Hướng nghiệp - Tuyển sinhĐề thi - Đáp án

Đề tham khảo thi THPT: Hơn 70% nội dung ở mức độ dễ thở

Tạp Chí Giáo Dục

Đề tham khảo kỳ thi THPT năm nay do Bộ GD-ĐT vừa công bố được nhiều giáo viên có chung nhận xét: cấu trúc đề thi quen thuộc, mức độ vận dụng và vận dụng thấp chiếm tới trên 70% ở hầu hết các môn thi.
Giáo viên và học sinh lớp 12 đã tiếp cận với đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021  /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Giáo viên và học sinh lớp 12 đã tiếp cận với đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đề môn văn có cấu trúc quen thuộc
Bà Nguyễn Thị Dịu, giáo viên ngữ văn, Trường THPT chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), cho rằng: đề thi tham khảo vẫn giữ nguyên cấu trúc của đề thi THPT năm 2020 với 2 phần đọc hiểu và làm văn, giúp cho thí sinh (TS) có định hướng ôn tập rõ ràng, ổn định tâm lý chuẩn bị cho bài thi.
Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập, giải đề thi tham khảo ngay trong ngày 1.4 ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập, giải đề thi tham khảo ngay trong ngày 1.4. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Về nội dung, đề tham khảo không chỉ kiểm tra kiến thức văn học mà còn đề cập đến các vấn đề thời sự. Hệ thống câu hỏi ở phần đọc hiểu dẫn dắt học sinh (HS) tìm hiểu về mảnh đất và con người miền Trung, vùng đất vừa trải qua thiên tai. Chủ đề của đoạn văn nghị luận xã hội là sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Đây là vấn đề giàu nghĩa, có tính giáo dục cao. Bằng chính trải nghiệm cuộc sống, đặc biệt là những hiểu biết, trải nghiệm về tình người trong hoàn cảnh dịch bệnh, thiên tai vừa qua, HS có thể bàn luận sâu sắc về vấn đề này.
Cũng theo bà Dịu, câu 2 của phần làm văn chiếm tỷ lệ điểm cao nhất trong bài thi (5,0 điểm) yêu cầu: phân tích hình tượng sông Hương trong một đoạn trích của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là tác giả, tác phẩm mà HS được học trong chương trình ngữ văn lớp 12, tập 1. Như vậy, phạm vi kiến thức của đề thi bám sát kiến thức lớp 12, không đánh đố HS. Tính phân hóa của đề thi tham khảo thể hiện ở yêu cầu nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Câu hỏi môn toán dễ và vừa chiếm tỷ trọng lớn
Ông Lê Xuân Sơn, giáo viên Trường THPT chuyên ĐH Vinh, nhận xét: “Đề tham khảo môn toán khá “mềm”, số câu hỏi dễ và vừa chiếm tỷ trọng lớn, mặc dù có một số câu hỏi phân loại cao”. Số câu hỏi ở 2 mức độ nhận biết và thông hiểu khoảng 76% tương đương so với các năm 2019 và 2020 và đều tập trung vào kiến thức rất cơ bản, quen thuộc; HS chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể chọn ngay được đáp án đúng. Các em HS khá có thể đạt ngay 7 điểm ở phần này của bài thi. Các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao không đánh đố, có thể phân loại được HS khá giỏi. Trong đó, hầu hết các câu hỏi quen thuộc và có 1 – 2 câu đòi hỏi tư duy sâu sắc.
Môn tiếng Anh: Có vẻ “an toàn” quá?
Với môn tiếng Anh, bà Liên Hương, giáo viên Trường Marie Curie Hà Nội, cho rằng: với 50 câu hỏi trắc nghiệm, đề minh họa không xuất hiện các dạng câu hỏi mới so với năm trước. Có tới 75% nội dung đề thi ở mức độ kiến thức cơ bản, nhận biết thông hiểu, 25% lượng câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao (trong đó cụ thể có khoảng 7 câu vận dụng cao). Đề thi có tính phân hóa.
Trong khi đó, bà Am Thùy Linh, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), tỏ ra khá băn khoăn khi đề thi môn tiếng Anh không có gì khác biệt so với năm trước, đề có vẻ nhạt nhòa, “an toàn quá”. “Mong nội dung đề thi môn này có gì mới mẻ, có một số câu phân loại tốt hơn để kích thích được HS có năng lực học tiếng Anh”, bà Linh nói.
Lịch sử: Phân loại khá rõ; địa lý: Không nên học tủ
Bà Thu Huyền, giáo viên Trường Marie Curie Hà Nội, nhận định: Nội dung đề thi cơ bản, kiến thức trọng tâm, vừa sức với HS. Kiến thức chủ yếu ở chương trình lớp 12 với 36 câu (chiếm khoảng 90%), lớp 11 chỉ có 4 câu (10%). Câu hỏi ở dạng nhận biết và thông hiểu chiếm tới 75%, nằm trong nội dung sách giáo khoa hiện hành. 25% câu hỏi ở dạng vận dụng thấp, vận dụng cao để phân loại HS (trong đó có 4 câu hỏi khó dành cho HS giỏi, nắm rất chắc kiến thức mới làm được).
Còn bà Phùng Thị Ngọc Bích, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc), cho rằng: đề thi tham khảo năm 2021 có khả năng phân hóa tốt hơn, cung cấp một kết quả tin cậy để các trường ĐH và CĐ có thể sử dụng làm cơ sở để xét tuyển sinh.
Điểm mới của đề thi so với các năm trước, theo bà Ngọc Bích là có 1 câu về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn 1975 – 1980.
Với môn địa lý, theo cô Bạch Tuyết, Trường Marie Curie Hà Nội, cấu trúc đề gồm có 40 câu, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 95%), lớp 11 (chỉ chiếm 5%). Phần lý thuyết bao quát toàn bộ chương trình 12, đề cập đến những kiến thức nhỏ lẻ, đòi hỏi HS phải học toàn bộ kiến thức, không được chủ quan học tủ. HS chỉ cần chăm chỉ nắm kiến thức cơ bản là có thể đạt 7 – 8 điểm.
Đề thi được xây dựng ra sao?
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết việc xây dựng đề tham khảo này nhằm hỗ trợ giáo viên và HS có định hướng dạy học và ôn tập, chuẩn bị một tâm thế tốt nhất cho kỳ thi, tránh những áp lực và lo lắng không cần thiết đối với HS và giáo viên. Mức độ của đề thi cũng đã có sự tính toán để phù hợp với điều kiện học của HS cả nước trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh 2 năm liền, trong đó tính đến một mặt bằng chung để đảm bảo không gây sự bất bình đẳng, lo lắng cho HS và giáo viên.
Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định việc biên soạn đề tham khảo được làm đúng theo quy trình ra đề thi chính thức đã được quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2021. Theo đó, quy trình ra đề như sau: Tổ ra đề thi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; riêng với môn thi tự luận có thêm hướng dẫn chấm thi (đối với đề thi chính thức và đề thi dự bị). Đối với đề thi trắc nghiệm, thư ký sử dụng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ GD-ĐT, chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi (có sự chứng kiến của chủ tịch hội đồng ra đề thi và các tổ trưởng ra đề thi) làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi.
Quy chế cũng quy định phải có khâu phản biện đề. Người phản biện có trách nhiệm đọc, giải và đánh giá đề thi theo các yêu cầu quy định và đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết. Ý kiến đánh giá của người phản biện đề thi được báo cáo chủ tịch hội đồng ra đề, làm căn cứ để tham khảo trong quá trình duyệt đề thi…

