Đề thi lý thuyết IPhO 2008 do Việt Nam biên soạn đã được Hội đồng quốc tế đánh giá cao vì tính mới mẻ, đặc sắc, gần gũi với đời sống, văn hóa Việt Nam khi đề cập tới cối giã gạo bằng sức nước, ô nhiễm môi trường do khí CO2 thải ra từ xe máy, làm nhiệt độ trong không khí nóng hơn…
Ngay sau khi kết thúc phần thi lý thuyết, lãnh đạo các đoàn đã gặp gỡ thí sinh của mình. Trưởng, phó các đoàn học sinh quốc tế tỏ ra khá thích thú với đề thi lý thuyết do Việt Nam biên soạn năm nay. Thầy giáo hướng dẫn của đoàn Bulgaria Viktor Ivanov cho rằng: tuy học sinh của ông không làm được trọn vẹn bài thi nhưng ông đã xem đề và rất thích nội dung thi lý thuyết năm nay. Không chỉ thú vị ở nội dung và cách thức ra đề mà đề thi năm nay còn thú vị ở hệ thống các câu hỏi. Theo ông Viktor, các câu hỏi có tính dẫn dắt thí sinh, kích thích sự sáng tạo và rất hoàn thiện.
Cùng nhận xét trên, Trưởng và Phó đoàn của đoàn IPhO Tây Ban Nha: Juan Leon và Luis Garay đã từng tham gia dẫn đoàn học sinh Tây Ban Nha tham dự tới 3 kỳ IPhO cho rằng: đề thi do Việt Nam ra tuy khó, dài nhưng thực sự xứng tầm cuộc thi quốc tế.
Các câu hỏi liên quan tới thực tế cuộc sống hàng ngày, về ô nhiễm môi trường, giao thông… Việt Nam đã khéo léo gài văn hóa vào đề thi “làm mềm” đi phần vốn “khô khan” của kiến thức khoa học.
Giáo sư Phan Hồng Khôi – Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức IPhO 2008 cho biết: theo quy định của Hội đồng IPhO quốc tế, nước chủ nhà đăng cai tổ chức IPhO sẽ đảm nhiệm phần ra đề thi. Để chuẩn bị cho IPhO lần thứ 39 diễn ra tại Việt Nam, tập thể các nhà giáo, nhà vật lý, nhà khoa học đã tập trung đầu tư trí tuệ, tâm huyết trong hơn một năm để đưa ra đề thi và đã nhận được sự đồng tình cao của 82 đoàn tham gia. Được biết, Việt Nam chuẩn bị 3 đề thi lý thuyết, 2 đề thi thực nghiệm cho IPhO 2008.
Trước khi được chọn là đề thi chính thức, chủ nhà Việt Nam phải trình bày về từng đề thi trước Hội đồng quốc tế gồm Chủ tịch IPhO, các chuyên gia của Hội đồng IPhO quốc tế, đại diện lãnh đạo đoàn của 81 quốc gia, vùng lãnh thổ có thí sinh dự thi, các quan sát viên quốc tế… Qua phần trình bày của nước chủ nhà, thành viên hội đồng quốc tế sẽ xem xét, đóng góp ý kiến chỉnh sửa để đề thi hoàn thiện, phù hợp.
Quy trình ra đề được tiến hành rất công phu, đảm bảo tính mới mẻ, khoa học, sát thực tiễn, có thể ứng dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên đề thi phải nằm trong chương trình quy định của IPhO, có độ chính xác cao, đảm bảo bí mật tối đa, đặc biệt là không được trùng lặp với các đề thi IPhO trước đó. Xuất phát từ thực tiễn xã hội Việt Nam và vấn đề đang được quan tâm trên toàn cầu, đề thi IPhO 2008 tại Việt Nam hướng tới chủ đề “Môi trường và năng lượng”. Với ý tưởng này, những người ra đề mong muốn các thí sinh chú ý tới vấn nạn ô nhiễm môi trường, việc sử dụng năng lượng tái tạo, tránh ô nhiễm, giữ gìn môi trường… Qua đó, Ban tổ chức cũng muốn gửi tới các thí sinh của 82 quốc gia, vùng lãnh thổ dự thi IPhO 2008 một thông điệp: Vật lý là một ngành khoa học xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, do đó các thí sinh – những nhà vật lý, nhà khoa học trong tương lai cũng cần có những đóng góp để giải quyết các vấn đề về môi trường cho thế giới, bắt đầu bằng bài thi này.
Hồng Hoa
Bình luận (0)