Việc Bộ GD-ĐT cho biết sẽ công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vào tháng 1 tới là một động thái cần thiết, vì trong giới hạn nội dung của đề thi năm nay có thêm chương trình lớp 11.
Học sinh Trường THPT Tây Thạnh trong tiết học môn ngữ văn với chủ đề phát biểu tự do |
Như vậy, nhà trường sẽ có sự chủ động để định hướng ôn tập và học sinh cũng sẽ được giải tỏa nỗi lo về cấu trúc đề, thang điểm, cách tích hợp nội dung của hai chương trình trong đề thi như thế nào.
Đối với môn ngữ văn (môn tự luận duy nhất của kỳ thi) cũng có những giới hạn bắt buộc nhất định. Do chương trình lớp 11 môn ngữ văn khá đa dạng, gồm cả văn học trung đại và văn học hiện đại (giai đoạn 1930-1945), trong đó có nhiều tác giả lớn với nhiều tác phẩm tiêu biểu, cùng các thể loại phong phú khác nhau, nên có sự quan tâm khá đặc biệt về sự thay đổi này. Căn cứ vào thời gian làm bài 120 phút; các yêu cầu là: đọc hiểu (3.0 điểm), viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ, 2.0 điểm) và nghị luận văn học (5.0 điểm) của đề thi; cũng như từ sự quan sát cấu tạo đề thi qua nhiều lần thay đổi trước đây; chúng tôi xin đề xuất mấy ý kiến sau đây cho cấu trúc đề thi năm 2018.
Cần thay đổi yêu cầu viết đoạn thành bài văn
Đối với câu đọc hiểu: vẫn giữ nguyên, không thay đổi về số câu hỏi, thang điểm, các mức lượng giá kiến thức cũng như các dạng thể loại văn bản đọc hiểu. Ở câu viết đoạn văn ngắn, vẫn giữ nguyên thang điểm. Nhưng cần chú ý cách hỏi để không bị trùng lặp lại ý với những câu hỏi nêu trước. Đây là điểm bất ổn mà chúng tôi nhận thấy từ nhiều đề thi trước đây.
Theo rất nhiều ý kiến của giáo viên, chúng tôi thấy đề xuất sau đây là hợp lý: thay cách yêu cầu độ dài từ “khoảng 200 chữ” thành một giới hạn độ dài dài hơn, chẳng hạn “trong khoảng từ 200 đến 300 chữ”. Vì yêu cầu bài làm 200 chữ là quá ngắn (chỉ khoảng 1 trang giấy thi). Vì vậy làm kiềm hãm khả năng sáng tạo, cảm xúc và ý tưởng của người viết. Trong khi đó, theo sự thống nhất của nhiều hội đồng chấm thi các kỳ thi qua, nếu thí sinh viết dài hơn yêu cầu cho phép sẽ bị trừ điểm. Như thế sẽ thiệt thòi cho những thí sinh khá giỏi. Và không tận dụng được câu hỏi này để phân loại thí sinh.
Thay từ yêu cầu viết đoạn văn thành bài văn. Vì đoạn văn chẳng tiêu biểu gì cả. Nếu bảo thời gian làm bài 120 phút là quá ít, nên yêu cầu viết đoạn văn chứ không phải bài văn là không thuyết phục. Chúng tôi chỉ cần so sánh thế này: cùng với một cấu tạo đề và thời gian như nhau, nhưng đề thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM và một số địa phương, thì câu 2 là yêu cầu viết bài văn chứ không phải đoạn văn, mặc dù cùng độ dài (là một trang giấy). Thế mà các em học sinh lớp 9 vẫn viết tốt, viết hay. Chẳng lẽ sau 3 năm học THPT mà trình độ học sinh lớp 12 thụt lùi?
