Môn địa: Có thể vận dụng Atlat cho những câu lý thuyết
TS trao đổi sau buổi thi môn địa sáng 3-6 tại HĐT Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: D.B |
Thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng bộ môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhận định: Đề thi môn địa năm nay không khó, lượng kiến thức được “rải” đều cho tất cả các bài học và kết cấu các phần trong SGK. Câu hỏi thực hành không lắt léo, không đánh đố thí sinh. Đề thi gồm những câu hỏi lớn bao hàm các câu hỏi nhỏ. Cũng vì kết cấu đề thi như vậy nên học sinh nào học “tủ” sẽ không làm được bài. Nếu biết vận dụng Atlat Địa lý, các em rất dễ “ăn điểm” nhưng khó có thể đạt được điểm tối đa vì có những phần đòi hỏi học sinh phải có sự sáng tạo, đầu tư trong khi làm bài. Với một đề thi như vậy, những em nào có học lực trung bình cũng có thể làm bài được 6-7 điểm.
Riêng thí sinh Võ Anh Tuấn (học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) chia sẻ: Đề thi môn địa phải học bài thật kỹ mới làm được vì có những câu hỏi nhỏ, nhiều người không để ý. Một số thầy cô nhận xét đề ra vụn vặt nếu học theo đề cương đã cho thì không làm được. Câu 2 chỉ nêu nhận xét nên không đòi hỏi cao về học bài mà phải suy luận. Câu 3 dễ hơn vì dựa vào atlat là làm được. Riêng phần 2 của câu 3 thì phải suy luận. Không giống với mấy môn khác, câu 4b theo chương trình nâng cao lại dễ hơn chương trình chuẩn vì chỉ cần dựa vào bảng số liệu trong đề ra rồi sau đó so sánh là được. Riêng câu 4a em chưa học kịp nên không làm được cũng may đây là phần tự chọn nên không sao.
Môn sử: Đề thi mang tính suy luận
Cô Trần Thị Thu Hằng – GV Trường THPT Tân Bình cho rằng: Đề thi môn sử năm nay nhìn chung có nhiều điểm mới, cách ra đề hay, rõ nhất là đề thi mang tính suy luận. Câu trình bày hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng đã có trong đề cương bài học, yêu cầu học sinh hiểu bài nhiều, các em học thuộc là làm được bài. Riêng câu hỏi về vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong hội nghị là cách hỏi mới vì trước đây thường hỏi về nội dung, ý nghĩa mà thôi. Cho nên các em phải biết chọn lọc ý trong bài học để nêu bật được vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong hội nghị trên. Câu 2 hỏi về nguyên nhân phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp yêu cầu học sinh phải hiểu bài. Vế 2 nói về cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong ngày đầu kháng chiến chưa năm nào ra vì chỉ là một phần nhỏ trong bài học nên có thể các em không làm được. Hai câu sau hỏi về lịch sử thế giới là phần trọng tâm của chương trình học nên em nào học thuộc là làm bài được. Riêng câu 3b hoàn toàn mới vì trong chương trình cũ không có nhưng đây là phần tự chọn nên không bắt buộc các em phải làm. Theo đề này học sinh khá giỏi có thể đạt điểm 8, 9 còn học sinh trung bình, yếu cũng đạt được 5 hoặc 6 điểm vì đề thi năm nay mang tính suy luận nhiều, không đánh đố nhất là không bắt các em phải nhớ nhiều về số liệu, ngày, tháng.
Thí sinh Nguyễn Quốc Tuấn (học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) nói: Câu 1 nằm trong chương trình ôn và có trong đề cương nên đa số các bạn đều làm được do không quá khó. Riêng câu 2 hỏi về cuộc kháng chiến toàn quốc thì nhiều bạn kêu khó hơn vì kiến thức cá nhân tự suy luận. Em và một số bạn khác không làm được phần hỏi về nhân dân Hà Nội đấu tranh chống Pháp. Câu 3a thuộc chương trình chuẩn hỏi về lịch sử thế giới là phần dễ nhất vì được học kỹ. Ở lớp thầy cô kiểm tra thường xuyên phần này. Riêng câu 3b theo chương trình nâng cao có khó hơn vì phần sau (Nêu những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa trong nửa sau thế kỷ XX) nêu nhiều bạn bỏ câu này. Nếu bạn nào chọn làm thì cũng chỉ trả lời được vế trước.
P.N.Q – N.A (ghi)
Bình luận (0)