Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Để sân khấu có “tre già măng mọc”

Tạp Chí Giáo Dục

Từ tháng 4-2022, một số sàn diễn nghệ thuật tại TP HCM đã đẩy mạnh công tác truyền nghề, Hội Sân khấu TP HCM tổ chức thường xuyên các buổi giao lưu, thu hút đông diễn viên trẻ

NSƯT Thành Lộc cho rằng ý thức truyền nghề là sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ. Người đi trước phải truyền lửa nhiệt huyết cho các diễn viên trẻ, phải truyền lại quan điểm đúng đắn về nghề để diễn viên yêu nghề đúng nghĩa.

Nhiều cách truyền nghề

Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng biểu diễn cho diễn viên trẻ là một trong những nhiệm vụ cao cả của người nghệ sĩ đi trước. Đây được xem là động thái tích cực nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho các diễn viên trẻ, khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực kế thừa.

Để sân khấu có tre già măng mọc - Ảnh 1.

NSƯT Thành Lộc trong buổi giao lưu, truyền nghề cho diễn viên trẻ. Ảnh: Thanh Hiệp

NSƯT Thanh Điền – người hóa thân thành công vai diễn Bác Hồ trong vở "Đêm trắng" – cho biết ông nhận lời tham gia cùng Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM để trao truyền kinh nghiệm diễn xuất mà ông đúc kết trong 50 năm theo nghề.

Trước ông, NSND Kim Cương, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thành Lộc, NSƯT – ca sĩ Hồng Vân, nghệ sĩ Tú Trinh, nghệ sĩ Mỹ Chi, nghệ sĩ Khánh Tuấn… đã đồng hành với hoạt động truyền nghề tại Sân khấu Sen Việt (quận 3, TP HCM). Ban đào tạo của Hội Sân khấu TP HCM do đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt phụ trách cũng đã tổ chức chương trình giao lưu – truyền nghề do NSƯT Lê Chức từ Hà Nội vào đứng lớp. Tại Sân khấu Kịch Quốc Thảo (quận 3, TP HCM), sau mỗi suất diễn báo cáo vở tốt nghiệp, đã mời các nghệ sĩ gạo cội đến xem và hỗ trợ diễn viên trẻ việc phân tích tác phẩm sau khi giới thiệu đến công chúng.

Ở lĩnh vực cải lương, NSND Thanh Tuấn đã khai giảng lớp truyền nghề ca vọng cổ tại công ty do ông sáng lập, nhiều học viên đã đăng ký tham dự, có người từ tỉnh lên TP HCM thuê nhà trọ để được học nghề từ thần tượng. Sáu đơn vị nghệ thuật cải lương xã hội hóa tại TP HCM cũng chú trọng việc truyền nghề. Đoàn Huỳnh Long mời NSƯT Vũ Linh dạy nghề trực tiếp cho diễn viên trẻ qua từng vở; nghệ sĩ Công Minh, Thanh Sơn dạy nghề cho lực lượng trẻ tại 2 sân khấu Tuồng cổ Minh Tơ và thương hiệu "Thanh Sơn – Nghề nối nghề"; sân khấu Vũ Luân mời nghệ sĩ Chí Bảo và Tô Châu dìu dắt diễn viên trẻ…

Hầu hết nghệ sĩ tham gia công việc truyền nghề đều nhận định cách thức đào tạo như thế này đã mang đến kết quả tích cực đối với các sàn diễn hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng diễn xuất của diễn viên, chuẩn hóa các vai diễn khó. Trên thực tế, mỗi nghệ sĩ, mỗi đơn vị có cách hướng dẫn, truyền dạy khác nhau nhưng đều là những kiến thức và kinh nghiệm quý báu để định hướng cho các diễn viên trẻ trong bước đường làm nghệ thuật.

Có thể nói với cách chủ động truyền nghề ở lĩnh vực sân khấu như đã nêu, đã góp phần mang lại cho diễn viên trẻ kiến thức nghề sâu và rộng. Không có gì thú vị hơn từ những nghệ sĩ đi trước vốn đã trải nghiệm bằng chính vai diễn và hiện tại họ sẵn sàng trao truyền những bài học đã trở thành chân lý trong nghệ thuật mà bản thân đã được lĩnh hội. Cách truyền thụ kinh nghiệm này buộc diễn viên trẻ không thể lĩnh hội kiến thức một cách thụ động, mà phải có sự chủ động sáng tạo trong vai diễn của mình.

"Diễn viên trẻ thường gặp khó khăn trong chọn vở diễn, nhận vai diễn sao cho phù hợp. Phương pháp truyền nghề trực tiếp sẽ giúp các bạn tìm ra lời giải này" – nghệ sĩ Minh Nhí nói.

NSƯT Thành Lộc nhấn mạnh để thành công, diễn viên trẻ cần nghiêm túc với nghề, đừng đề cao cái tôi của mình đến mức tạo nên sự tự mãn. "Trên hết là sự hy sinh và cống hiến. Hiện tại không ít diễn viên trẻ làm nghề đã có lệch lạc trong suy nghĩ, cho rằng nghề diễn viên mang lại hào quang, quyền lợi mà xem nhẹ sự cống hiến" – NSƯT Thành Lộc lưu ý.

NSND Kim Cương phân tích: "Ra sàn diễn bắt buộc diễn viên phải sống với nhân vật, chứ không ra sàn diễn chỉ để đọc lời. Vì thế mà đài từ của diễn viên kịch rất quan trọng. Để có được kịch tính trong từng vở kịch, diễn viên phải biết xây dựng các chủ thể đối lập, mâu thuẫn trong từng cảnh diễn. Diễn viên phải học vai của mình và cả vai của người khác. Những bí kíp này người đi trước cần phải truyền lại cho các diễn viên trẻ".

Qua nhiều buổi giao lưu, truyền nghề, theo nhận xét của NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, chính sự tiếp nhận tích cực của diễn viên trẻ đã mang lại hiệu quả cho việc tạo góc nhìn cá nhân sáng tạo trong từng vai diễn. Theo ông, điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng đó là môi trường nghệ thuật để khơi gợi những hoài nghi và các nghệ sĩ đi trước sẽ cùng họ lý giải một cách tường tận.

"Nghệ sĩ Tú Trinh cho rằng truyền nghề không cần “đao to, búa lớn”, chỉ cần chỉ ra cách gắn kết nhân vật và câu chuyện kịch với nhau. Xoáy cho đúng trọng tâm này thì vở diễn sẽ hay hơn, diễn viên sẽ diễn tốt hơn.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)