Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Đề thi THPT “vừa sức”?

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, thông tin ban đầu từ các trường ĐH, CĐ đang chấm bài thi THPT quốc gia 2016 cho biết điểm thi của các môn thi chủ yếu rơi vào điểm 5, 6; điểm 9, 10 rất ít. Kết quả này càng củng cố thêm nhận định đề thi THPT quốc gia 2016 là “vừa sức” của nhiều giáo viên.

Nhưng như thế nào là một đề thi “vừa sức”?

Như chúng ta đã biết, kết quả thi THPT quốc gia 2016 không chỉ nhằm xét tốt nghiệp THPT mà còn làm cơ sở cho việc xét tuyển ĐH, CĐ. Những người làm đề thi phải tính toán như thế nào để thí sinh trúng tuyển phải có điểm thi tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức điểm phổ biến nhất của bài thi. Ví dụ, nếu lấy đỗ là từ 6 điểm thì số bài thi rơi vào điểm 6 là cao nhất và càng ít dần ở các mức điểm cao hơn. Ngoài ra, những thí sinh đạt từ 6 điểm phải có đủ năng lực để đáp ứng được yêu cầu của việc học tập ở bậc ĐH, CĐ. Một đề thi cùng lúc đáp ứng được hai yêu cầu này thì mới có thể gọi là “vừa sức”. Hay nói cách khác, một đề thi “vừa sức” khi nó đo lường chính xác năng lực của thí sinh và đảm bảo rằng năng lực đó có thể giúp thí sinh trúng tuyển đáp ứng yêu cầu của bậc học.

Vậy liệu các đề thi tuyển sinh trước đây có đáp ứng các yêu cầu này chưa? Có lẽ câu trả lời thật không quá khó vì hàng năm hiện tượng “ngồi nhầm chỗ” trong các trường ĐH, CĐ diễn ra không phải là ít. Các thí sinh này hoặc phải tự đào thải hoặc bị buộc nghỉ học vì không đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo. 

Ngày nay, việc đánh giá năng lực thí sinh qua thi cử đã trở thành một lĩnh vực khoa học quan trọng được nhiều nền giáo dục hàng đầu trên thế giới quan tâm, nghiên cứu. Họ không ngừng cải tiến để đề thi trở thành một công cụ đo lường chính xác năng lực thí sinh. Theo các nhà giáo dục, một đề thi đạt được yêu cầu về đo lường chính xác thì cần phải hội đủ ba yếu tố: khách quan, công bằng và chính xác. Họ giải thích, một đề thi đảm bảo tính khách quan nghĩa là dù có thay đổi giám khảo chấm thì kết quả vẫn không thay đổi; đảm bảo tính công bằng khi thí sinh thi ở địa phương này thì vẫn nhận được cùng kết quả như khi thi ở địa phương khác; đảm bảo tính chính xác nghĩa là vì một lý do khách quan nào đó phải đổi đề thi khác (có thay đổi về nội dung) nhưng vẫn cho ra cùng điểm số trên cùng một thí sinh.

Đánh giá và đo lường năng lực thí sinh là vấn đề mấu chốt trong thi cử. Chúng ta hy vọng rằng trong vài năm tới, với việc hoàn thiện dần các đề thi THPT quốc gia, việc đánh giá năng lực thí sinh ngày càng chính xác; từ đó tác động tích cực đến cách dạy và cách học trong nhà trường.

Từ Nguyên Thạch   

Bình luận (0)