Môn giáo dục công dân đầy tính thời sự

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), cho rằng: đề tham khảo môn giáo dục công dân năm 2021 đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự đang được xã hội quan tâm như: nhập cảnh trái phép, ý thức phòng, chống dịch bệnh; việc thử nghiệm vắc xin…
Các câu hỏi trong đề thi không đơn thuần chỉ là việc kiểm tra kiến thức mà còn mang ý nghĩa giáo dục trong việc định hướng và hình thành các kỹ năng cần thiết đối với HS, mang tính giáo dục về ý thức đạo đức và thái độ tôn trọng pháp luật cho người học. Từ đó giúp các em hoàn thiện kỹ năng nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với yêu cầu, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Những tình huống pháp luật mang hơi thở cuộc sống nên cũng tạo được sự hứng thú cho HS trong quá trình làm bài.
Môn lý, hóa, sinh: Cấu trúc và độ khó giống đề chính thức năm ngoái
Giáo viên Võ Thanh Bình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, nhận xét nội dung đề tham khảo môn sinh nằm trong nội dung giảm tải năm nay. Cấu trúc và độ khó giống đề chính thức năm ngoái.
Qua đề minh họa môn hóa, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Tân Phú, TP.HCM, nhận xét nhìn chung đề thi minh họa với kiến thức đảm bảo mục đích của kỳ thi 2 trong 1: Tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH. Đa số kiến thức trọng tâm phân bố ở chương trình hóa học lớp 12, có khoảng 2 câu thuộc lớp 11 (phần Phân bón hóa học và Đại cương hữu cơ).
Về môn vật lý, cô Lệ Thanh, Trường Marie Curie Hà Nội, cho rằng cấu trúc đề tham khảo không thay đổi so với năm trước: có 4 câu thuộc chương trình lớp 11 (10%) phần còn lại (36 câu) thuộc chương trình lớp 12. Đề cũng có tính phân hóa, số đông HS dễ đạt từ 6 đến 8 điểm.
Bích Thanh – Tuệ Nguyễn 

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)