Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề thi mới, dạy và học cũng phải mới

Tạp Chí Giáo Dục

Từ cấu trúc và định dạng của đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD-ĐT công bố mới đây, các trường THPT, giáo viên ngay lập tức có sự thay đổi kịp thời để giúp học sinh của Chương trình GDPT 2018 bắt kịp những thay đổi trong thi cử.

Thạc sĩ Trần Văn Toàn, nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), so sánh đề thi tốt nghiệp THPT Chương trình GDPT 2006 với đề minh họa của kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình mới.

Theo thạc sĩ Toàn, trước đây đề thi được đánh giá hoàn toàn bằng trắc nghiệm 4 lựa chọn theo 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Còn đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố mới đây được cấu trúc theo 3 dạng thức trắc nghiệm, mỗi dạng thức hướng đến 3 mức độ đánh giá năng lực của thí sinh (TS) gồm nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Các trường đã có sự thay đổi trong dạy học để giúp học sinh đang theo Chương trình GDPT 2018 thích ứng với đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. NHẬT THỊNH

Hầu hết các giáo viên (GV) khẳng định với cách đổi mới thông qua đề minh họa lần này thì phương pháp dạy và học cũng như cách thức kiểm tra đánh giá trong nhà trường chắc chắn phải có bước thay đổi kịp thời. Ông Trần Văn Toàn cho biết nếu trước đây, quan điểm dạy học là định hướng nội dung và mức độ kiến thức cần đạt thì nay chúng ta phải chú trọng đến phát triển năng lực của từng học sinh (HS). Nó được cụ thể hóa qua những cách thúc đẩy HS giải quyết các bài toán mà thực tế đề ra. Song song đó là cách thức kiểm tra đánh giá cũng phải thay đổi theo cấu trúc 3 dạng thức trắc nghiệm để hướng tới đánh giá năng lực của HS.

Riêng đối với lứa HS lớp 11 năm nay, nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie lưu ý: "Các em tập trung vào nghiên cứu nội dung các định nghĩa, định lý, tính chất và ghi chú lại những điều có thể dẫn đến sự ngộ nhận một tính chất hoặc dẫn đến sai lầm trong kết quả".

Ngoài ra, HS cần biết vận dụng các kiến thức tổng quát để giải quyết các bài toán thực tế.

Tương tự, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) nói nhiều dạng thức mới trong cách xây dựng đề thi đòi hỏi việc dạy và học phải thay đổi. HS phải nắm chắc và hiểu sâu kiến thức nền tảng mới có thể giải quyết được các câu hỏi. Không còn việc HS chăm chăm vào giải bài tập, giải đề mà kiến thức lý thuyết nền tảng môn học bị bỏ rơi vì thực tế nội dung đề thi rất rộng. Việc phát triển câu hỏi và hình thức xây dựng cấu trúc đề cũng đa dạng và phân hóa hơn .

"GV cũng không còn kiểu dạy đoán đề, "gà" đề mà phải bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình để dạy, phát triển chương trình và xây dựng câu hỏi cũng từ yêu cầu cần đạt của chương trình để kiểm tra HS. Không còn những bài toán, bài tập phi thực tế, không có giá trị đo lường năng lực HS như trước", thạc sĩ Thanh nhấn mạnh.

Tập trung rèn kỹ năng thay vì thuộc lòng

Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM ), cho rằng GV cần chủ động trong giảng dạy. Sách giáo khoa (SGK) không còn là pháp lệnh nên GV cần bám theo tiêu chí cần đạt của các nội dung để giảng dạy. Các hình thức đánh giá HS cũng phải thay đổi theo hướng đánh giá đa dạng năng lực chứ không phải kiểm tra kỹ năng ghi nhớ kiến thức.

HS nên chủ động tìm hiểu kiến thức qua nhiều kênh ngoài những kiến thức do GV cung cấp trong trường học. Sự chủ động trong học tập góp phần giúp các em nâng cao kỹ năng và vận dụng kiến thức.

Qua đề minh họa môn ngữ văn vừa qua cho thấy định hướng về đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thể hiện rõ sự đổi mới, hạn chế tối đa việc học tủ, học theo văn mẫu. Vì thế, ông Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng GV cần cho HS hiểu và nắm vững các kiến thức ngữ văn theo đặc trưng thể loại mà chương trình yêu cầu. Tập trung bám sát vào yêu cầu cần đạt của từng thể loại và dạng bài trong SGK. Rèn cho học trò kỹ năng thay vì nhồi nhét kiến thức, thể hiện khả năng tư duy phân tích, phản biện, sáng tạo hơn là học thuộc lòng.

