Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề thi môn ngữ văn lớp 9: “Thưa cô, em đọc mà không hiểu”

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, trước áp lực của xã hội, ngành giáo dục đã có những điều chỉnh để thay đổi đáp ứng yêu cầu của xã hội. Trong các môn học, có thể nhận thấy, ngữ văn là một trong những môn có nhiều thay đổi nhất, trước hết là ở cách ra đề.

Một tiết học môn ngữ văn của HS lớp 9 (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề về nội dung và hình thức trong đề thi ngữ văn hiện nay, căn cứ vào đề thi học kỳ 2 của học sinh (HS) lớp 9 năm học 2016-2017 do phòng GD-ĐT quận/huyện ra. Theo chúng tôi, một số đề thi còn có những bất cập khiến HS đọc đề xong hoang mang, không hiểu.

Dẫn đoạn văn bản (dẫn liệu) một đằng, câu hỏi một nẻo

Trong đề thi của một quận, có dẫn đoạn trích trong truyện Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê: “Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày… Nhưng nhất định sẽ nổ” (đoạn văn gồm 11 câu). Đề bài đưa ra 3 câu hỏi (a, b, c), trong đó câu b (Văn bản “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê gợi cho em những suy nghĩ gì về thế hệ thanh niên thời chống Mỹ của dân tộc ta?). Đề đã không hỏi đoạn trích mà lại hỏi toàn bộ tác phẩm. Nên chăng, sau khi đã dẫn đoạn trích như vậy, đề nên hỏi: Qua đoạn trích trên, em nhận thấy phẩm chất nổi bật của người nữ thanh niên xung phong là gì? Hoặc có thể hỏi: Qua đoạn trích trên, em hiểu gì về hoàn cảnh chiến đấu của các nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ?

Yêu cầu quá nhiều, quá rộng mà số điểm thì ít

Trong đề thi của một quận khác, sau khi dẫn bài thơ Đò lên Thạch Hãn của nhà thơ Lê Bá Dương, đề đưa ra 4 câu hỏi (a, b, c, d), câu hỏi a là “Trình bày nội dung của bài thơ trên (1 điểm)”. Chúng tôi vẫn hiểu “trình bày là nói ra một cách rõ ràng, cụ thể cho người khác hiểu” (Đại từ điển tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên); khác với “nêu” chỉ là đưa ra cho người khác biết. Thông thường ở câu hỏi này, dạng câu hỏi đọc – hiểu nhằm kiểm tra kiến thức, đề bài chỉ yêu cầu nêu nội dung chính của văn bản/ đoạn văn bản chứ không yêu cầu trình bày. Trình bày nội dung của một bài thơ mà điểm tối đa là 1 e không phù hợp.

Trong đề thi của một quận khác, ở câu 3 (4 điểm), đề yêu cầu “Hãy làm sáng tỏ khát vọng sống đẹp, sống có ích, sống cống hiến cho đời qua văn bản “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải và “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê (sách giáo khoa Ngữ văn 9 – tập II), từ đó xây dựng thái độ sống đúng đắn của thanh niên ngày nay”. Trong thời gian 90 phút, HS lớp 9 phải đọc một truyện ngụ ngôn, trả lời 3 câu hỏi, trong đó có câu hỏi (câu 1) về suy nghĩ, liên tưởng, có câu hỏi yêu cầu sáng tạo (viết phần kết của câu chuyện), có câu (câu 2) yêu cầu viết văn bản ngắn nghị luận về vấn đề từ câu chuyện; và câu 3 với nội dung vấn đề nằm trong hai tác phẩm (một thơ và một truyện ngắn) lại thêm phần liên hệ nữa là quá nhiều, quá ôm đồm, HS khó có đủ thời gian và năng lực đề trình bày thấu đáo, trong khi số điểm cho câu này lại không nhiều.

