Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Để sinh viên học tập tốt gương Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Nâng cao chất lượng giáo dục sinh viên (SV) học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nội dung đã được nhiều đại biểu tham gia hội thảo khoa học toàn quốc “Một thế kỷ Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” (5-6-1911/5-6-2011) do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 10-6 quan tâm đề cập.
Các đại biểu cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế còn tồn tại, làm “xấu” đi hình ảnh của một số “trí thức trẻ” hiện nay. Đó là việc một bộ phận SV nước ta có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại như nhạt phai lý tưởng; lười học tập, tu dưỡng đạo đức; thích hưởng thụ, ngại lao động; chuộng những sinh hoạt thiếu lành mạnh, phản văn hóa, sa vào các tệ nạn xã hội… Đại biểu Trần Phan Như Ý (Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH An Giang) minh họa thêm, một bộ phận SV hiện nay dù được tạo điều kiện học tập nhưng lại ít chịu khó vào thư viện tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu mở rộng kiến thức. Thay vào đó, các em lại thường xuyên tìm đến các tụ điểm vui chơi giải trí (cà phê, quán nhậu…) để “giết thời gian”. Tình trạng yêu vội, sống thử diễn ra phổ biến trong giới trẻ. Nhiều em chạy theo lối sống “thoáng” của nước ngoài mà quên mất các giá trị thuần phong mĩ tục của dân tộc. Theo ThS. Bùi Thị Cần (Khoa Giáo dục chính trị Trường ĐH Vinh), công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho SV cần có nội dung – biện pháp đúng đắn, khoa học, sát thực và phù hợp với đặc thù SV nước ta. Việc giáo dục phải được tiến hành thông qua các hoạt động học tập, lao động, công tác xã hội, vui chơi… của SV ngay trong môi trường gia đình, trường lớp… “Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phẩm chất chủ yếu của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa tập thể và đối lập lại là chủ nghĩa cá nhân. Trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, Hồ Chí Minh chú trọng việc SV phải tự làm gì cho nước nhà chứ không nên đòi hỏi nước nhà đã làm cho mình những gì. Với tập thể gia đình cũng vậy, cần giáo dục cho SV tính tình thương và trách nhiệm nhằm làm cơ sở gieo vào đó chủ nghĩa nhân đạo cộng sản” – ThS. Cần nêu quan điểm.
Các giải pháp khác cũng tập trung vào việc đẩy mạnh quản lý, kiểm tra, xử lý kỷ luật đối với những SV vi phạm nếp sống văn hóa trong trường học, nơi cư trú. Công tác kiểm tra, xử lý cần tiến hành thường xuyên, đột xuất và có hệ thống. Nên định kỳ tổ chức điều tra dư luận của SV về đạo đức lối sống của SV, nhu cầu, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… để kịp thời nắm bắt những biến đổi trong tư tưởng, lối sống của SV từ đó kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện sai trái, lệch lạc; bổ sung những nội dung mới, cần thiết và phù hợp với việc học tập gương Bác. Tổ chức định kỳ cho SV đăng ký những nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nội dung cụ thể và gắn chặt quá trình học tập, rèn luyện của SV. Điều quan trọng là cần làm cho SV thấy được việc học tập và làm theo gương Bác chính vì nhu cầu, quyền lợi tự thân của chính các em.
Bên cạnh đó, việc kết hợp giáo dục lý luận chính trị với giáo dục lý tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho SV cũng được nhiều ý kiến nhấn mạnh. Nhất là trong điều kiện công tác giáo dục lý luận chính trị cho HS-SV thời gian qua dù có nhiều cải tiến nhưng chưa thật sự đạt chất lượng như đánh giá của ThS. Nguyễn Minh Hải (Tạp chí Sổ tay xây dựng Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM). Theo ông Hải, hầu như SV vẫn “xem nhẹ” việc học các môn lý luận chính trị. Trong khi đó, giáo dục đạo đức trong nhà trường còn mờ nhạt, chương trình giáo dục nhiều khi còn nặng lý thuyết, xa rời thực tiễn…
Mê Tâm

Bình luận (0)