Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề thi toán thực tế bị phản ứng: Cái gốc vấn đề là việc dạy ở một bộ phận giáo viên vẫn chưa chuyển mình

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm 2014, TP.HCM đã tiên phong thực hiện việc ra đề thi tuyển sinh 10 theo hướng thực tế. Tuy nhiên, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn toán vừa qua lại khiến không ít học sinh òa khóc ngay sau khi rời khỏi phòng thi. Đề thi cũng khiến nhiều giáo viên bất ngờ. Điều này do đâu?


Nhiều học sinh than khó với đề thi toán tuyển sinh lớp 10 TP.HCM năm 2024

Trên thực tế, việc đưa yếu tố thực tế vào trong đề thi đã được TP.HCM thực hiện trong suốt 10 năm qua. Kể từ năm 2014, TP.HCM đã mạnh dạn đổi mới việc dạy và học thông qua việc đổi mới cách thức ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 khi đưa yếu tố thực tế vào đề thi, chú trọng đến việc học sinh vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống.

Những năm đầu đổi mới, TP.HCM gặp không ít phản ứng từ phụ huynh và xã hội khi cho rằng việc dạy và thi không khớp nhau, không phải là học gì thi nấy. Tuy nhiên, sự kiên định đổi mới đã giúp TP.HCM có sự chuyển mình rõ rệt khi từng nhà trường, thầy cô đã thay đổi phương thức dạy học, hướng đến giúp học sinh học hiểu nhiều hơn, học gắn với thực tế nhiều hơn. Việc đổi mới đề thi đã tác động đến việc đổi mới cách dạy và học của giáo viên, học sinh. Thay vì chỉ dạy học thuần túy theo kiểu đọc, chép, thầy cô đã buộc phải chuyển mình sang dạy theo việc giúp học sinh hiểu được kiến thức, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Đặc biệt, sự tiên phong đổi mới này phù hợp với mục tiêu Chương trình GDTP 2018 – dạy học hướng đến việc phát triển phẩm chất năng lực học sinh thay vì dạy học truyền thụ kiến thức, do đó giúp TP.HCM ít nhiều có những thuận lợi khi triển khai thực hiện chương trình.

Mặc dù vậy, theo thầy Trịnh Quang Huy – Tổ trưởng tổ toán, Trường THCS Lữ Gia (quận 11), sau nhiều năm đổi mới, các bài toán thực tế vẫn luôn khiến học sinh gặp khó do trong quá trình học các em thường tiếp cận các bài toán thực tế theo một hướng, học theo dạng mẫu chứ chưa thực sự tiếp cận theo hướng thực tế, đọc và hiểu. Trong khi đó, dạng toán thực tế không chỉ đòi hỏi về kiến thức toán học với những công thức đơn thuần mà còn đòi hỏi học sinh kiến thức thực tế thì mới có thể giải được toán thực tế. Mà thực tế thì… muôn hình muôn dạng.

“Học sinh thường chỉ quen với cách học ghi nhớ công thức, rập khuôn công thức để giải các dạng bài. Còn kiến thức nền cuộc sống thì các em vẫn yếu, các kỹ năng vận dụng liên môn, kỹ năng giải quyết, phân tích, vận dụng đều hạn chế. Do vậy, dù bài làm vẫn áp dụng công thức đó để giải nhưng ngữ liệu khác đi thì đã là vấn đề khó với nhiều học sinh. Đó là lý do đa phần học sinh rất sợ môn toán, sợ toán thực tế”, thầy Trịnh Quang Huy phân tích.

Giáo viên này nêu dẫn chứng đề toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua. Đề thi thể hiện tính thực tế rất rõ nét, giúp học sinh hiểu được việc học toán để làm gì. Những học sinh làm toán thực tế theo cách đọc kỹ, phân tích nội dung, và nêu các hướng xử lý khác nhau thì đề thi này không làm khó các em, ngoại trừ câu 7 và câu 8c mang tính vận dụng cao. Một học sinh cẩn thận, học toán không theo khuôn mẫu dạng bài thì có thể làm được 7 điểm.

