Các thầy cô giáo có kinh nghiệm dạy môn sinh vật, địa lý, tiếng Anh tiếp tục có những chia sẻ với thí sinh về kinh nghiệm khi làm bài thi, những điểm cần lưu ý khi kỳ thi đã kề cận.
Cô Võ Thị Thu Hà (giáo viên môn địa lý Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Môn địa lý: lưu ý kỹ năng thực hành
Chỉ dùng bút chì vẽ đường tròn
Trong bài thi địa lý, duy nhất biểu đồ tròn được vẽ bằng compa và đây là biểu đồ duy nhất được sử dụng bút chì (để vẽ đường tròn). Tất cả các biểu đồ khác học sinh nhất thiết phải vẽ bút mực cùng màu với chữ viết trong bài thi. Nếu không nhớ việc này, các em sẽ bị trừ điểm. Sau khi vẽ biểu đồ phải điền số liệu lên biểu đồ, viết bảng chú thích và tên biểu đồ… Nếu thiếu bất kỳ một trong các chi tiết đó các em sẽ bị mất điểm.
Cô Võ Thị Thu Hà
Nên học hết kiến thức, không học tủ, học lệch, nhưng các em cần chú ý kỹ phần kiến thức vùng kinh tế, bởi theo cấu trúc đề thi có một câu 3 điểm về nội dung này.
Đề thi sẽ có các câu hỏi yêu cầu thực hành. Những câu hỏi này thường chiếm tỉ lệ điểm tương đối cao. Vì thế các em cần có sự chuẩn bị chu đáo để nắm chắc các kỹ năng như khai thác atlat địa lý Việt Nam, xử lý số liệu, vẽ biểu đồ, phân tích bảng số liệu thống kê… Có dạng biểu đồ cơ bản các em cần nhớ: biểu đồ hình cột, biểu đồ đường (hay còn gọi là biểu đồ đồ thị), biểu đồ kết hợp, biểu đồ tròn và biểu đồ miền. Các em phải xác định đúng mục đích của đề bài để lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất. Ví dụ đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện diễn biến hay tốc độ phát triển… thì chọn vẽ biểu đồ đường.
Nếu yêu cầu so sánh hoặc thể hiện được sự thay đổi… thì vẽ biểu đồ hình cột. Nếu có hai đối tượng thì vẽ biểu đồ cột ghép. Nếu chung đơn vị và các đối tượng có mối quan hệ thì vẽ biểu đồ cột chồng. Còn khi thể hiện cơ cấu nếu số năm bằng hoặc nhỏ hơn 3 thì vẽ biểu đồ hình tròn, nếu số năm bằng hoặc lớn hơn 4 thì vẽ biểu đồ miền, nếu thể hiện cả quy mô và cơ cấu thì vẽ hình tròn và phải tính R…
Các em cần lưu ý nếu vẽ biểu đồ hình cột, cột đầu tiên không bao giờ được trùng với trục tung, còn biểu đồ đường thì điểm đầu tiên phải xuất phát từ trục tung (năm gốc phải nằm tại tọa độ gốc). Ngoài ra, các em cần nắm vững một số công thức để tính toán theo yêu cầu của đề bài và phân tích mối quan hệ địa lý giữa các đối tượng như: năng suất = sản lượng : diện tích, bình quân lương thực/đầu người = sản lượng lương thực : số dân, độ che phủ rừng = Diện tích rừng : diện tích lãnh thổ, sản lượng lương thực = năng suất x diện tích… Để phân tích tốt bảng số liệu thống kê, các em phải đi từ khái quát đến cụ thể.
Năm 2010, thang điểm cho những câu hỏi thực hành môn địa lý chiếm 7 điểm trong tổng số điểm thi của toàn bài. Vì vậy, kỹ năng thực hành là việc học sinh không thể lơ là.
