Vấn đề không phải chỉ là dài hay ngắn, khó hay dễ. Vấn đề là cách thiết kế đề thi theo hướng “không mẫu mực” sẽ giúp đánh giá được năng lực tổng hợp của học sinh, từ kỹ năng đọc – hiểu, khả năng tư duy mô hình hóa tình huống và giải quyết vấn đề.
Giám thị hướng dẫn thí sinh thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2024 tại TP.HCM điền thông tin chính xác vào giấy thi. Ảnh: Y.Hoa
Điều tôi muốn nói ở đây là cách thức ra đề thi môn toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2024 tại TP.HCM đúng tinh thần giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tức là học sinh phải có năng lực tổng hợp trong việc vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề mang tính thực tiễn của đời sống. Với cách ra đề thi lâu nay, học sinh làm toán như một cỗ máy. Các em được hướng dẫn các dạng bài rất cụ thể, với những dạng này thì cách làm là gì, bước 1 là gì, bước 2 là gì, cứ thế áp vào hoặc thay công thức là cho ra kết quả. Rõ ràng, những đề thi như vậy không có tác dụng trong việc đánh giá năng lực thật của học sinh cũng như giúp cho quá trình học tập để các em phát triển năng lực toán học. Chúng ta cần phải hiểu năng lực, kỹ năng của con người trong thời đại này phải khác so với thời đại trước đây. Ví dụ rất đơn giản, khoảng 20 năm trước, chỉ sinh viên tốt nghiệp ĐH mới biết sử dụng Email, mới biết thiết kế PowerPoint để thuyết trình. Nhưng với yêu cầu hiện nay thì học sinh THCS đã biết tất cả những kỹ năng này. Cuộc sống mới đòi hỏi những kỹ năng mới, năng lực mới như thế thì không thể nào áp dụng cách làm cũ. Nhưng hiện nay đa số các địa phương vẫn ra đề theo cách cũ. Lạc hậu và không ổn chút nào.
Chúng ta kêu gọi đổi mới giáo dục nhưng sức ỳ vẫn không nhỏ. Nhiều thầy cô chỉ muốn như cũ, không phải sửa đổi giáo án, không phải thay đổi chương trình, cứ vậy mà dạy. Phụ huynh, học sinh muốn như cũ thôi cho dễ ôn tập. Nếu cứ trì trệ như vậy thì sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới. Sự vận động của xã hội đang rất nhanh bởi tác động của các yếu tố công nghệ, trí tuệ nhân tạo… đòi hỏi giáo dục phải thay đổi. Trong thực tế, đề thi ở nhiều địa phương 20 năm qua vẫn theo một cấu trúc, hầu như không thay đổi. Cụ thể, đề thi thiết kế theo đúng dạng bài 1 là gì, bài 2 là gì, bài 3 là gì theo khuôn mẫu, học sinh được hướng dẫn dạng bài này thì giải như thế nào, theo bước 1, 2, 3, cần chú ý điều gì… Học sinh giải toán trở thành cái máy. Em nào chăm chỉ hơn một chút là có thể làm bài tốt hơn chứ không phản ánh hết năng lực tổng hợp của bản thân. Điều này dẫn đến việc học sinh của chúng ta giải toán rất tốt nhưng nếu cho một vấn đề thực tế trong đời sống, cũng là toán nhưng các em không giải quyết được. Các em không có khả năng tư duy mô hình hóa tình huống bằng các phép toán đã học.
Chiếu vào khuôn mẫu này, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn toán của TP.HCM là đề thi “không mẫu mực”, do lấy ngữ liệu, bối cảnh rất đa dạng trong cuộc sống, học sinh không “học tủ” được. Như đề yêu cầu tính hệ số điện, thứ rất thực tế trong đời sống nhưng không ai đoán được sẽ ra vấn đề đó. Học sinh không “học tủ” được về lâu dài có rất nhiều lợi ích. Trước đây thi theo dạng, mọi người đều tham vọng phải học hết các dạng để đi thi, trúng dạng nào còn làm được bài dẫn đến áp lực của việc học thêm rất lớn. Còn khi thi theo kiểu mới, đánh giá năng lực của học sinh, không theo dạng, không theo mẫu mực thì dần dần mọi người nhận ra việc học theo dạng, theo mẫu không còn ý nghĩa bởi không thể nào phủ hết các tình huống. Học sinh và cả phụ huynh cần hiểu đề thi mới lạ như thế là tất yếu và mình cần làm quen với điều đó. Làm quen nhưng không cần phải lo lắng vì đề khó thì điểm chuẩn có thể thấp hơn, còn cơ hội trúng tuyển không giảm. Ai có năng lực đến đâu vẫn đỗ vào trường phù hợp với năng lực của mình.
Hiện nay năng lực đọc – hiểu của học sinh Việt Nam nói chung rất yếu. Đây là vấn đề theo tôi rất nghiêm trọng. Trong khi để theo đuổi quá trình học tập mang tính chất học thuật như theo học THPT, theo học ĐH, năng lực đọc và năng lực tự học cực kỳ quan trọng. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn toán của TP.HCM thiết kế không dừng lại ở việc giải toán mà đánh giá được năng lực tổng hợp. Trong đó có năng lực đọc – hiểu, phân tích thông tin, thu thập xử lý thông tin, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề của học sinh. Đây mới là điều có ý nghĩa. Còn ra những bài mẫu, có khi học sinh không thèm đọc đề, chỉ cần nhìn đề bài đã biết làm gì rồi sẽ càng làm thui chột năng lực đọc – hiểu của các em. Với tôi, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn toán của TP.HCM là đề thi tiêu biểu cho tinh thần đổi mới giáo dục. Tôi hy vọng nhiều địa phương nhân rộng cách làm này thì giáo dục mới có thể thay đổi một cách thực chất.
Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội)
Bình luận (0)