Nêu yêu cầu mơ hồ, khó hiểu, thiếu cụ thể

Đây là điều đáng bàn nhất qua các đề thi mà chúng tôi đã được xem. Thứ nhất là, đọc đề, HS không hiểu rõ là mình cần viết bao nhiêu dòng, bao nhiêu câu, bao nhiêu trang. Ví dụ, đề mà chúng tôi đã dẫn ở trên nằm trong phần câu 1, câu hỏi đọc – hiểu (3 điểm, đề không ghi số điểm cho mỗi câu hỏi nhỏ, vậy thì câu b (Văn bản “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê gợi cho em những suy nghĩ gì về thế hệ thanh niên thời chống Mỹ của dân tộc ta?), HS sẽ viết thế nào, bao nhiêu câu là vừa, bởi vì với câu hỏi có nội dung yêu cầu là “gợi suy nghĩ” mà lại về cả một thế hệ, người ta có thể viết rất dài.

Như đã nói ở trên, câu hỏi này chưa thật phù hợp với ý đồ kiểm tra kiến thức, nếu muốn kiểm tra thì nên cho HS biết viết khoảng bao nhiêu dòng/câu. Tương tự như vậy, ở phần yêu cầu viết bài văn ngắn, có những đề chưa nêu rõ ngắn bao nhiêu. Ví dụ, sau khi dẫn truyện ngụ ngôn (ở câu hỏi 1), ở câu hỏi 2, đề bài yêu cầu “Viết một văn bản ngắn nghị luận về vấn đề mà em rút ra được từ câu chuyện trên”. Nên chăng, người ra đề chỉ cần mở ngoặc (khoảng một trang giấy thi) là ổn. Thứ hai là, diễn đạt không rõ ý. Là đề thi môn ngữ văn, lẽ ra diễn đạt phải sáng rõ, nhưng thực tế, một số đề thi học kỳ 2 năm nay cho khối 9 lại diễn đạt không rõ. Ví dụ, trong câu hỏi 1 câu d đề thi của một quận đã dẫn ở trên, sau khi dẫn bài thơ Đò lên Thạch Hãn, có nêu câu hỏi: Suy nghĩ của tuổi trẻ ngày nay về trách nhiệm đối với đất nước. Chúng tôi cho rằng, hoặc là yêu cầu không đúng (chỉ nên hỏi suy nghĩ của một người – HS, chứ không nên hỏi của tuổi trẻ ngày nay, bởi HS lớp 9 chưa đủ khả năng, cũng không phải nhà nghiên cứu, chưa khảo sát được số đông thì không thể nêu được suy nghĩ chung của tuổi trẻ ngày nay) hoặc diễn đạt không rõ. Nên chăng cần diễn đạt là: Suy nghĩ của em về tinh thần trách nhiệm đối với đất nước của tuổi trẻ hiện nay. Cũng trong đề thi này, ở câu 3, HS chọn một trong hai đề, thì đề 1 như sau: Trình bày cảm nhận của em về tình cảm với Bác Hồ qua hai đoạn trích (khổ 3 bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương và khổ đầu bài thơ Bác ơi của Tố Hữu). Đề không nêu rõ tình cảm của ai, như vậy là chưa cụ thể. Lẽ ra, nên nêu rõ Trình bày cảm nhận của em về tình cảm của tác giả và cũng là của nhân dân ta với Bác Hồ qua hai đoạn trích.

Nêu các yêu cầu rời rạc, thiếu nhất quán trong cách dùng từ, thậm chí sai kiến thức

Nhiều năm nay, trong đề thi, phần nghị luận văn học, người ra đề thường yêu cầu nghị luận nhiều hơn một tác phẩm. Đó cũng là cách tốt, nhằm giúp HS trong quá trình học phải mở rộng kiến thức và đặc biệt là rèn được tư duy so sánh, đối chiếu. Tuy nhiên, trong quá trình muốn làm mới, nhiều đề gắn kết hai – ba tác phẩm một cách gượng gạo, rời rạc. Ví dụ: (nguyên văn) Trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải viết: “Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước”. Hãy phân tích bốn câu thơ trên. Trình bày cảm nhận của em từ đoạn trích văn bản “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê trong đề bài (đã dẫn ở câu 1) để thấy được truyền thống yêu nước của người Việt Nam ta.

