Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề thi THPT sẽ hướng đến giảm dạy chay, học chay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thi và quản lý chất lượng (ngày 7-8/9), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và 2024 sẽ giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức như năm trước. Đề thi định hướng dần hướng đến phương diện người học cần tăng cường sử dụng thiết bị và yếu tố trải nghiệm để giảm dần yếu tố dạy chay, học chay.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Mong mỏi của xã hội là mỗi năm nhìn thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự gia tăng về chất lượng, đổi mới về cách thức. Do đó, đòi hỏi với kỳ thi ngày càng cao. Bộ GD&ĐT ý thức rất rõ điều này, nên luôn coi công tác tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm là một trong những công việc quan trọng”.

Đề thi THPT sẽ hướng đến giảm dạy chay, học chay ảnh 1

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 dự kiến giữ nguyên phương thức như năm trước. Ảnh: Quỳnh Anh

Về kỳ thi sắp tới trong năm 2023 và năm 2024, quan điểm của Bộ GD&ĐT là thống nhất giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức để phù hợp chương trình giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối cùng. Song song với đó, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.

Ông Sơn cho biết, một định hướng nữa được đặt ra và cần có lộ trình, tránh gây “sốc” cho dạy và học là đề thi chú ý đến những phương diện mà người học cần tăng cường sử dụng thiết bị và yếu tố trải nghiệm. Điều này sẽ dần dần khiến nhà trường phải tăng cường thiết bị dạy học, thầy và trò giảm dần yếu tố dạy chay, học chay.

Về những thay đổi của kỳ thi từ 2025, ông cho biết, một vài phương án đã được dự kiến, đơn vị đã lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn, cần cân nhắc nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó kỳ thi phải gia tăng tính chất đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện nên cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.

Theo Hà Linh/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)