Từ cấu trúc đề minh họa, GV Đức Anh chỉ ra phần nghị luận xã hội chiếm 40% số điểm bài làm nên HS cần trang bị cho mình những hiểu biết xã hội bằng cách quan sát cuộc sống, lắng nghe thời sự, quan tâm đến các vấn đề của đời sống tinh thần của chính mình và những người xung quanh cùng với việc nắm vững các bước viết bài nghị luận xã hội. GV cần tăng cường bài tập thực hành với các văn bản ngoài SGK để HS tìm hiểu, nhận biết.

GV Trần Thị Hồng Nhung, Trường quốc tế Á Châu (TP.HCM), cho biết đề thi tốt nghiệp tiếng Anh theo chương trình mới có sự thay đổi và khác biệt rất lớn so với các năm trước. Có thể thấy rõ nhất ở việc không còn các dạng hội thoại, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, sửa lỗi sai, câu đồng nghĩa, kết hợp câu và giảm số lượng câu trắc nghiệm đơn lẻ. Thay vào đó có nhiều cách hỏi mới đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều đoạn văn ngắn và có giá trị thực tiễn hơn. "Để làm tốt, HS cần kết hợp rất nhiều kỹ năng, bên cạnh từ vựng và ngữ pháp, như tư duy logic và vận dụng thực tiễn", bà Nhung nhấn mạnh.

Giáo viên có sự thay đổi kịp thời để giúp học sinh bắt kịp những thay đổi trong thi cử. ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo bà Nhung, đề thi tiếng Anh từ năm 2025 đánh giá rất chính xác năng lực thực sự của HS, kết hợp của nhiều kỹ năng hơn nên GV và HS cần có sự điều chỉnh trong việc dạy – học và ôn tập ngay từ bây giờ.

Cụ thể, HS cần được làm quen với các dạng văn bản thường gặp trong đời sống và gắn liền với thực tiễn cuộc sống như các bài quảng cáo, thông báo, thư từ… Để làm tốt phần sắp xếp, bên cạnh lượng từ vựng cần để hiểu, kỹ năng tư duy logic cực kỳ quan trọng.

Đề minh họa không làm khó HS nhưng chắc chắn phải thay đổi dạy học

Bà Phạm Hà Thanh, GV môn ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông (Hà Nội), nhận định: Định dạng minh họa đề thi mà Bộ mới công bố với môn ngữ văn rất giống cách ra đề thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm gần đây. Khác biệt lớn nhất và cũng là khó khăn lớn nhất trong đề thi môn ngữ văn từ năm 2025 là không sử dụng bất cứ ngữ liệu nào trong SGK. Do vậy, việc dạy học, kiểm tra đánh giá ở trường THPT buộc phải cho HS chuẩn bị, làm quen với điều này.

Theo bà Thanh, vừa qua việc kiểm tra môn ngữ văn nhà trường cũng áp dụng đưa ngữ liệu không có trong SGK vào đề kiểm tra và phải thừa nhận một thực tế là HS rất khó khăn dù chất lượng đầu vào của trường là top đầu. Điều này là dễ hiểu và dễ thông cảm vì các em học và thi theo chương trình mới nhưng có tới 9 năm học chương trình cũ, kiểm tra đánh giá theo kiểu cũ.

Bà Thanh cũng đánh giá việc đề minh họa giới hạn số chữ trong bài làm của TS ở mỗi phần, quy định số lượng tối đa của các ngữ liệu nêu trong đề (không vượt quá 1.300 chữ) là cần thiết để phù hợp với thời gian thi, trình độ tiếp nhận của HS và việc trình bày đề thi…

Cũng theo bà Thanh, việc dạy học theo chương trình mới lâu nay đã thay đổi nhưng sau khi có đề minh họa thì chắc chắn sẽ phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Thay vì bám vào tác phẩm trong SGK thì GV phải dạy theo thể loại, phân tích kỹ đặc điểm của từng thể loại để khi HS tiếp cận một ngữ liệu mới hoàn toàn cũng có thể biết ngữ liệu ấy thuộc thể loại gì và từ đó có thể tự hiểu, tự nêu lên suy nghĩ của chính mình; không học thuộc và không lệ thuộc văn mẫu…

Nghiên cứu đề minh họa đề thi môn lịch sử, bà Nguyễn Thị Diến, Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên), cho rằng GV nên lập kế hoạch dạy học theo giai đoạn. Đầu tiên dạy học kiến thức nền; sau đó, dạy học, ôn tập theo chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức cơ bản, khai thác sâu các đơn vị bài học trọng tâm; tiến hành kiểm tra, đánh giá để cải tiến phương pháp, cách thức dạy học trong các giai đoạn tiếp theo.

Bà Diến cũng cho rằng cần thay đổi cách ra đề kiểm tra tiệm cận với đề minh họa là cần thiết.

Tuệ Nguyễn

Theo Bích Thanh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)