Đề mở cần đáp án thật sự mở Những năm gần đây, môn ngữ văn nói riêng và các môn xã hội nói chung đã có sự đổi mới, kể cả các môn tự nhiên cũng áp dụng những tình huống gần gũi với thực tế cuộc sống. Đó là một sự đổi mới rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn những đề “mới quá mức” – đề chưa phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức, ý nghĩa thực tiễn… là điều khó tránh khỏi. Và từ các đề chưa phù hợp ấy, những người thầy ra đề sẽ có thêm kinh nghiệm để sau này ra đề hoàn thiện hơn. Ở bài viết này, điều tôi muốn đề cập là có nhiều trường hợp đề mở thật sự nhưng đáp án lại “đóng”. Văn mẫu, đáp án mẫu ở nhiều môn vẫn còn “sức nặng” phía sau đề mở ấy. Với môn giáo dục công dân, tôi được biết nhiều đề thi rất hay, rất ý nghĩa. Xem những đề thi ấy, tôi thích thú vô cùng bởi nội dung đã thoát khỏi kiến thức sách giáo khoa mà học sinh phải học thuộc lòng. Thích thú vì học sinh được giải quyết những tình huống thú vị, thiết thực bằng suy nghĩ độc lập của mình. Thế nhưng, vẫn còn đề thi “chỉ mở một nửa”. Khi hướng dẫn (hay nói đúng hơn là dò bài) cho đứa cháu ở nhà, tôi thấy các câu hỏi ở bộ môn này rất hay, rất thực tế. Những tình huống đưa ra rất gần gũi với đời sống hàng ngày ở trường lớp. Thế nhưng phía sau là đáp án có sẵn. Có đáp án dùng từ ngữ chỉ phù hợp với lứa tuổi trưởng thành, vì vậy tôi khuyên cháu không nên viết như vậy. Thế nhưng cháu không chịu, vì “làm đúng đáp án của cô thì điểm mới cao”. Vậy là đề “mở” thật, nhưng đáp án lại “đóng”. Trong môn ngữ văn cũng vậy, có những đề thi rất hay, rất thời sự và thiết thực nhưng ở một số trường, vì điểm số nên thầy cô thường “mớm” đáp án cho học sinh. Học sinh muốn điểm cao nên theo gợi ý ấy. Rất ít học sinh dám “bứt phá” để nói lên chính kiến của mình. Vậy nên, sự sáng tạo của học sinh còn rất hạn chế. Để học sinh hứng thú với văn chương (cũng như các môn xã hội), đòi hỏi môn ngữ văn phải gần gũi và thiết thực. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó người thầy là yếu tố quan trọng nhất. Nếu người thầy có phương pháp dạy đổi mới, ra đề thi tránh máy móc rập khuôn, cách chấm điểm không theo ba-rem một chiều thì môn ngữ văn sẽ là một môn học đem đến nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ. Tóm lại, với đề mở, hãy để học sinh nói lên những suy nghĩ chân thật của mình. Các em sẽ rút ra được những bài học bổ ích trong quá trình suy nghĩ làm bài hơn là “chép lại” suy nghĩ của người khác. Kết quả bài thi sẽ không còn na ná nhau, thậm chí “tư tưởng lớn gặp nhau” bởi bài viết giống nhau thì chỉ mở nửa vời. Do đó, đề đã mở rất cần đáp án thật sự mở! Thái Hoàng |
Có một điểm cần bàn nữa là đáp án các đề thi minh họa, cũng như đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2017 của câu viết đoạn văn này chưa hợp lý. Phải thấy rằng, dù là viết đoạn văn nhưng nó cũng là một dạng bài nghị luận xã hội (về một tư tưởng, đạo lý; hiện tượng đời sống), học sinh được học trong chương trình phổ thông. Cho nên nó cũng cần yêu cầu triển khai theo các phần (mở – thân – kết), các thao tác lập luận của một văn bản hoàn chỉnh, hợp lý. Chứ không phải yêu cầu trả lời được các ý như câu hỏi đọc hiểu văn bản của đáp án kỳ thi vừa qua.
Đưa thêm chương trình lớp 11 vào đề như thế nào?
Nếu đưa thêm chương trình lớp 11 vào đề thi thì chỉ ở câu nghị luận văn học (5.0 điểm). Có nhiều cách tích hợp trong đề giữa chương trình lớp 11 và 12, như cảm nhận hai đoạn thơ để tìm ra điểm giống và khác; phân tích hai đoạn văn bản trong hai tác phẩm từ đó đánh giá, so sánh; phân tích và so sánh hai hình tượng nhân vật trong hai tác phẩm; đưa ra một ý kiến từ đó làm rõ nó từ hai tác phẩm… Dù theo cách tích hợp nào, thì ngoài những yêu cầu chung của đáp án, phần trọng tâm kiến thức của lớp 12 và 11 nên phân định theo mức điểm lớp 12 cao hơn lớp 11.
Như đã nói ở trên, do ở chương trình lớp 11 có hai phần: văn học trung đại và hiện đại. Cho nên, theo chúng tôi, trước mắt nên tích hợp với chương trình lớp 11 ở phần văn học hiện đại. Đến năm sau, gồm thêm chương trình lớp 10, lúc ấy sẽ có thêm yêu cầu cụ thể những tác phẩm nào trong giai đoạn văn học trung đại (gồm chương trình lớp 10 và 11) để tích hợp vào trong đề thi.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)