Trong các bài thi Hóa học thường có các câu hỏi tính toán (được gọi tắt là “toán Hóa”). Các bài toán Hóa học cho phép kiểm tra mức độ hiểu biết chuyên sâu của thí sinh và có thể tạo ra sự đa dạng về độ khó trong đề thi, giúp phân loại thí sinh tốt hơn.
Ở Việt Nam, trong đề thi Hóa học thường xuất hiện những bài toán Hóa mang tính chất đánh đố và kiểm tra kĩ năng giải toán nhiều hơn là đánh giá hiểu biết Hóa học. Thậm chí, có những câu hỏi được xem là hoàn toàn vô lí về mặt thực nghiệm. Đặc biệt, từ khi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm cho một số môn học, bao gồm môn Hóa – thì sự “lắt léo” của các bài toán Hóa càng trở nên rõ rệt.
Các đồ thị tưởng tượng
Theo nhóm chuyên gia KEM – tạp chí Olympic hóa học, thực tế phân tích đốt cháy không còn được sử dụng để xác định công thức hợp chất hữu cơ trong nghiên cứu đối với Hóa học. Nhưng trong đề thi tốt nghiệp THPT của Việt Nam thì các bài toán Hóa liên quan đến phản ứng đốt cháy hợp chất hữu cơ lại phổ biến đến mức… ám ảnh.
Mọi chất hữu cơ đều được đem đi… đốt; không chỉ đốt cháy một chất (theo nguyên tắc của phân tích đốt cháy), các đề thi này thường đốt cháy hỗn hợp nhiều chất. Ví dụ, câu 77 (đề thi THPT quốc gia năm 2016, mã đề 201), liên quan đến phản ứng đốt cháy hỗn hợp gồm… 5 chất.
Mã đề 201 môn Hóa học trong kỳ thi THPT Quốc gia (nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT) năm 2016
“Tuy rằng các bài tập và đề thi chỉ là một dạng thức giả định, nhưng nếu không gắn liền với thực tế sẽ luôn khiến học sinh tồn tại một nỗi sợ vô hình với Hóa học, khi nó đang dần biến đổi thành các công thức Toán học rắc rối và các phương pháp giải với tên gọi “mỹ miều” nhưng hoàn toàn không thể hiện được bản chất Hóa học của vấn đề”, nhóm tác giả nhận định.
“Đề thi càng “lắt léo” thì các phương pháp kì lạ lại thi nhau ra đời, khiến cho học sinh không muốn cũng phải học, còn giáo viên không muốn cũng phải dạy. Nhiều giáo viên muốn được dạy hóa học thiên về bản chất, muốn cho học sinh thấy vẻ đẹp thật sự của hóa học, nhưng nếu không chịu dạy cách giải những bài toán Hóa oái oăm này thì sẽ bị đánh giá là thiếu kiến thức và trình độ”, nhóm chuyên gia nhận định. |
Bên cạnh đó, nhóm tác giả Kem cũng chỉ ra rằng trong đề thi tốt nghiệp THPT thường xuất hiện những bài toán Hóa liên quan đến các đồ thị mô tả sự phụ thuộc của sản phẩm vào chất đầu, ví dụ như câu 79, đề thi tốt nghiệp THPT 2023, mã đề 201. Chưa xét đến tính khả thi trong việc theo dõi sản phẩm phản ứng ở dạng kết tủa, lỗi chung cơ bản nhất là các đồ thị theo dõi phản ứng phải tạo thành từ các điểm rời rạc (vì mẫu được lấy ở những thời điểm hoặc thí nghiệm khác nhau) chứ không phải các đường liên tục như trong đề.
Mã đề 201 trong đề thi môn Hóa học của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Để nhận được đồ thị liên tục đề ra, gần như phải xác định được lượng kết tủa theo… thời gian thực. Đây là điều không tưởng dù là thực hiện ở những phòng thí nghiệm hiện đại nhất. Có thể thấy, câu hỏi đang đưa ra những quy trình thiếu mục đích và muôn vàn thao tác thực nghiệm bất khả thi khác.
