Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề thi toán làm tròn 2 nhiệm vụ, thí sinh dễ lấy điểm 7

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều giáo viên đánh giá đề thi toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 – kỳ thi cuối cùng của Chương trình GDPT 2006 đã làm tròn 2 nhiệm vụ là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học.


Theo nhiều giáo viên, thí sinh dễ dàng lấy điểm 7 với đề thi toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

38 câu đầu ở mức độ nhận biết

ThS. Lê Phúc Lữ – giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM cho hay, đề thi toán năm nay có phần nhận biết thông hiểu chiếm tỷ lệ nhiều, có khoảng 38 câu đầu có mức độ tương đối, nếu thí sinh ôn tập kỹ các kiến thức căn bản là có thể xử lý không quá khó. Bên cạnh kiến thức của lớp 12 thì có một số câu của lớp 11 như: xác suất, dãy số, bài toán đếm… Từ câu 39 trở đi thì thử thách hơn, đòi hỏi có kỹ năng giải quyết vấn đề và phản xạ nhanh nhạy trong thời gian thi hạn chế.

Về nhóm các câu vận dụng cao, bên cạnh một số câu kinh điển hoặc có nét tương đồng ít nhiều với những đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước thì cũng có một số yếu tố mới và thử thách. Có khoảng 5 câu khó thuộc các dạng: cực trị của hàm số, hình Oxyz, tính chất hàm mũ logarit, ứng dụng tích phân tính diện tích hình phẳng, số phức, chắc chắn sẽ là các câu phân loại thí sinh top trên với điểm trên 9.

Phân hóa cao nhưng phù hợp 2 mục tiêu

Thầy Lâm Vũ Công Chính – giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) nhìn nhận, đề thi môn toán tốt nghiệp THPT năm 2024 có sự phân hóa cao nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu đánh giá tốt nghiệp THPT.

Với các câu hỏi từ 1 đến 35 với mức độ nhận biết, thông hiểu nên học sinh trung bình, khá có thể làm tốt. Các câu từ 36 đến 40 ở mức độ vận dụng, đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức và có tư duy phân tích, tổng hợp. Ngoài 2 câu hình học không gian thuần túy thì các câu còn lại ở mức độ vận dụng cao, tập trung ở mảng kiến thức liên quan đến hàm số, tích phân, số phức…

“So với đề minh họa năm 2024 thì đề thi tốt nghiệp năm 2024 khó hơn. Các câu hỏi liên quan đến hình nón, hình trụ chỉ chiếm 2 câu với mức độ nhận biết, thông hiểu. Có thể do kiến thức này không nằm trong chương trình GDPT 2018 áp dụng vào năm học tới. Dự đoán phổ điểm môn toán có số điểm trung bình dao động từ 6.5-7.0 điểm” – thầy Chính nói.  

Điểm hay của đề là tránh học vẹt theo kiểu bấm máy tính

Theo cô Nguyễn Phương Tâm – giáo viên toán, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), từ 1 câu đến câu 38 trong đề thi tiến độ phân hóa nhịp nhàng, độ khó đi lên dần, kiến thức cơ bản bám sát sách giáo khoa. Điểm hay là học sinh học nhớ và hiểu vấn đề, tư duy logic để làm bài, tránh được học vẹt theo kiểu bấm máy tính.

Từ câu 39 trở lên, đặc biệt các câu cuối thì độ khó bất ngờ tăng tốc mạnh, nếu chỉ học trong sách giáo khoa mà không luyện thi thêm khó mà giải được.

Phổ điểm sẽ tập trung từ 4,5 đến 7,5 điểm, dự đoán cực đại nằm ở mức 6 đến 7 cho học sinh thành phố.

Song từ câu 40 trở đi, đề thi phân hóa rất rõ ràng, mức độ khó đã tăng lên, khó hơn đề minh hoạ và khó hơn cả đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

“Với thời gian 90 phút, để giải quyết hết 50 câu hỏi trong đề thi mà không “đánh lụi” thì học sinh phải thực sự cân não. Đề nhằm phục vụ 2 mục tiêu là vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học thì tính phân hóa như trên là cần thiết. Tuy nhiên, để tròn vai cả 2 nhiệm vụ, đề nên dừng ở câu 35 là 7,5 điểm; 2,5 điểm còn lại cho 5 câu tự luận để phân hóa học sinh” – cô Nguyễn Phương Tâm chia sẻ.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)