Lời phê của thầy cô giáo trong các bài làm của học sinh có tầm quan trọng không nhỏ trong quá trình kích thích tinh thần học tập của học sinh. Mặt khác, lời phê của thầy cô giáo có khi làm các em nản lòng, giảm sự hưng phấn trong việc rèn luyện phấn đấu. Đôi khi lời phê lại không có tác dụng gì cả .
Có một điều là hình như lâu nay thầy cô giáo ít chú ý đến tác động tâm sinh lý học sinh qua lời phê của mình nên thường là phê theo điểm số. Đó là điểm số đạt từ 9 đến 10 thường có lời phê là giỏi hoặc tốt. Điểm số từ 7 đến 8 có lời phê là khá. Điểm số từ 5 đến 6 có lời phê là trung bình, là được… Phê như thế thì trở thành vô cảm. Vì bản thân các kênh điểm số đã thể hiện thực lực, kết quả, sức học của học sinh. Không có lời phê thì chính học sinh cũng biết mình làm bài đạt loại nào đó rồi, sức học thuộc dạng nào rồi. Điều đáng buồn là có giáo viên lại phê hơi nặng lời, đó là những lời phê như sau: quá yếu, quá kém, kém quá, bài làm quá cẩu thả, không làm được gì cả…, làm các em nản chí, mặc cảm trong học tập, xấu hổ với bạn bè. Dẫu biết rằng bài làm của các em thật sự là yếu, là kém, có khi là quá kém.
Nên chăng thầy cô giáo cần để tâm đến lời phê trong mỗi bài làm của học sinh để các em dẫu thấy điểm số của mình thấp mà vẫn vui vẻ mà có ý chí vươn lên, số điểm mình cao lại càng phấn khởi, lạc quan, phấn đấu hơn trong học tập. Những lời phê: em làm được song cố gắng cẩn thận hơn thì sẽ tốt hơn; bài làm của em hay nếu chú ý cách diễn đạt thì sẽ gây ấn tượng hơn; em làm tốt nhưng còn thiếu vài điểm nhỏ, lần sau cố gắng khắc phục nhé; em rất cố gắng, nhưng cố gắng hơn thì điểm sẽ cao hơn; thầy biết em rất cố gắng song bài em chưa đạt lắm, cố gắng lên nhé em…, đọc những lời phê “vừa thương vừa giận” đầy ân tình của thầy cô giáo như thế chắc hẳn các em sẽ học tốt hơn sau những lần kiểm tra.
Nguyễn Văn Tú
Bình luận (0)