Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đề thi bắt đầu phân hóa từ mốc 7 điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Trao đổi với PV về định hướng và mức độ phân hóa trong đề thi của các khối thi đợt 2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga – trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh – cho biết:
Thứ trưởng Bùi Văn Ga – Ảnh: N.HÙNG
– Định hướng chung của Bộ GD-ĐT đã quán triệt với ban đề thi tuyển sinh 2011 là đề thi không quá khó, quá phức tạp, phải nằm trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, không ra đề vào những phần đã cắt bỏ, giảm tải. Đề phải vừa đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh, vừa phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.
So với mọi năm, mức độ phân hóa của đề thi được yêu cầu làm rõ hơn. Cụ thể, bộ chủ trương đề thi tuyển sinh năm nay phải có tính phân loại cao, phổ điểm kết quả thi của thí sinh hợp lý hơn những năm trước, không nhiều thí sinh bị điểm quá thấp hoặc quá cao. Số thí sinh đạt điểm trung bình nhiều hơn.
Định hướng này sẽ tiếp tục thể hiện trong đề thi các môn của ba khối B, C và D trong đợt 2 này.
* Như vậy mức độ phân hóa của đề thi sẽ tập trung vào mốc nào trong thang điểm 10, thưa ông?
– Mong muốn của Bộ GD-ĐT chuyển tải đến ban đề thi là đề thi phải thỏa mãn yêu cầu với sức học trung bình, trung bình khá, thí sinh có thể làm được khoảng 5-6 điểm. Từ mốc điểm 7 đến điểm 10 là những câu mang tính phân hóa, khó dần lên để phân loại thí sinh. Thí sinh khá giỏi, có kỹ năng tốt có thể đạt 8-9 điểm. Còn riêng điểm tuyệt đối 10 để đạt được phải là những thí sinh thật giỏi.
* Với mức độ yêu cầu của đề thi như thế, ông dự báo như thế nào về kết quả thi của thí sinh và điểm sàn, điểm chuẩn năm nay?
– Với đề thi này, chúng tôi cho rằng phổ điểm thi của thí sinh năm nay sẽ hợp lý hơn, tốt hơn cho công tác tuyển chọn của các trường. Kết quả thi sẽ thể hiện sự phân loại thí sinh rõ hơn ở chỗ: điểm cực đại của phổ điểm sẽ dịch chuyển cân vào giữa hơn thay vì lệch hẳn sang bên trái như những năm trước. Số thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở từng môn thi có thể không nhiều bằng những năm trước nhưng số thí sinh đạt ngưỡng điểm trung bình sẽ tăng. Dự kiến điểm sàn sẽ ở mức bằng hoặc cao hơn năm 2010.
Với phổ điểm này, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm ba môn thi đạt ngưỡng điểm sàn sẽ tăng, đảm bảo nguồn tuyển chung cho các trường. Trong đó, có một tỉ lệ hợp lý thí sinh đạt kết quả thi cao hẳn, đáp ứng nhu cầu tuyển chọn của các trường tốp đầu.
Phổ điểm như vậy có tính phân loại thí sinh cao, đồng thời giữ cho điểm sàn không thấp nhưng nguồn tuyển dồi dào hơn, tạo điều kiện cho các trường tuyển chọn tốt hơn. Kết hợp với quy định mới sẽ áp dụng trong công tác xét tuyển từ năm nay của Bộ GD-ĐT, cho phép thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 đã nộp nếu thấy có cơ hội xét tuyển tốt hơn, tôi cho rằng những thí sinh đạt trên điểm sàn năm nay sẽ có cơ hội trúng tuyển rất cao, sẽ giảm hẳn tình trạng thí sinh được điểm cao vẫn không trúng tuyển…
Với cơ cấu kết quả thi có thay đổi, chắc chắn sẽ có những thay đổi trong mức điểm chuẩn của một số trường ĐH.
Theo Thanh Hà
(TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)