Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dễ rõ rệt

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7.5, Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020. 
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020 được các giáo viên đánh giá dễ hơn so với năm trước /// ĐỘC LẬP
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020 được các giáo viên đánh giá dễ hơn so với năm trước. ĐỘC LẬP
Ở tất cả các môn, giáo viên đều có chung nhận xét cấu trúc đề quen thuộc và độ khó đã giảm rõ so với đề năm 2019 và đề tham khảo công bố tháng 4 vừa qua.
Môn ngữ văn: Giữ cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2019
Các giáo viên (GV) đều có cùng nhận xét đề tham khảo môn ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không chỉ phù hợp với mục tiêu kỳ thi, mà còn mang tính định hướng giáo dục cao.
Về cấu trúc, đề tham khảo giữ nguyên cấu trúc như đề thi THPT quốc gia những năm trước, gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm), làm văn (7 điểm). Các học sinh (HS) lớp 12 làm quen với cấu trúc này từ những năm học trước, nên có thể tự tin, chủ động trong quá trình ôn tập.
Bà Nguyễn Kim Anh, GV Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho rằng dạng câu hỏi trong đề nghị luận văn học này quen thuộc với HS, vừa giúp kiểm tra kiến thức, kỹ năng viết văn nghị luận, kiểm tra năng lực cảm thụ văn học của các em; đồng thời, có tính phân hóa rất tốt. “Ở câu hỏi này, khá dễ dàng để HS kiếm mức điểm từ 50% trở lên. Tuy nhiên, muốn đạt điểm cao, thí sinh phải tìm ra mối liên hệ giữa khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính”, bà Kim Anh phân tích.
Ông Lê Văn Thắng, GV Trường THPT Thống Nhất (Thanh Hóa), đánh giá các câu hỏi và yêu cầu trong đề tường minh, không đánh đố, nhưng vẫn có sự phân hóa học lực của HS. Vì vậy, trường ĐH có thể dùng kết quả này để tuyển sinh.
Môn toán: 75 – 80% câu hỏi ở mức cơ bản
Ông Hà Văn Thắng, Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang), đánh giá đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn toán khá “mềm”. “Số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm tỷ trọng lớn là 75 – 80%, tăng 5 – 10% so với đề thi THPT quốc gia những năm trước đây. Tuy nhiên, đề vẫn có một số câu mang tính phân loại cao”, ông Thắng nói.
Các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao trong đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 20 – 24% (12 câu), nhưng không đánh đố, không phức tạp trong tính toán, có thể phân loại được HS khá – giỏi. Trong đó, hầu hết câu hỏi là quen thuộc với HS, có 1 – 2 câu đòi hỏi tư duy sâu sắc.
Ông Thắng cho rằng với đề thi tham khảo này, phổ điểm trung bình có thể từ 6 – 6,5 điểm. Kết quả của đề thi này vẫn đảm bảo độ tin cậy để các trường ĐH sử dụng trong tuyển sinh.
Môn tiếng Anh: Giảm độ khó, băn khoăn về phân hóa
Các GV tiếng Anh nhận định, đề tham khảo môn tiếng Anh có 3 phần nhỏ. Phần xác định lỗi sai cũng như năm trước, chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Chỉ câu 45 là thách thức hơn một chút, nhưng nếu HS có kỹ năng suy luận, loại trừ thì không quá khó để tìm được đáp án đúng. Phần 2 gồm 3 câu, chủ yếu về các chủ điểm ngữ pháp đã được học trong chương trình THPT. Nội dung này được GV đánh giá khá thân thiện với HS. Phần 3 gồm 2 câu, yêu cầu chọn đáp án kết hợp tốt nhất 2 câu đơn thành câu ghép sao cho nghĩa không thay đổi. Một phần thi vốn khó nhất trở nên hấp dẫn khi đề tham khảo nói về học trực tuyến vì dịch Covid-19.
Bà An Thùy Linh, GV Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhận xét: Đề tham khảo môn tiếng Anh lần này dễ hơn đáng kể so với đề thi năm 2019 và đề tham khảo công bố hồi đầu tháng 4 nên mức độ phân hóa cũng giảm hơn, với HS ở khu vực nội thành Hà Nội thì đề thi này là dễ.
“Đề thi này rất phù hợp với thi tốt nghiệp THPT nhưng dùng để xét tuyển ĐH thì hơi băn khoăn về việc phân loại HS thực sự giỏi để tuyển vào các trường ĐH, đặc biệt là trường chuyên ngành ngoại ngữ. Giá thêm một số câu nhằm phân loại rõ thì hay hơn”, bà Linh nói.
