Năm nay có một số thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng có lợi cho thí sinh. PV có cuộc phỏng vấn GS-TSKH Bùi Văn Ga (ảnh) – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, kỳ thi ĐH, CĐ năm nay có nhiều điểm mới, đặc biệt là việc cho phép thí sinh (TS) được rút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3 sau khi đã nộp. Tuy nhiên, các trường vẫn còn lúng túng vì chưa biết phải thực hiện như thế nào.
Bộ đang nghiên cứu để áp dụng ngay trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay khả năng cho phép TS được rút hồ sơ đã nộp cho cơ sở đào tạo để xét NV2, NV3 trong vòng 15 ngày kể từ khi bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển mỗi NV theo lịch tuyển sinh. Để thực hiện tốt việc này, Bộ hướng dẫn các trường cập nhật công khai thông tin về hồ sơ xét tuyển các NV2, NV3 trên website của trường để TS theo dõi, quyết định việc rút, nộp hồ sơ của mình vào trường, ngành học phù hợp.
Mặt khác, để tạo điều kiện tối đa cho TS, năm nay kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều điểm mới. Chẳng hạn: thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 và NV3 được kéo dài mỗi đợt 5 ngày so với năm 2010. TS là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày được hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT của học sinh, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học. TS là người nước ngoài, có NV học tại các trường ĐH, CĐ ở VN cũng được hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh, kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét quyết định cho học…
Thí sinh làm bài thi môn hóa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010. Cuối tuần này, thí sinh sẽ bước vào đợt 1 kỳ tuyển sinh năm 2011 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Thưa ông, năm trước dư luận đánh giá đề thi tuyển sinh ĐH khó, điểm sàn lại hơi cao nên nhiều TS đã không có cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Vậy hướng ra đề thi năm nay sẽ thế nào?
Đề thi không nằm ngoài chương trình và không vượt kiến thức chương trình trung học. Những phần giảm tải, cắt bỏ không có trong đề thi. |
Chủ trương của Bộ là ra đề thi tuyển sinh không quá khó, không quá phức tạp. Đề thi được ra theo hướng đảm bảo sự phân loại tốt, có phổ điểm hợp lý để giúp cho các trường có thể lựa chọn được TS phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình. Trên tinh thần đó, đề thi năm nay liên quan đến những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Đề thi không nằm ngoài chương trình và không vượt kiến thức chương trình trung học. Những phần giảm tải, cắt bỏ không có trong đề thi. Vì đây là kỳ thi tuyển, lấy điểm từ cao xuống thấp nên tính phân loại cao của đề thi có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với độ khó, dễ của nó.
Theo ông, vậy điểm sàn vào ĐH, CĐ năm nay sẽ tính toán thế nào để các trường có nhiều nguồn tuyển hơn?
Điểm sàn được xác định dựa trên tổng chỉ tiêu đào tạo được giao, kết quả điểm thi của TS cũng như phân tích tỷ lệ TS ảo đối với các khối thi. Thường tổng số TS trên điểm sàn xác định cao hơn nhiều so với tổng chỉ tiêu. Mặc dù vậy trên thực tế vẫn có nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu vì nhiều lý do. Mục tiêu hàng đầu của ngành là nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, việc hạ thấp điểm sàn không phải là sự lựa chọn tốt mà phải tập trung nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông, đổi mới cách thi, cách xét tuyển… để giúp cho các cơ sở đào tạo có nguồn tuyển sinh dồi dào mà không giảm chất lượng đầu vào.
Sau khi có kết quả thi, Hội đồng xét điểm sàn của Bộ sẽ họp, phân tích và quyết định mức điểm sàn phù hợp, giúp cho các trường khắc phục khó khăn trong tuyển sinh, đặc biệt các trường mới được thành lập.
Sẽ điều chỉnh cách thi vào ĐH
Xu hướng đăng ký dự thi ĐH, CĐ của TS năm nay cho thấy sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề đào tạo. Trước tình hình này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết những biện pháp khắc phục.
Ông thông tin: “Hồ sơ TS đăng ký thi ĐH về chuyên ngành xã hội nhân văn ngày càng giảm. Năm ngoái, số TS thi khối C chiếm 7,8%, năm nay chỉ còn 6,4%. Trong khi đó, số lượng hồ sơ TS đăng ký thi các ngành quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng… lại tăng nhanh. Điều này đang ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ thì đến năm 2010 chỉ có 20% sinh viên thuộc về ngành kinh tế quản lý, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng… nhưng hiện nay đã lên đến trên 36%”.
Thứ trưởng cho rằng: “Nhà nước cần có cơ chế hoặc biện pháp phù hợp để điều tiết lại, ví dụ như miễn giảm học phí, ưu tiên học bổng, chế độ ưu tiên xét tuyển… Ngoài ra, cũng cần đổi mới cách dạy, cách học và cách thi. Làm sao để học sinh khi học văn, sử, địa… thấy hứng thú; học mà thấy thoải mái, nhẹ nhàng, tạo ngữ cảnh để các em nhớ nhân vật, nhớ sự kiện liên đới chứ không phải học thuộc lòng. Để thu hút các em vào học ngành này, xã hội cũng cần tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho sinh viên tốt nghiệp. Cần có sự hướng nghiệp tuyên truyền rộng rãi ở bậc phổ thông để học sinh biết rằng cơ hội việc làm của các ngành khối C rất rộng lớn”.
Quan trọng hơn, theo ông Ga là thay đổi cách thi vào ĐH. Ví dụ, tổ chức một kỳ thi quốc gia gồm nhiều môn để thí sinh tùy chọn. Các trường tổ hợp kết quả các môn theo yêu cầu đối với từng ngành nghề (trong đó có một môn thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn chẳng hạn) để tuyển thí sinh. “Như vậy chúng ta mới có khả năng khắc phục được sự mất cân bằng kiến thức phổ thông của học sinh hiện nay và góp phần cải thiện cơ cấu ngành nghề trong toàn hệ thống đào tạo”, ông nhấn mạnh.
Ông còn cho biết: “Bộ cũng nhận được đề nghị của nhiều cơ sở đào tạo về việc điều chỉnh khối thi đầu vào cho phù hợp với yêu cầu đào tạo của ngành nghề. Những vấn đề này, Bộ đang nghiên cứu trong đề án tổng thể về đổi mới thi tuyển sinh”.
Vũ Thơ
|
Theo Vũ Thơ
TNO
Bình luận (0)