Học sinh lớp 12 trong tiết học môn tiếng Anh (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Sự thay đổi hình thức thi của một số môn kỳ thi THPT năm 2014 đến nay đã tạo ra những chuyển biến tích cực nhất định trong cách học và cách dạy tại các trường THPT và trung tâm GDTX trong cả nước nói chung.
Tuy nhiên, việc thay đổi cấu trúc đề thi môn tiếng Anh của Bộ GD-ĐT làm cho đề thi môn này trong 2 năm gần đây “không giống ai” và không thiết thực, gây nên sự lãng phí rất lớn từ khâu tổ chức thi, làm phách, chấm bài và cả xét tuyển.
Thêm phần viết, một môn thi… thành hai!
Bộ GD-ĐT đã vô tình hô biến môn thi tiếng Anh thành “hai môn thi độc lập”: một môn làm trên giấy trắc nghiệm và một môn làm trên giấy tự luận. |
Việc thêm phần viết trong đề thi trắc nghiệm tiếng Anh tạo nên những rối rắm không đáng có cho một môn thi khi có đến hai lượt thi với kỹ thuật tổ chức hoàn toàn độc lập nhưng thời gian giới hạn trong một môn trắc nghiệm. Chính điều này là điểm bất hợp lí gây ra khó khăn không nhỏ cho cả thí sinh lẫn giám thị coi thi. Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu tiến hành phát hai loại giấy thi trong một bài thi với 4 lượt kí tên của cả hai giám thị khi thí sinh vừa bắt đầu làm bài gây ảnh hưởng nhất định lên khả năng tập trung của thí sinh. Theo đó, các em khó có thể tập trung cao độ khi bị sự ngắt quãng do giám thị đi đến từng bàn để kí tên trong khi phần thi trắc nghiệm – một phần thi mà các em cần sự tập trung cao độ không bị ngắt ngang suy nghĩ để đưa ra lựa chọn tốt nhất. Với kỹ thuật tổ chức môn thi như vậy, Bộ GD-ĐT đã vô tình hô biến môn thi tiếng Anh thành “hai môn thi độc lập”: một môn làm trên giấy trắc nghiệm và một môn làm trên giấy tự luận. Tiếp xúc với một số giáo viên có dạy môn tiếng Anh lớp 12 tại nhiều trường THPT ở TP.HCM, chúng tôi được biết học sinh có học lực trung bình hầu như sẽ bỏ phần thi viết vì chỉ cần đảm bảo điểm xét tốt nghiệp theo quy định khi mà các em không lựa chọn khối thi A1, D1.
Thay kỹ năng viết bằng kỹ năng nghe Với kinh nghiệm giảng dạy, tổ chức thi và đánh giá học sinh của cá nhân tôi thì việc đưa kỹ năng nghe bằng hình thức trắc nghiệm với số lượng câu tương đương với bài thi đọc là phù hợp hơn là kỹ năng viết. Chỉ khi nào Bộ GD-ĐT quy định như vậy thì mới đảm bảo việc đánh giá học sinh khách quan và có tính phân hóa cao phục vụ tốt hơn cho việc xét tuyển ĐH, CĐ trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Một điều đáng nói hơn nữa là khi đưa kỹ năng nghe vào sẽ tránh được hiện tượng học lệch như hiện nay và làm cho bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tiệm cận với các đề thi quốc tế hơn.
Bài thi TOEIC công bố 3 cột điểm bao gồm các điểm thành phần của bài thi nghe (100 câu), đọc (100 câu) và điểm tổng của cả hai phần |
Mặc dù việc tổ chức thi môn tiếng Anh thành hai phần độc lập thì theo lẽ thông thường Bộ GD-ĐT phải công bố điểm thi môn tiếng Anh theo hai khung điểm khác nhau: trắc nghiệm và tự luận bên cạnh điểm tổng để làm cơ sở tham chiếu hay tham khảo cho việc xét ĐH, CĐ; nhưng rất tiếc động thái này hầu như không có nên việc thêm phần viết vào môn tiếng Anh chỉ làm rắc rối thêm về mặt kỹ thuật tổ chức thi chứ chưa thực sự phục vụ tiêu chí đánh giá hay xét tuyển cho các trường ĐH, CĐ. Thử nhìn các bài thi quốc tế có áp dụng hơn một kỹ năng đánh giá thì số lượng câu hỏi đánh giá và mức độ đánh giá giữa các kỹ năng là như nhau chứ không lệch như bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiện nay chúng ta đang áp dụng.
