Giáo viên các môn thành phần của bài thi tổ hợp khoa học xã hội đều có chung nhận xét đề thi năm nay giảm độ khó so với năm trước, phổ điểm sẽ ở mức 6, 7 điểm
Thí sinh làm thủ tục vào làm bài thi tổ hợp. ẢNH TUỆ NGUYỄN
Lịch sử: Chủ yếu đạt điểm trung bình
Cô Đặng Ngọc Tú, Tổ trưởng tổ khoa học xã hội, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết đề thi lịch sử năm nay bám sát đề minh hoạ của Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Nội dung đảm bảo kiến thức cơ bản, đi từ dễ đến khó, đủ 4 mức độ, theo trình tự sắp xếp câu hỏi trong đề.
Tuy nhiên, bố cục kiến thức không sắp xếp theo trình tự kiến thức của sách giáo khoa là yếu tố khiến học sinh cần tập trung tư duy và đọc rất kỹ đề khi làm bài.
Các câu hỏi và phương án trả lời tường minh, rõ ràng, không đánh đố học sinh.
Với mã đề 321, câu hỏi số 9 khó hơn các câu cùng loại câu hỏi nhận biết. Từ câu 33 đến câu 40 là những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao để phân loại học sinh khá, giỏi nhưng đối với những học sinh nắm vững kiến thức, hiểu bản chất của các sự kiện lịch sử thì không quá khó để "ăn điểm".
Trong đề thi, nội dung các câu hỏi chủ yếu nằm trong phần kiến thức lớp 12, được phân bố đúng theo tỷ lệ của số tiết quy định và bám sát nội dung kiến thức giảm tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phần kiến thức lịch sử thế giới chiếm khoảng 30% số câu hỏi, phổ quát toàn bộ nội dung phần lịch sử thế giới lớp 12, có liên hệ với phần của lớp 11.
Phần vận dụng và vận dụng cao tập trung chủ yếu trong giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1919 – 1954. Dự đoán, phổ điểm chủ yếu đạt điểm trung bình, sẽ không có nhiều điểm tối đa.
Địa lý: Dự đoán phổ điểm từ 6 đến 7,5 điểm
Cô Trần Thị Thu Hương, Tổ trưởng môn địa lý Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng: đề có độ phân hóa phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và có thể là căn cứ xét tuyển cho học sinh vào các trường đại học và cao đẳng có sử dụng môn thi này.
Số câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu tăng, chiếm khoảng 70%. Số câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao giảm so với năm trước, chiếm khoảng 30%. Nhìn chung, độ khó của đề thi giảm, thể hiện rõ tinh thần chia sẻ và đồng hành của Bộ GD-ĐT trong hoàn cảnh thí sinh phải học tập và ôn luyện trong đại dịch Covid-19.
Đề thi khá dễ thở với thí sinh đúng tiêu chí là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dự đoán phổ điểm từ 6 đến 7,5 điểm.
Đặc trưng của môn địa lý có 18 câu về kỹ năng sử dụng atlat địa lý Việt Nam, bảng số liệu và biểu đồ. Đây là những câu mà học sinh dễ lấy điểm. Mức phân hóa cao là ở các câu cuối của đề thi, thường thuộc phần địa lý tự nhiên và kỹ năng nhận xét biểu đồ bảng số liệu học sinh được học kỹ và ôn luyện trong học kỳ 1. Để làm được những câu này đòi hỏi học sinh cần có năng lực đánh giá, phân tích, tổng hợp ở mức độ rất cao.
Những câu từ 69 đến 80 thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao, yêu cầu học sinh cần có tư duy tổng hợp kiến thức về địa lý tự nhiên, dân cư, kinh tế và nhận xét biểu đồ, bảng số liệu. Đề có lồng ghép nhiều vấn đề trong cuộc sống ở những câu 70, 71… về biển đảo, hoạt động xuất nhập khẩu, thiên tai, đô thị hóa.
Giáo dục công dân: Vững kiến thức cơ bản có thể đạt được 8 điểm
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THCS -THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), nhận xét đề thi bám sát đề minh họa lần 2 của Bộ GD-ĐT, không có câu hỏi trong phần tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Với mã đề 301, có 4 câu ở trong chương trình lớp 11, gồm: câu 82, 87, 96 và 99. Những câu này chủ yếu ở mức độ nhận biết và tập trung ở 4 nội dung về tiền tệ, quy luật giá trị, cung cầu, công dân với sự phát triển kinh tế.
Nhìn chung, đề thi đánh giá được năng lực học sinh, có sự phân bổ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận cao phù hợp, có nhiều câu hỏi tình huống hay, gắn liền với thực tiễn, học sinh có thể dễ dàng trả lời.
Ví dụ, câu 113 có câu hỏi về các nhân viên y tế đã luôn tiên phong trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Với câu hỏi này không chỉ giúp các em hiểu được đóng góp của những người tiên phong trong công cuộc phòng chống dịch mà còn khắc sâu về một quyền quan trọng của công dân, đã được học trong chương trình giáo dục công dân lớp 12, là quyền tự do ngôn luận.
Hoặc câu 114, hỏi về một việc làm nhân văn, ý nghĩa của một công dân dùng tiền tiết kiệm của mình để hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho trẻ bị hở hàm ếch. Câu này gắn liền với bài học về thực hiện pháp luật. Với những câu hỏi như vậy đã đạt được mục tiêu kép, vừa giáo dục được đạo đức, ý thức công công dân, vừa gắn liền với bài học trong chương trình.
Có thể nói, với cách ra đề môn giáo dục công dân năm nay, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể đạt được 8 điểm.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)