Ngày mai, 8-7, thí sinh dự thi đại học đợt 2 trên cả nước sẽ tiến hành làm thủ tục dự thi để thi đại học khối B,C,D, các ngành thi năng khiếu. Theo số liệu công bố của Bộ GD-ĐT, đợt 2 số hồ sơ đăng ký dự thi khoảng 750.000, giảm hơn 80.000 bộ so với năm trước.
Đợt thi thứ 2 ngoài các môn tự nhiên Toán, Hóa, Sinh sẽ tập trung nhiều các môn xã hội là Văn, Sử, Địa, vì vậy công tác tổ chức thi bao giờ cũng chịu sức ép nhiều hơn. Đặc biệt là các trường phải đề phòng các hành vi gian lận thi cử, quay cóp.
Thí sinh trao đổi sau giờ làm bài trong kỳ thi đại học đợt 1. Ảnh: Lã Anh
Chống gian lận, thi hộ, thi kèm
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức thi của các trường thi trong đợt 2 đã hoàn thiện. Nhiều trường tiếp tục có biện pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh và người nhà. Các trường như Học viện báo chí và tuyên truyền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… đều thông báo chi tiết, hướng dẫn sơ đồ phòng thi tại các cụm thi cho thí sinh.
Ngay sau khi kết thúc đợt thi thứ 1, các đội tiếp sức mùa thi tiếp tục ra quân hỗ trợ thí sinh thi đợt 2. Đơn cử như đội tiếp sức mùa thi của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ra quân hỗ trợ thí sinh từ ngày 6-7 đến hết ngày 10-7 tại các bến xe và các điểm thi, với các thông tin về địa điểm thi, chỗ ăn, nghỉ, chỉ dẫn giao thông; công bố đầy đủ bàn đồ của các điểm thi, tuyến xe buýt, đường dây nóng của đội tiếp sức để sẵn sàng hỗ trợ thí sinh. Tại các điểm thi, đội tiếp sức mùa thi của trường sẽ phát miễn phí các suất cơm, bánh bao và nước uống cho thí sinh và người nhà thí sinh.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), qua kết quả của đợt thi thứ nhất cho thấy các nhà trường tổ chức thi đợt 2 phải tiếp tục chỉ đạo các giám thị tăng cường công tác coi thi, nhắc nhở thí sinh thực hiện đúng quy chế. “Cần tiếp tục tập huấn, hướng dẫn các cán bộ coi thi trong việc phát hiện các thiết bị công nghệ tinh vi, hiện đại cấm mang vào phòng thi. Kiểm tra giám sát chặt chẽ tránh không để diễn ra hiện tượng thi hộ, thi kèm. Đặc biệt là khâu thu bài thi ở môn thi cuối cùng, các trường cần chỉ đạo các giám thị tuyệt đối không để xảy ra sai sót”, ông Trinh lưu ý. Ngoài ra, các Hội đồng thi sau khi coi thi xong phải thực hiện ngay công tác bảo mật bài thi một cách an toàn tuyệt đối.
Đổi mới đề thi
Một trong những nét mới của kỳ thi ĐH-CĐ năm nay là đổi mới về đề thi. Trong đợt 1, đề thi các môn thay vì có phần chung (thí sinh bắt buộc phải làm) và phần riêng (thí sinh có thể lựa chọn một trong hai phần: theo chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao) như mọi năm thì đề thi chỉ có phần chung bắt buộc cho tất cả thí sinh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, so với các năm trước đề thi nhiều môn năm nay không còn theo mô hình truyền thống nữa, thay vào đó có thể chỉ thống nhất một phần chung để tất cả thí sinh tham dự kỳ thi cùng phải trả lời những câu hỏi như nhau.
“Đề thi này sử dụng kiến thức giao thoa giữa hai chương trình chuẩn và nâng cao, không ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh dù học theo chương trình nào. Cấu trúc đề thi kiểu này đã được áp dụng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi và đã được xã hội đánh giá tốt”, ông Ga cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay tiếp tục phát huy những kết quả đổi mới, hướng tới việc kiểm tra năng lực của thí sinh. Thực tế khi đề thi không có phần tự chọn, thí sinh không phải băn khoăn, tốn thời gian suy nghĩ việc lựa chọn này để tập trung toàn thời gian làm bài tốt. Mặt khác, việc này cũng giúp thí sinh tránh bị mất điểm oan do sơ ý làm một vài câu trong phần tự chọn còn lại.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, đổi mới ra đề thi theo hướng mở như vậy không buộc các em nhớ máy móc, giúp các em phát huy năng lực tư duy tốt, phát huy được sở trường của thí sinh. “Vì thế thí sinh không phải lo lắng. Những đổi mới đó sẽ tạo điều kiện cho các em làm bài tốt hơn, có điều kiện trúng tuyển hơn. Các em cần cố gắng vận dụng kiến thức đã học, hiểu biết cuộc sống về vấn đề xã hội quan tâm, không cần quá nhớ máy móc, học thuộc lòng như xưa”, Thứ tưởng Ga nhắn nhủ các thí sinh chuẩn bị bước vào đợt thi thứ 2, nhất là thí sinh khi các môn xã hội.
“Ngoài đổi mới cách ra đề thi, tất cả những đổi mới trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay đều theo hướng có lợi cho thí sinh như việc chia nhiều mức điểm sàn để phân loại các trường, các em có kết quả cao vào trường chất lượng cao hơn, tạo uy tín cho các em sau này tìm việc dễ dàng hơn. Ngoài ra, sẽ nhân đôi số điểm môn thi chính để thí sinh có điều kiện thuận lợi hơn, nhiều cơ hội trúng tuyển hơn để có thể theo học các ngành mình thích, có sở trường”, ông Ga khẳng định.
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó nêu rõ “cần đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo ĐH-CĐ. Đề thi tuyển sinh ĐH- CĐ 2014 cũng sẽ tiệm cận dần với hướng đổi mới mà kỳ thi THPT vừa qua đạt được. Khi ra đề thi tiệm cận như vậy sẽ có 2 phần, một phần kiểm tra những kiến thức cơ bản của học sinh, phần khác nâng cao để phân loại thí sinh.Một đề thi có sự kết hợp phần cơ bản và nâng cao như vậy thì khi chúng ta tổ chức một kỳ thi quốc gia có thể đạt được 2 mục tiêu là đánh giá kết quả tốt nghiệp THPT và sử dụng nó để xét tuyển vào ĐH-CĐ”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
PHAN THẢO (SGGP)
Bình luận (0)