Bộ GD-ĐT vừa ban hành đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 ở 7 bộ môn: Ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ và GDCD. Theo đánh giá của nhiều giáo viên bộ môn, đề tham khảo năm 2021 có cấu trúc tương đối quen thuộc, mức độ phân hóa phù hợp, rõ ràng, đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra của kỳ thi là tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để xét vào các trường ĐH.
HS TP.HCM tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Đề văn quen thuộc
Ở bộ môn ngữ văn, thầy Phan Thế Hoài (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) đánh giá, đề tham khảo năm 2021 cơ bản không có gì khác lạ so với đề thi chính thức những năm vừa qua. Đề gồm có 2 phần đọc hiểu và làm văn, các câu hỏi thiết lập theo ma trận nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Phần đọc hiểu ngữ liệu đưa ra là một đoạn thơ trích trong bài “Miền Trung” của Hoàng Trần Cương. Từ ngữ liệu, HS lần lượt trả lời 4 câu hỏi nhỏ về thể thơ, hình ảnh trong thơ, nội dung một số câu thơ và nhận xét tình cảm của tác giả được thể hiện qua đoạn thơ; Phần làm văn, gồm NLXH và NLVH. Câu NLXH tích hợp từ văn bản đọc hiểu yêu cầu HS suy nghĩ về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách. Phần NLVH yêu cầu HS phân tích hình tượng sông Hương qua một đoạn văn cho sẵn trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình trong bút ký của tác giả.
Với đề tham khảo này, HS cần ôn lại các thể thơ đã học, nắm kỹ các đơn vị kiến thức liên quan đến phần đọc hiểu như: phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận… Ngoài ra, HS cần hiểu được nội dung, nghệ thuật của một văn bản bất kì và thông điệp mà tác giả gửi gắm qua văn bản. Cạnh đó, HS cần chú ý đến các vấn đề thời sự xã hội có tính nhân văn như sức mạnh tình người trong hoạn nạn, sự chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ… bởi có thể câu NLXH đề có thể ra những vấn đề gần gũi, thiết thực mang tính giáo dục. Với câu NLVH, HS cần nắm vững: tác giả; phong cách nghệ thuật của tác giả; hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm; nội dung, nghệ thuật tác phẩm, biết cách vận dụng thao tác lập luận phân tích để phân tích một đoạn thơ, bài thơ; đoạn trích hoặc tác phẩm văn xuôi.
“Nhìn chung, đề tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tương đối nhẹ nhàng, gần gũi, nếu HS chú ý ôn tập những vấn đề như gợi ý thì các em hoàn toàn có thể yên tâm về bài thi của mình”, thầy Hoài nhấn mạnh.
Đề toán: 70% kiến thức là cơ bản
Với bộ môn toán, thầy Lâm Vũ Công Chính (giáo viên toán, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) nhận định, đề tham khảo năm nay có mức độ phân hóa cao hơn so với đề thi chính thức năm 2020, nhất là từ câu 39 đến 50 câu. Đề gồm 50 câu, kiến thức cơ bản chiếm 70%, nội dung phân hóa chủ yếu nắm ở các câu cuối, đặc biệt 5 câu cuối cùng mang tính vận dụng cao.
Nội dung kiến thức trong đề chủ yếu là lớp 12, lớp 11 chỉ có 4 câu (chưa đến 10%). Các câu hỏi liên quan đến lớp 11 rơi vào phần quy tắc đếm, xác suất, cấp số cộng, cấp số nhân và đều ở mức độ thông hiểu. “Các câu hỏi phân hóa thường tập trung vào phần kiến thức hàm số, tích phân, số phức và khối tròn xoay. Với mức độ đề tham khảo, HS cần tập trung ôn tập kiến thức trong chương trình lớp 12, nắm chắc kỹ năng trong từng dạng bài”.
Vật lý: Điểm dành cho HS giỏi chưa nhiều để phân loại tuyển sinh ĐH
Đánh giá về đề tham khảo môn vật lý, thầy Phạm Đức Cường (Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, tỉnh Bình Dương) cho hay, đề gồm 40 câu thì có 4 câu thuộc chương trình lớp 11 (10%), 36 câu còn lại bao phủ toàn bộ chương trình lớp 12 (90%).
Về mức độ kiến thức: đề có 32 câu mức độ kiến thức cơ bản để phục vụ tốt nghiệp, 4 câu dành mức vận dụng và 4 câu ở mức vận dụng cao, phân loại HS giỏi. Trong đó, kiến thức lớp 11 có 2 câu nhận biết, 1 câu thông hiểu và 1 câu vận dụng. Tuy nhiên, mức độ khó của đề lại “thoáng” hơn năm trước. Đặc biệt, đề tham khảo năm 2021 có những câu giáo khoa liên hệ thực tế rất hay và quan trọng là không có những câu rất khó mang tính đánh đố không liên quan đến hiện tượng vật lý như đề thi các năm trước.
“Với mức độ đề này, yêu cầu HS phải nắm vững kiến thức SGK mới có thể lấy trọng điểm phần cơ bản. Tuy nhiên, điểm dành cho HS giỏi chưa nhiều để phân loại tuyển sinh ĐH”.
Hóa học: Phân hóa rõ ràng, phù hợp
Nhận định về đề thi tham khảo môn hóa năm 2021, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) cho hay, cấu trúc đề thi gồm 40 câu, trong đó kiến thức lớp 12 là 30 câu (chiếm 75%), khối 10 và 11 mỗi khối có 5 câu (chiếm 25%).