Cải cách môn thi… thêm lãng phí!
Việc chấm thi môn tiếng Anh tại các hội đồng thi do các trường ĐH chủ trì vẫn tổ chức thành hai đội chấm riêng biệt: một đội chấm các bài trắc nghiệm thông qua máy quét và một đội huy động giáo viên tiếng Anh trong trường ĐH cùng các giáo viên bộ môn tiếng Anh do Sở GD-ĐT tại địa phương cử đến. Việc làm phách và chấm thi phần viết môn tiếng Anh diễn ra không khác gì các môn tự luận khác như văn, sử, địa… Trường phải huy động đội ngũ làm phách, dò phách, nhập điểm bên cạnh lực lượng chấm thi hùng hậu để phục vụ cho việc chấm 2 điểm của một bài thi vốn phần lớn kiến thức đã được đánh giá qua phần thi trắc nghiệm. Thêm vào đó, với tiêu chí đánh giá của phần tự luận là 2 điểm trên thang điểm 10 trong đề thi năm 2015 nhưng thí sinh phải hoàn thành 2 phần khá gai góc đó là viết lại câu theo mẫu cho sẵn (Sentence Transformation) và viết một đoạn văn (Paragraph writing) trong khi quỹ thời gian cho môn thi chỉ có 90 phút. Thí sinh phải hoàn tất 64 câu trả lời trắc nghiệm trước khi có thể làm phần tự luận là hơi quá sức với các em. Chính điều này mà những em muốn đạt điểm tối đa phải học tủ các bài luận để đón hờ hoặc bỏ luôn phần tự luận vì thời gian làm bài không đủ để làm tiến hành theo trình tự: tư duy về chủ đề bài viết, lập dàn ý, chọn các ý phù hợp để phát triển, viết phác thảo và hoàn thiện đoạn văn (theo cách mà chúng ta vẫn dạy cho các em trên lớp). Theo Hướng dẫn thực hiện chấm thi môn tiếng Anh mà Bộ GD-ĐT gửi cho các cơ sở giáo dục thì phần viết lại câu (Sentence transformation) chỉ có 0.5 điểm cho 5 câu, nghĩa là 0.1 điểm cho mỗi câu viết lại đúng. Do biên độ đánh giá điểm trên mỗi câu viết lại quá nhỏ, giám khảo chấm thi thường chỉ bám vào cách viết sẵn trong hướng dẫn chấm thi nên sẽ bỏ qua nhiều câu các em viết có văn phong tương tự mà vẫn đảm bảo ý nghĩa và ngữ pháp của câu theo quy định. Điều này cũng dễ hiểu vì giám khảo ngại chấm đúng cho thí sinh khi các em làm khác với hướng dẫn chấm sẽ phải đối thoại với giám khảo chấm 2. Hơn nữa suy cho cùng cũng chỉ có 0.1 điểm/câu. Chính tâm lí này sẽ gây bất lợi cho thí sinh khi kiến thức được học của các em không được đánh giá đúng. Thực tế là đã có khá nhiều thí sinh xin phúc khảo môn thi tiếng Anh vì cho rằng cách viết của các em có thể bị bỏ qua. Đối với bài viết đoạn văn, việc chấm thi còn mang nặng cảm tính khi giám khảo được cung cấp các tiêu chí chung chung để chấm như đúng chủ đề, có từ nối liên kết, có phát triển ý, có sử dụng dấu câu đúng, có câu chủ đề… Việc chấm không thể đánh giá các em theo tính công bằng chung mà do cảm tính của người chấm là nhiều!
ThS. Trần Tín Nghị
Bình luận (0)