“Toán về hàm số, về hình khối, về lập hệ phương trình… đó là những kiến thức trong chương trình mà các em đã được học và vận dụng để giải quyết các bài toán thực tế. Tôi hơi ngạc nhiên khi câu 3 và câu 4 trong đề thi khá đơn giản là kiến thức của các lớp dưới mà vẫn khiến học sinh gặp khó. Điều này chứng tỏ học sinh trong quá trình học thay vì hiểu vấn đề thì các em đã thiên về ôn dạng đề quá nhiều…” – thầy Trịnh Quang Huy chia sẻ.

Tương tự, thầy Phạm Lê Minh Trí – giáo viên toán Trường THCS Vân Đồn (quận 4) đánh giá, các bài toán thực tế trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 không phải là “mới toanh” với học sinh, vì trong suốt quá trình học ở lớp giáo viên đã giúp học sinh tiếp cận rất đa dạng với các dạng toán thực tế chứ không chỉ dừng ở việc học tủ, đóng khung trong 1 số dạng. Tuy nhiên, đề thi vẫn khiến nhiều học sinh không làm được là do kỹ năng đọc đề, hiểu đề, phân tích đề của các em vẫn còn yếu…

“Với nhiều học sinh, dạng bài tiếp cận trong đề thi có thể… lạ là vì trước giờ các em chỉ học toán thực tế theo một vài dạng khuôn mẫu. Để làm được bài thi, ngoài nắm vững kiến thức toán học thì các em phải biết phân tích đề để tìm ra hướng đi, vận dụng kiến thức toán học cùng hiểu biết thực tế để đưa ra lời giải. Do đó các bạn học sinh yếu kỹ năng phân tích, lập luận, liên hệ thực tế thì sẽ khó khăn nhiều ở những câu thực tế…” – thầy Trí thẳng thắn.

“Cái gốc vấn đề là việc dạy ở một bộ phận giáo viên vẫn chưa chuyển mình

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, nhiều năm nay việc ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 đã được TP.HCM kiên định thực hiện theo hướng bám sát việc phát triển phẩm chất năng lực học sinh, đòi hỏi học sinh không thể học tủ, học vẹt và giáo viên cũng không thể dạy tủ, dạy theo khuôn mẫu.

TP.HCM coi việc đổi mới ra đề thi theo hướng tiếp cận thực tế là đổi mới việc dạy và học ở mỗi nhà trường, từng giáo viên, phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Việc dạy theo năng lực là dạy cho học sinh có kiến thức cơ bản và qua quá trình học tập hình thành năng lực giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng kiến thức đã học. Do đó, nếu giáo viên còn dạy theo dạng, học sinh còn học theo tủ sẽ rất khó để tiếp cận đề thi theo hướng thực tế.

“Chương trình GDPT 2018 sẽ không hướng đến kiến thức thuộc lòng mà làm sao trang bị cho học sinh biết đọc yêu cầu, phân tích dữ liệu, sử dụng kiến thức đã có để giải quyết yêu cầu. Nếu giáo viên dạy theo kiểu dạng a, dạng b,… thì học sinh sẽ bị “ngộp” ngay khi tiếp cận yêu cầu bởi thực tế dạng a, b cũng có thể có nhiều cách hỏi khác nhau…” – lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu dẫn chứng.

Nhìn từ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn toán vừa qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, cái gốc vấn đề là việc dạy học ở một bộ phận giáo viên vẫn chưa chuyển mình. Tới đây, Sở sẽ có chỉ đạo, nâng cao nhận thức và hành động, tập huấn, bồi dưỡng về cách dạy, kiểm tra đánh giá. Về phía giáo viên cần chủ động đổi mới thực hiện được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018…

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)