Liên tiếp những ngày qua, ngành giáo dục “nóng” lên bởi câu chuyện lạm thu. Vấn đề tuy không mới, nhưng đến hẹn lại lên vào mỗi đầu năm học lại khiến phụ huynh hoang mang, bản thân các trường cũng điêu đứng.
Nhưng làm sao để hiểu đúng về lạm thu và đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này vẫn là bài toán khó chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.
Không phải cứ thu tiền là có lạm thu
Thông tin báo chí mấy ngày qua liên tục ghi nhận các trường hợp lạm thu ở trường học trong cả nước. Có nơi số tiền đóng góp chỉ vài triệu đồng, có nơi cá biệt lên đến chục triệu đồng, gây bức xúc dư luận.
Nhưng điều khiến nhiều người quan tâm đặt câu hỏi là vì sao năm nào ngành giáo dục cũng ra các văn bản chấn chỉnh lạm thu, nhưng tình trạng vẫn tái diễn.
Trao đổi với chúng tôi, trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TPHCM cho biết: “Đúng là trong một số vụ việc đã bị phanh phui, lỗi thuộc về hiệu trưởng, bởi hiểu luật nhưng vẫn cố tình lách luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp phụ huynh gửi đơn tố cáo khắp nơi, kêu gọi cơ quan báo chí vào cuộc khi bản thân chưa hiểu rõ vấn đề. Không phải cứ ở đâu có thu tiền là ở đó có lạm thu”.
Cô và trò Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) – đơn vị hoạt động theo mô hình tiên tiến – trong một giờ sinh hoạt
Giải thích rõ hơn, vị này cho biết, Điều 2, Thông tư số 29/2012 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ghi rõ: “Nguyên tắc tài trợ cho giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy học và giáo dục tại cơ sở, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Các cơ sở giáo dục không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không quy định mức tài trợ cụ thể đối với các nhà tài trợ”.
Như vậy, hoạt động tài trợ nếu đáp ứng 3 tiêu chí – không ràng buộc tài trợ với cung cấp dịch vụ (phân biệt đối xử giữa học sinh có cha mẹ đóng tiền và học sinh cha mẹ không đóng tiền), không quy định mức tài trợ cụ thể đối với từng phụ huynh (phụ huynh có thể đóng nhiều, đóng ít hoặc không đóng) và trường học không trực tiếp đứng ra thu tiền – vẫn được xem là hợp pháp, không vi phạm các quy định về xã hội hóa trong trường học.
Đồng ý với quan điểm này, phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, trong tình hình ngân sách hiện nay còn hạn chế, nếu phụ huynh có nguyện vọng đóng góp để tạo điều kiện dạy và học tốt hơn cho lớp con mình đang theo học thì không lý do gì nhà trường phản đối.
Vấn đề là cách thức tổ chức thu, chi thế nào cho hợp lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch, không áp đặt mức thu cào bằng giữa tất cả học sinh, mà thu trên tinh thần tự nguyện đóng góp của phụ huynh.
Thêm vào đó, theo quy định hiện nay của các quận – huyện, đối với những hạng mục thay thế, sửa chữa vừa và nhỏ, phải có sự đồng thuận của tất cả phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh và ban giám hiệu trước khi thực hiện.
Riêng đối với những sửa chữa có quy mô lớn, ban đại diện cha mẹ học sinh phải có kế hoạch/đề án gửi trường, trường trình kế hoạch/đề án sửa chữa cho phòng GD-ĐT quận – huyện thẩm định, cho ý kiến trước khi triển khai.
Công khai thu – chi
Trước câu hỏi làm sao để khắc phục lạm thu trong trường học, lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT ở TPHCM cho biết, mọi hoạt động thu tiền trong trường học nếu đảm bảo các tiêu chí công khai, minh bạch, không ép buộc sẽ không vấp phải sự phản đối của phụ huynh.
Một trưởng phòng GD-ĐT so sánh, mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế (mà TPHCM đang triển khai) ngoài học phí chung theo quy định của Bộ GD-ĐT, cũng thu tiền thêm cho các hoạt động ngoại khóa, bổ sung trang thiết bị trường học, nhưng được phụ huynh hết lòng ủng hộ.
“Mấu chốt vấn đề không phải thu hay không thu các khoản phát sinh ngoài học phí, mà là tổ chức thế nào để vừa nâng cao chất lượng dạy học vừa có sự tin tưởng, hài lòng của phụ huynh. Suy cho cùng đều là tiền phụ huynh đóng góp cả. Nếu không nhập nhèm giữa các khoản trường học được phép thu ngoài học phí và khoản kêu gọi đóng góp tự nguyện của phụ huynh, thì sẽ không có chỗ cho hai chữ lạm thu”, vị này khẳng định.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 55/2011 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và một số văn bản liên quan đến thu – chi trong trường học, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp thực tiễn thời gian qua.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi những thay đổi căn cơ về mặt pháp lý, để khắc phục lạm thu, cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.
Trong đó, phải mạnh dạn kỷ luật các trường hợp cơ sở giáo dục cố tình vi phạm, cũng như kêu gọi tinh thần tự giác chấp hành các quy định, nói “không” với lạm thu từ phía giáo viên và phụ huynh học sinh. Chỉ khi làm được tất cả điều đó, căn bệnh kinh niên này mới bị tiêu diệt.
Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để lạm thu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát các văn bản của bộ bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh thành bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo quy định; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định. Đồng thời, Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh thành phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm; kịp thời hỗ trợ các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục ở khu vực khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, bảo đảm tất cả học sinh được đi học đầy đủ.
LÂM NGUYÊN
|
MINH QUÂN/SGGP
Bình luận (0)