Để làm tốt bài thi IELTS, theo các chuyên gia có kinh nghiệm, không có đường tắt nào ngoại trừ việc thật sự luyện tập có khoa học.
Cần chủ động tìm tòi, thực hành
Từng đạt 9.0 IELTS, thạc sĩ Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh, nhà sáng lập IELTS Masters, nhìn nhận hạn chế lớn nhất của bạn trẻ Việt là cách học bị động, phụ thuộc vào đi học ở lớp mà không chủ động tìm tòi, thực hành tiếng Anh bên ngoài. “Hậu quả của việc này là thí sinh (TS) hay bị điểm thấp ở phần lựa chọn, phát triển và sắp xếp ý tưởng khi thi IELTS”, thạc sĩ Quỳnh cho hay.
Sinh viên giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài trên phố đi bộ ở Hà Nội, một cách thực hành ngoại ngữ hiệu quả. NGỌC THẮNG
Để làm tốt bài thi, theo thạc sĩ Quỳnh, không có đường tắt nào ngoại trừ việc thật sự luyện tập. Ở đề đọc, TS nên xem toàn văn một lần để hiểu ý chung thay vì vội vàng nhìn câu hỏi rồi dùng skim (đọc nhanh) và scan (đọc quét) để trả lời. Với đề nghe, vì băng chỉ chạy một lần nên trước khi nghe, TS cần đọc hiểu câu hỏi, lựa chọn từ khóa để xác định sẽ phải chú trọng thông tin nào giữa những thông tin đánh lạc hướng.
Để làm tốt bài thi không có đường tắt nào ngoại trừ việc thật sự luyện tập. Ở đề đọc, TS nên xem toàn văn một lần để hiểu ý chung thay vì vội vàng nhìn câu hỏi rồi dùng skim (đọc nhanh) và scan (đọc quét) để trả lời. Với đề nghe, vì băng chỉ chạy một lần nên trước khi nghe, TS cần đọc hiểu câu hỏi, lựa chọn từ khóa để xác định sẽ phải chú trọng thông tin nào giữa những thông tin đánh lạc hướng. Thạc sĩ Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh, nhà sáng lập IELTS Masters |
“Khi thi nói, nhiều bạn tuy từ vựng, ngữ pháp, ý tưởng đều rất tốt, nhưng phát âm không đúng nên điểm không thể nào cao. Do đó, hãy học phát âm lại từng âm, từng từ trước khi cố nói thật nhanh mà sai và gây khó hiểu cho giám khảo”, thạc sĩ Quỳnh lưu ý và cho hay trong đề viết, quan trọng là ý tưởng được thể hiện rõ ràng bằng câu chữ mạch lạc.
Nên ôn theo 3 giai đoạn
Đó chính là nắm căn bản, luyện đề và tính giờ, theo thầy Huỳnh Hoàng Nhân, giáo viên từng 2 lần đạt 9.0 IELTS tại K.Horizon IELTS Training. “Khi bắt đầu, TS nên ôn kỹ ngữ pháp đã học tại bậc THPT, đặc biệt là câu phức và dạng từ. Đồng thời, học cách làm từng kỹ năng như suy luận, phân biệt bẫy trong bài nghe và đọc; ngôn ngữ miêu tả đồ thị, bố cục trong bài viết; các phần, dạng câu hỏi trong bài nói”, thầy Nhân hướng dẫn.
Sau khi nắm căn bản, TS cần luyện đề với mục tiêu là đúng quan trọng hơn nhiều. Tức làm 1 đề có thể lố thời gian, nghe nhiều lần, nhưng đảm bảo đúng được hơn 80% số câu hỏi. Mẹo là đọc, nghe thì cô lập từng phần ra, luyện nhiều đề đến khi thuần thục; luyện viết cho tròn ý, đúng ngữ pháp, đủ chữ; luyện phát âm, sửa lỗi sai khi nói. Vào giai đoạn cuối, TS bắt đầu tính giờ và đẩy nhanh tốc độ làm bài.
“3 giai đoạn trên tùy cá nhân có nhiều hay ít thời gian cho IELTS mà có thể kéo dài vài tháng đến năm. Tôi thường khuyên các bạn đặt mục tiêu 7.0 trước và có chiến lược làm bài phù hợp. Sau đó đi thi, có điểm, tự ra mục tiêu cao hơn và ôn tiếp nếu cần thiết”, thầy giáo có 7 năm kinh nghiệm kết luận.
Điểm IELTS cao chưa hẳn giỏi tiếng Anh
Theo thạc sĩ Hà Đặng Như Quỳnh, 8.5 IELTS và là Giám đốc học thuật mảng IELTS tại DOL IELTS Đình Lực, có trường hợp TS đạt điểm IELTS cao nhưng khi giao tiếp, sử dụng tiếng Anh trong môi trường thực tế lại vấp váp vì chỉ học mẹo hoặc may mắn đề ra “trúng tủ” phần đã ôn chứ không giỏi thực chất. Thế nên, thạc sĩ Quỳnh cho rằng phải học để áp dụng chứ không chỉ để ghi nhớ, và khi tiếp thu bất kỳ kiến thức tiếng Anh nào cũng cần tưởng tượng nó sẽ được sử dụng trong những tình huống cụ thể gì, đặc biệt là trong viết và nói.
“Nhiều học sinh chỉ học để ghi nhớ khiến thói quen học ngoại ngữ bị ảnh hưởng nhiều. Đơn cử như khi học từ vựng, các bạn ghi danh sách dài trên giấy để thuộc lòng, nhưng khi nói hoặc viết lại không thể nhớ ra kịp hoặc không biết cách dùng. Có khoảng cách rất lớn giữa việc ghi nhớ và sử dụng”, thạc sĩ Quỳnh cảnh báo.
Thạc sĩ Quỳnh cũng chỉ ra một hạn chế của bạn trẻ là quá ám ảnh cách học tích lũy, nghĩa là tin rằng muốn giỏi tiếng Anh chỉ có cách duy nhất là học ngày qua ngày. “Điều này không sai nhưng khiến hành trình ôn luyện kéo dài hơn 10 lần so với áp dụng đúng cách. Vì khi học tích lũy, các bạn không có định hướng hay phương pháp cụ thể, chỉ tâm niệm ôn được gì thì ôn”, cô Quỳnh trăn trở và cho biết điều này vừa ảnh hưởng đến động lực học tập, vừa chậm trễ thời điểm đạt được chứng chỉ tiếng Anh.
Theo Ngọc Long/TNO
Bình luận (0)