Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đề thi ngữ văn mang tính phân hóa cao

Tạp Chí Giáo Dục

Dù khá bất ngờ với đề thi ngữ văn trong kỳ thi tuyến sinh 10 TP.HCM năm 2022 song giáo viên đánh giá đề thi vừa sức với thí sinh, mang tính phân hóa cao đảm bảo yêu cầu trong một kỳ thi có tỷ lệ cạnh tranh cao như năm nay.


Giáo viên cho rằng đề thi ngữ văn vừa sức thí sinh song mang tính phân hóa cao

Cô Phạm Thanh Xuân – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 đánh giá, một cách tổng quát đề thi ngữ văn năm nay được xem là phù hợp, vừa sức với thí sinh, nhất là trong bối cảnh dich bệnh song vẫn mang tính phân hóa để chọn lọc, đảm bảo yêu cầu trong một kỳ thi có tỷ lệ cạnh tranh cao như năm nay.

Cụ thể, theo cô Thanh Xuân, nội dung kiến thức trong đề thi đều nằm trong phần học sinh đã được ôn tập, làm quen. Phần đọc hiểu đi vào đúng kỹ năng làm bài đòi hỏi học sinh phải đọc và hiểu văn bản.

Đối với câu nghị luận xã hội đề thi đặt vấn đề suy nghĩ của học sinh về sự trưởng thành, đây là vấn đề nghị luận hết sức gần gũi, thân thuộc với học sinh mà các em đã ít nhiều được thực hành.

Tuy nhiên, riêng phần nghị luận văn học, cô Thanh Xuân chia sẻ, chính cô cũng khá bất ngờ khi đề thi ra vào thơ, và nhất là lại lựa chọn khổ thơ cuối trong bài thơ “Sang thu”. Giáo viên và học sinh luôn nghĩ rằng đề sẽ ra vào một tác phẩm nào đó gần gũi hơn. Với đề nghị luận văn học này, nếu thí sinh đọc đề không kỹ và yếu kỹ năng làm bài thì có thể dễ dàng sót từ khóa, làm bài thi sẽ không đạt điểm cao ở phần này.

Giáo viên này phân tích, phân nửa khổ cuối bài “Sang thu” không chỉ là bàn về bước đi của thời gian mà đó còn là bước đi của đời người. Trong khi đó, “Sang thu” đòi hỏi một độ chín về lứa tuổi để có thể cảm nhận một cách chín chắn nhất, nhất là khổ thứ 4 trong bài thơ với tính triết lý cao. Thí sinh có thể sẽ cảm nhận không tròn trịa, việc liên hệ tác phẩm các em cũng sẽ gặp hạn chế vì khó lựa chọn tác phẩm. Nếu có thể lựa chọn thì chỉ có thể chọn phần văn học trung đại song phần này các em học online…

“Chọn khổ thơ này có thể hơi quá sức với đại đa số thí sinh. Với thí sinh chưa chắc tay thì học sinh khó làm tốt được phần này. Đặc biệt là thí sinh nếu không có điều kiện học tập một cách xuyên suốt thì có thể gặp khó khăn với phần thi này”, cô Thanh Xuân đánh giá.

Với đề thi số 2 phần nghị luận văn học, nếu đọc thoáng qua thì tưởng rằng chỉ cần viết một bức thông điệp thời gian gửi đến chính mình song nếu thí sinh yếu khả năng đọc hiểu, vốn đọc không nhiều cũng sẽ khó khăn với đề thi này.

“Trong một năm học đặc biệt các em học trực tuyến kéo dài song kỳ thi lại có tính cạnh tranh cao nhất trong mọi năm thì đề thi ngữ văn năm nay khá phù hợp, có tính phân hóa rõ rệt đảm bảo phân loại, lựa chọn được thí sinh. Đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức nền tảng về văn học mà còn phải có tư duy cao, sáng tạo, khả năng liên hệ, đọc hiểu…”, cô Xuân nhận định.

Giáo viên này cho rằng phổ điểm chung trong môn ngữ văn có thể dao động từ 6-7 điểm, sẽ có ít thí sinh đạt điểm 9, song với điểm 8 thì thí sinh học giỏi sẽ đạt được.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)