệt xảy ra ở những bé dưới 10 tuổi vì đây là lứa tuổi thường có xu hướng muốn khám phá dẫn đến tò mò và vô thức các bé đưa dị vật vào trong cơ thể. Một trong những nguyên nhân gây nên các tai nạn từ dị vật thường xuất phát từ sự thiếu kiểm soát, bất cẩn của người lớn đối với trẻ. BS. Thanh Thúy cho biết: “Dị vật họng thường là xương cá, đây là trường hợp dị vật thông thường, khá phổ biến và bệnh viện thường xuyên tiếp nhận. Riêng đối với dị vật là cục pin điện tử thì không phải sau khi lấy dị vật ra là đã ổn định mà cần phải khám lại nhiều lần do pin điện tử có khả năng gây hoại tử”.
Dị vật không đơn giản chỉ là các loại hạt như mẩu xương mà còn là các vật sắc nhọn như cái kim, các mảnh vỡ, ốc vít từ đồ chơi hay những cục pin điện tử… Tất cả những dị vật này đều có khả năng đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ nếu không được cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy, để khắc phục các tai nạn không đáng có này BS. Thanh Thúy khuyến cáo: “Cha mẹ cần quan tâm đến con nhỏ nhiều hơn nhất là khi chơi đùa, không cho trẻ chơi các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, sắc nhọn gây nguy hiểm. Đồng thời, sắp xếp đồ đạc gọn gàng trong gia đình và để xa tầm với của trẻ. Cho trẻ chơi đồ chơi phù hợp với lứa tuổi. Trong trường hợp trẻ bị hóc dị vật là các loại hạt, hóc xương cá… cha mẹ có thể tiến hành sơ cứu tại nhà bằng nghiệm pháp Heimlich, nghiệm pháp này có tác dụng tạo một áp lực từ phổi để đẩy dị vật ra ngoài. Ngoài ra, nếu phát hiện có dị vật hoặc nghi ngờ có dị vật thì cần đưa trẻ đến BS chuyên khoa để được thăm khám”.
Nghiêm Quế
Nếu phát hiện trẻ nuốt phải dị vật thì cha mẹ nên bình tĩnh xử lí tình huống, tránh hoảng loạn mà dùng tay hoặc một vật gì đó để cố gắng lấy dị vật ra. Nếu làm như vậy không những khiến trẻ hoảng sợ theo mà việc tự ý lấy dị vật sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu như dị vật không ra ngoài.
 

Bình luận (0)