Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn văn năm 2023 tương tự như đề thi năm 2022, thế nhưng theo nhận xét của nhiều giám khảo chấm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi môn văn năm nay không có nhiều đột biến.
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhiều TS cho rằng mình đã bị "tủ đè" khi đề cho một đoạn trích trong truyện ngắn Vợ nhặt. Có nghĩa là TS đã "bỏ rơi" tác phẩm này khi ôn, dù Vợ nhặt của Kim Lân là một tác phẩm rất tiêu biểu. Vì vậy nhiều TS bị "gãy" ở câu nghị luận văn học.
Một nguyên nhân nữa là TS ôn tập thiếu trọng tâm, không bám sát vào giới hạn chương trình, vào mẫu đề minh họa.
Những nguyên nhân trên dẫn đến hệ lụy là bài làm của TS có vô số lỗi sai. Chỉ cần tái hiện được kiến thức (câu 1 và 2 phần đọc hiểu) là được 1,5 điểm, nhưng nhiều TS lại không đạt trọn vẹn điểm này. Đáng nói, có nhiều TS xác định sai thể thơ. Tác dụng của phép tu từ (1 điểm) là câu hỏi rất tiêu biểu trong đề thi về văn bản thơ, thế mà rất ít TS đạt được 1 điểm theo đáp án, đa số chỉ đạt 0,5 điểm.
Chia sẻ niềm vui với người thân sau khi hoàn tất bài thi. ĐÀO NGỌC THẠCH
Ở câu viết đoạn văn ngắn (2 điểm), cách yêu cầu rất quen thuộc như đề thi các năm trước nhưng ít TS đạt từ 1,75 đến 2 điểm, số bài nhiều nhất là từ 1,0 – 1,25 điểm. Lý do là TS yếu kỹ năng viết đoạn, tư duy xã hội chưa sâu, diễn đạt vụng về.
Cần bàn nhiều nhất là câu nghị luận văn học (5 điểm). Đề đã cho sẵn một đoạn văn bản trong truyện Vợ nhặt, TS chỉ cần diễn đạt lại nội dung và nhận xét một chút về nghệ thuật là đạt gần được nửa số điểm. Nhưng do học tủ nên nhiều TS lẫn lộn từ Vợ nhặt sang tác phẩm khác. Có TS bỏ trống, có TS viết từ đầu đến cuối một đoạn trích trong Vợ chồng A Phủ (của tác giả Tô Hoài). Đa số TS mất điểm ở phần yêu cầu sau của câu hỏi này, vì không hiểu và không nhớ chủ đề của truyện. Số bài thi đạt trong khoảng từ 2,25 – 2,75 điểm chiếm tỷ lệ nhiều nhất ở câu hỏi này.
Theo Hậu Nguyên/TNO
Bình luận (0)