Cô Lê Nguyên Hương (giáo viên dạy môn sinh học Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội): Môn sinh học: cẩn thận để tránh "bẫy"
Thời điểm này học sinh không nên sa đà vào ôn từng bài cụ thể nữa mà việc cần làm là hệ thống lại kiến thức. Các em có thể lập sơ đồ kiến thức theo các chủ đề, trong mỗi chủ đề, gạch đầu dòng những ý chính về kiến thức được đề cập. Với cách này, các em có thể hình dung một cách đầy đủ kiến thức cần nắm để bước vào phòng thi. Với sơ đồ như trên, các em cũng sẽ biết ngay phần nào mình còn chưa vững, chưa hiểu để bổ sung, chứ không phải học lan man.
Môn sinh học sẽ có các câu hỏi lý thuyết và bài tập, nhưng ở đề thi tốt nghiệp THPT, các dạng bài tập được hỏi đến sẽ không khó mà rất căn bản. Học sinh chỉ cần ghi nhớ kỹ lý thuyết là có thể giải quyết tốt dạng bài tập này. Ngoài việc học chắc lý thuyết, học sinh cũng nên tham khảo các dạng bài tập cơ bản, cách giải quyết để có thể xử lý nhanh bài tập khi gặp dạng tương tự.
Ở môn sinh học, các em cần thận trọng khi đọc đề để tránh những "bẫy". Ví dụ có câu người ra đề hỏi "có phải hiện tượng đó không đúng?" thì học sinh do không đọc kỹ đề lại hiểu câu hỏi là "đúng". Sự nhầm lẫn giữa "đúng" và "không đúng" rất dễ xảy ra khi học sinh không có tâm thế bình tĩnh khi bước vào phòng thi. Trong thi trắc nghiệm, có câu hỏi dài hay ngắn nhưng thời gian chia cho mỗi câu tương đương nhau, nên nếu các em không biết cách phân bố thời gian sẽ không thể điền hết phương án trả lời cho tất cả các câu hỏi.
Cô Lê Phương Hạnh (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội): Môn tiếng Anh: ghi nhớ dạng cấu trúc câu
Môn tiếng Anh không giống các môn thi khác là có thể phán đoán, khoanh vùng kiến thức cần thiết, vì thế không có cách nào khác học sinh phải học hết. Thời gian cuối trước kỳ thi, các em cần rà lại kiến thức, bám sát sách giáo khoa lớp 12, trong đó ghi nhớ các dạng cấu trúc câu, từ vựng. Với ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh nói riêng, không có sự phân định rạch ròi đâu là kiến thức lớp 10, 11 và 12, bởi có sự liên quan, nâng cao dần. Các em nên dành thời gian nhất định để tham khảo một số dạng đề thi tiếng Anh, các dạng câu hỏi.
Ví dụ có câu hỏi đọc và điền từ (kiểm tra từ vựng), có câu đọc hiểu, có dạng câu hỏi, yêu cầu trả lời hoặc nhận định câu đúng sai (kiểm tra về cấu trúc câu, ngữ pháp). Các em nên đọc hết đề thi, làm nhanh những câu mình thật chắc chắn. Sau khi "tua" một lượt đầu, các em quay lại "tua" tiếp lượt hai để giải quyết các câu mình cần dành thời gian nhiều hơn để suy nghĩ. Với những câu "không chắc chắn", các em có thể lựa chọn theo phán đoán. Kinh nghiệm phán đoán trong môn ngoại ngữ nhiều khi cả học sinh khá giỏi cũng phải sử dụng. Ví dụ chọn cấu trúc nghe quen tai, lựa chọn dựa vào các cấu trúc gốc mà mình đã ghi nhớ…
Với đề thi tốt nghiệp môn tiếng Anh, học sinh học lực trung bình nếu ôn tập thật kỹ từ vựng và cấu trúc cơ bản có trong chương trình cũng đã đạt ít nhất 5-6 điểm.
Bình luận (0)