Về đề thi môn Hóa năm nay, nhóm chuyên gia nhận định cơ bản là đề thi phi lý ở việc người ra đề đã chọn sẵn đáp án để lắp vào một quy trình không có tính thực tế. Do đó học sinh giải theo kiểu máy móc sẽ ra đáp án. Với bài tập lý thuyết, lỗi chủ yếu là chưa chặt chẽ nhưng cũng không ảnh hướng nhiều đến việc lựa chọn đáp án.
Thầy Phan Quốc Khánh, giáo viên dạy Hóa ở Cần Thơ cho rằng đa số học sinh có thể chọn được câu trả lời đúng dựa vào đề bài cung cấp trong đề thi môn Hóa năm nay. Tuy nhiên, ở một số câu hỏi do diễn đạt chưa chặt chẽ nên có thể dẫn đến 1 câu hỏi có thể có hơn 1 đáp án đúng. Xét về nguyên tắc nếu học sinh chọn vào đáp án không trùng với đáp án Bộ GD&ĐT công bố thì không thể nói học sinh đó làm sai. Ví dụ câu 54 mã đề 201, đáp án của Bộ GD&ĐT là C, nhưng nếu học sinh chọn đáp án D vẫn có thể chấp nhận đúng.
Đã đến lúc thay đổi triệt để
Việc thiếu kiểm soát về nội dung của đề thi môn Hóa học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm qua đã dẫn đến việc rơi vào cái bẫy “Toán học hóa khoa học tự nhiên quá mức”. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất gặp phải hiện trạng này. Nhưng đề thi Hóa học của Việt Nam đã bị biến chất quá mức, đến độ gần như không còn giữ được bản chất (thể hiện qua việc các thí nghiệm hoàn toàn là trên giấy, không thể tiến hành trong thực tế). Ví dụ như việc ra các bài toán trộn các chất vào nhau rồi quan sát xem có điều gì thú vị xảy ra. Thực tế công việc nghiên cứu đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc, nên mọi quy trình Hóa học đều phải có mục đích cụ thể.
Ví dụ như câu 73 và 80 (đề thi THPT quốc gia năm 2018, mã đề 201), hay câu 79 ở mã đề 201 đã nêu ở trên. Các chuyên gia đặt câu hỏi, trong những trường hợp này, tại sao không đem đi cân? Và trong thực tế, ai lại đem những hỗn hợp gần 9g của kim loại kiềm và kiểm thổ với oxide rồi đem hòa vào nước (có nguy cơ cháy nổ). Một điểm vô lí khác là việc thực hiện phản ứng hữu cơ “hoàn toàn” – bất chấp đặc trưng của phản ứng có sự tham gia của chất hữu cơ là "phản ứng thường diễn ra không hoàn toàn". Ví dụ như câu 80 (đề thi THPTQG năm 2019, mã đề 201).
Nhóm chuyên gia khẳng định Việt Nam là quốc gia duy nhất sinh ra các phương pháp giải Toán Hóa kì lạ, đến mức “kỳ quái”, ví dụ như tư duy tháo – lắp chất, dồn chất – xếp hình khiến cho học sinh muốn đạt điểm cao môn Hóa phải biến mình thành “cỗ máy giải đề”, với tư duy lệch lạc về Hóa học, xem các chất hóa học như những khối lego dễ dàng tháo lắp. Trong khi đó, với các nhà nghiên cứu hàng đầu thì việc đạt được thành tựu “dịch chuyển một nguyên tử vào hoặc ra khỏi bộ khung lõi của phân tử” đã được xem như một “phép màu”.
Vì vậy nhóm đề nghị Bộ GD&ĐT cần triệt để thay đổi, trước tiên là loại bỏ hoàn toàn những bài Toán Hóa phi lí ra khỏi đề thi. Ngoài việc sử dụng các câu hỏi tổng hợp lí thuyết, cũng có thể tham khảo cách ra đề của các kì thi lớn trên thế giới như A-Level hay Gaokao (Cao khảo, trung Quốc).
Trả lời thắc mắc về vấn đề liên quan đến đề thi năm nay, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 khẳng định đáp án các môn thi không thay đổi, ngoại trừ môn tiếng Anh.
Bình luận (0)