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Trường THPT A Thanh Liêm (H.Thanh Liêm, Hà Nam), đánh giá với đề tham khảo này, HS chỉ cần học tốt kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt 5 – 6 điểm, HS khá hơn sẽ dễ dàng được 6,5 – 7,5 điểm, học lực giỏi có thể đạt từ 8 – 9, HS xuất sắc có thể đạt điểm 9 trở lên. Tuy nhiên, điểm 10 là một thách thức với HS, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi…
“Mức độ của đề tham khảo như vậy là phù hợp với bối cảnh dạy học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua, đảm bảo việc công nhận tốt nghiệp THPT. Dù dải câu hỏi phân loại HS ít đi, nhưng vẫn đủ phân hóa, có thể là nguồn đáng tin cậy để các trường ĐH, CĐ dùng làm căn cứ xét tuyển”, bà Hiền nhận định.
Bài thi tổ hợp: Số câu hỏi không giảm
Các GV tự nhiên và tổ xã hội của Hệ thống giáo dục Hocmai đều có chung nhận định: Mỗi môn thi thành phần trong 2 bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như năm trước. Trong đó, cấu trúc đề thi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (80 – 90%), đề thi không xuất hiện những câu hỏi thuộc phần tinh giản, phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa vừa đủ để các trường ĐH, CĐ lấy căn cứ để có thể tuyển sinh.
Về độ khó của các bài tổ hợp, các GV cho rằng 70 – 85% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 15 – 30% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển ĐH.
Bộ GD-ĐT: Đề thi dễ hơn nhưng không dễ đạt điểm 9, 10
Trước băn khoăn về mức độ phân hóa của đề thi ra sao, liệu có dẫn tới tình trạng “mưa điểm 10” hay không, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Đề tham khảo vẫn đảm bảo được độ phân hóa ở mức độ đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT rất rõ. Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi để các em HS giỏi, xuất sắc có điều kiện để phát huy năng lực của mình. Do vậy, để đạt được điểm 9, 10, HS phải thực sự có năng lực và nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập, ôn luyện chứ không hề dễ dàng”.
Ý kiến
Vấn đề nghị luận mới mẻ
Tôi rất thích nội dung của đoạn ngữ liệu được cho trong phần đọc hiểu đề ngữ văn: không hàn lâm, không đao to búa lớn mà phù hợp với lứa tuổi 18.
Dung lượng đoạn trích vừa vặn, không quá dài, dễ hiểu. Câu nghị luận xã hội 200 chữ bàn về vấn đề sự cần thiết tôn trọng quan điểm cá nhân của người khác cũng khá hay. Vấn đề nghị luận trong đề minh họa mới mẻ và vừa vặn với các em hơn.
Câu nghị luận văn học chọn đoạn 1 của thi phẩm Tây tiến. Cách hỏi trong đề minh họa kiểu cũ, không có gì mới mẻ, khó phân loại thí sinh với kiểu yêu cầu đơn thuần như vậy.
Đỗ Đức Anh 
(GV Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)
Đề môn sinh rất dễ, không có khả năng phân loại thí sinh
Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình học kỳ 1 lớp 12 dù có một phần thuộc kiến thức lớp 10, lớp 11 nhưng mức độ yêu cầu cũng tương tự như những năm trước.
Đề thi rất dễ, không có khả năng phân loại thí sinh, chỉ dùng để xét công nhận tốt nghiệp, khó dùng để xét tuyển vào ĐH. Dự đoán phổ điểm năm nay sẽ cao, trung bình từ 7 – 8 điểm.
Võ Thanh Bình 
(GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Độ phân hóa giữa HS khá và giỏi không rõ ràng
Trong đề minh họa môn toán, phần nhận biết, thông hiểu chiếm 39 câu trong đó có 15 câu thí sinh chỉ cần sử dụng công thức là làm được ngay. Tiếp đó là 14 câu liên quan đến các khái niệm, tính chất cơ bản trong chương trình lớp 12, thí sinh nhìn là có thể giải được liền. 10 câu có dạng bài toán chỉ cần tính toán đơn giản là có đáp số. Như vậy 39 câu hỏi trên dùng để xét tốt nghiệp.
Còn lại 11 câu thì có 4 câu có mức vận dụng thấp và 7 câu có mức vận dụng cao.
Với đề minh họa này, ngoài mục đích xét tốt nghiệp thì các trường ĐH “tầm trung” có thể dùng để xét tuyển đầu vào. Còn những trường ĐH tốp trên, nếu sử dụng thì e rằng tính chính xác không cao do độ phân hóa giữa HS khá và giỏi không thể hiện rõ ràng.
Trần Văn Toàn 
(GV Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)