Rõ ràng, phần nêu yêu cầu trong đề rất rời rạc, gượng ép giữa việc phân tích bốn câu thơ và trình bày cảm nhận, lại thêm diễn đạt không rõ “cảm nhận của em từ đoạn trích” chứ không phải là về đoạn trích. Hơn nữa đoạn trích 11 câu chỉ kể – tả ý nghĩ của cô thanh niên xung phong khi làm nhiệm vụ, chỉ thấy được một phần tinh thần gan dạ, dũng cảm. Chừng đó không đủ căn cứ để HS có thể thấy được truyền thống yêu nước của người Việt. Đề thi yêu cầu như vậy là vô lý. Nên chăng, chỉ yêu cầu HS phân tích bốn câu thơ, từ đó nêu suy nghĩ về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Còn nếu muốn ra kết hợp hai đoạn tác phẩm thì phải thay đổi hoàn toàn cách diễn đạt. Ví dụ, trong đề thi học kỳ 2 của một quận đã dẫn ở trên, trong câu 3 HS được chọn một trong hai đề thì đề 2 như sau (chúng tôi dẫn nguyên văn): Đây là lời người cha nói với con trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương: Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con. (Trích Nói với con, Y Phương). Còn đây là những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ với con trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu:…Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày, Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình… (Bến quê, Nguyễn Minh Châu). Suy nghĩ của em về lời dặn dò của người cha trong mỗi văn bản trên. Là người con, em sẽ nói gì với cha mình để đáp lại lời dặn dò, mong mỏi và cả niềm lo lắng của cha. 

Đề thi này, kiến thức không chính xác. Đoạn trích trong “Bến quê” không phải là lời dặn dò mà chỉ là suy nghĩ của nhân vật Nhĩ. Ở yêu cầu thứ 2 “là người con, em sẽ nói gì với cha mình để đáp lại… của cha” cũng không ổn, bởi thứ nhất đó không phải là lời dặn dò (trong Bến quê), thứ hai là người cha trong hai tác phẩm không phải là cha của người làm bài thi, nếu muốn hỏi phải thêm từ “giả sử”, diễn đạt đủ sẽ là: “giả sử em là người con trong bài thơ, em sẽ đáp lại lời dặn của cha thế nào”. Mà cũng không nên hỏi câu như thế trong bài nghị luận. Đó là chưa nói đến, đề bài trên mắc nhiều lỗi về hình thức. Cách viết chữ nghiêng và chữ đứng không thống nhất, thể hiện một cách trình bày văn bản cẩu thả. Lẽ ra câu này (Đây là lời người cha nói với con trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương) không in nghiêng và có dấu hai chấm (:) cuối câu bởi sau đó là dẫn trực tiếp đoạn thơ (phải thống nhất với phần trình bày ở dưới (Còn đây là những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ với con trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châulaugh, hay việc viết tên tác phẩm phải thống nhất, không nên khác nhau thế này: “Nói với con” và Bến quê (dùng dấu “…” và không dùng). Cũng thiếu nhất quán như vậy, ở đề thi đã dẫn thơ Đò lên Thạch Hãn, câu trước gọi là đoạn trích, ngay câu sau gọi là bài thơ (bài thơ mới đúng). 

Những gì chúng tôi đề cập ở trên cho thấy để ra được một đề thi môn ngữ văn đảm bảo đúng về nội dung và hình thức không phải dễ; đề hay lại càng rất khó. Mong các đồng nghiệp thật thận trọng, cân nhắc từng câu chữ. Và các phòng GD-ĐT nên chăng cần xây dựng cơ chế có người phản biện đề để tránh được những điều đáng tiếc.

ThS. Trần Thị Bích Hà
(Trường ĐH Luật TP.HCM)

 

Bình luận (0)