Độ phân hóa trong đề rất rõ, HS chỉ cần học bài, nắm vững kiến thức cơ bản là có thể đạt được 6, 5 điểm. Những HS luyện theo khối A, B dễ dàng đạt được điểm 8, tuy nhiên để đạt từ điểm 9 trở lên thì đòi hỏi HS vừa nắm thật chắc các kiến thức và vừa cần tư duy liên hệ. “Nhìn chung, cấu trúc, nội dung, độ phân hóa của đề thi thử năm nay khá phù hợp với chủ trương của Bộ GD-ĐT là đảm bảo trước hết yếu tố xét tốt nghiệp và sau là để phân loại HS phục vụ xét tuyển sinh ĐH”, thầy Phú nói.
Địa lý: Không khó để lấy được điểm 10
Cụ thể, ở bộ môn địa lý, thầy Lê Thanh Long (giáo viên địa, Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn) cho biết cấu trúc đề gần như trở về cấu trúc năm 2019, đề tham khảo năm 2021 có thêm 2 câu kỹ năng của địa lý 11 (câu 61, 62). Kiến thức địa lý lớp 12 chiếm 95% (38 câu), trong đó câu hỏi lý thuyết về tự nhiên (3 câu) có giảm nhẹ (2 câu), giảm 1 câu địa lý dân cư so với đề chính thức năm 2020, tăng 2 câu hỏi lý thuyết về ngành (8 câu); Câu hỏi lý thuyết về vùng ổn định (8 câu), tăng 1 câu hỏi Atlat địa lý Việt Nam, đều ở dạng nhận biết (15 câu). Như vậy, cấp độ khó ở các câu cũng được sắp xếp tăng dần. Có tới 50% câu hỏi ở cấp độ nhận biết (20 câu), 25% thông hiểu (10 câu), 15% vận dụng thấp (6 câu) và 10% vận dụng cao (4 câu). Tổng quan theo cá nhân thì đề tham khảo 2021 có sự phân hóa tốt hơn 2020, tuy nhiên vẫn là những câu hỏi quen thuộc, dễ đoán. HS nắm vững kiến thức cơ bản và kỹ năng bộ môn không khó để lấy được điểm 10.
Sinh học: 75% kiến thức phù hợp với HS trung bình khá trở lên
Cô Trần Thị Trúc Đào (Tổ trưởng Tổ sinh, Trường THPT Tenlơman, Q.1) nhận định, đề thi tham khảo phù hợp với chương trình giảm tải, trải đều ở tất cả các chương trong chương trình lớp 12. Với kiến thức lớp 11, đề chiếm 10% 11, tập trung ở chương 1: Chuyển hóa năng lượng vật chất; 25% các câu hỏi trong đề ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, còn lại 75% kiến thức phù hợp với HS trung bình khá trở lên. Phần kiến thức vận dụng và vận dụng cao phân loại HS tập trung chủ yếu ở phần di truyền – đây cũng là dạng quen thuộc với HS.
“So với đề năm ngoái thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giảm tải nhẹ hơn, đề năm nay độ phân hóa cao hơn phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng được với nhu cầu thi tốt nghiệp và xét vào các trường ĐH. Để làm tốt đề, HS cần nắm vững kiến thức tổng quát chung lớp 12, chỉ riêng việc nắm vững này đã được 7 điểm, luyện thêm phần di truyền trên 8 điểm. Các em cũng cần lưu ý thêm các kỹ năng về phân bố thời gian làm bài, có kế hoạch ôn tập phù hợp, không học lệch ở chương nào vì nội dung kiến thức trong đề trải đều, chủ động ôn tập kiến thức lớp 11 nhất là chương số 1”, cô Đào lưu ý.
Lịch sử: 70% kiến thức cơ bản
Cô Nguyễn Thụy Vi Vi (Tổ trưởng Tổ sử, Trường THPT Hiệp Bình, TP.Thủ Đức) cho hay, so với đề năm ngoái cấu trúc đề tham khảo năm nay có sự quen thuộc. Trong đó, 70% kiến thức cơ bản, vận dụng thấp; 30% mang tính phân loại. Kiến thức lớp 11 chiếm 4 câu trong đó 2 câu cơ bản, 2 câu kiến thức liên hệ 12; còn lại kiến thức trong đề cơ bản trải dài trong chương trình 12, tuy nhiên không đòi hỏi HS ghi nhớ cụ thể, chi tiết mà hiểu và biết liên hệ. Trong 30% kiến thức vận dụng dù mức độ bằng năm ngoái song tính vận dụng có nâng lên một chút, đòi hỏi HS phải biết nhận diện câu hỏi, kiến thức liên kết, kết nối nhau theo dạng chủ đề, bản chất sự việc để làm.
“Với mức độ kiến thức trong đề, nếu HS nắm vững kiến thức cơ bản là đã có thể đạt được điểm 5. Để lấy được điểm cao, xét vào ĐH lại yêu cầu HS cao hơn. HS cần làm bài trắc nghiệm nhiều chịu khó, tiếp cận với nhiều phương pháp học mới như học theo sơ đồ tư duy, chủ đề, tuyệt đối không học máy móc theo sự kiện ngày tháng năm, không học thuộc lòng. Khi học cần biết chốt các từ khóa sự kiện để hiểu…”, cô Vi nhấn mạnh.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)