Lần đầu tiên sau khi có những chủ trương thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi về đề thi và một số điều chỉnh của kỳ thi này.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Đề thi có mấy phần?
Thưa ông, có thể hình dung ra sao về đề thi dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Năm nay, cách thức ra đề thi được Bộ GD-ĐT xem như một giải pháp để quản lý chất lượng thi cử đảm bảo thực chất, khách quan. Cách thức ra đề được chúng tôi quán triệt làm sao để phản ánh được chất lượng dạy học, hướng tới đánh giá đúng năng lực của học sinh (HS), kiến thức cũng đòi hỏi sát với thực tế hơn.
Đề thi có ít nhất 50% yêu cầu HS phải hiểu và vận dụng được kiến thức, hiểu và ghi nhớ nhiều nhất là 50%. Tuy nhiên, theo từng năm, tỷ lệ này sẽ phải có sự thay đổi, phần vận dụng kiến thức sẽ phải tăng lên. Tất nhiên, với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi vẫn phải đảm bảo để HS có học lực trung bình làm được bài thi ở mức đạt yêu cầu tốt nghiệp.
Đề vẫn tiếp tục có 2 phần: bắt buộc và tự chọn. Đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn sẽ bao gồm 2 phần: phần chung cho tất cả thí sinh sẽ được ra theo nội dung giao thoa giữa 2 chương trình chuẩn và nâng cao; phần riêng sẽ ra theo từng chương trình: chuẩn và nâng cao. Tuy nhiên, thí sinh được tùy chọn một phần riêng để làm bài, không bắt buộc học theo chương trình nào phải làm đề dành riêng cho chương trình đó.
Năm nay, Bộ có ban hành cấu trúc đề thi của từng môn hoặc tài liệu nào để phục vụ việc ôn thi?
Sẽ không có bất cứ tài liệu ôn thi nào do Bộ hoặc các cơ quan chức năng của Bộ ấn hành. Cấu trúc đề thi từng môn dễ gây ra tình trạng đoán mò hoặc gây cho HS hiểu rằng thi vào phần này hoặc phần kia. Sách giáo khoa là tài liệu ôn thi tốt nhất, còn HS muốn tham khảo thêm tài liệu nào là tùy quyền lựa chọn của các em chứ Bộ không đặt ra bất cứ yêu cầu nào. Trong tháng 3, Bộ mới công bố các môn thi chính thức. Việc ôn thi phải thực hiện trong cả quá trình dạy và học, chứ nếu chỉ một vài tháng mới học ngày, học đêm thì cho thấy cả quá trình học tập có “vấn đề”.
Không làm thay phần việc của địa phương
Năm nay, Bộ quyết định bỏ tổ chức thi theo cụm trường, bỏ chấm chéo bài thi tự luận cũng như không huy động lực lượng thanh tra ủy quyền… Có ý kiến cho rằng, vì những biện pháp ấy không phát huy hiệu quả nên Bộ quyết định buông?
Chúng tôi không buông nhưng cũng không thể kéo dài tình trạng làm thay phần việc của các địa phương. Sẽ có nhiều giải pháp để quản lý, giám sát, như quản lý bằng quy chế hướng dẫn chi tiết coi thi, chấm thi, thanh tra… Trên thực tế, những biện pháp tổ chức thi tốt nghiệp các năm trước đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, khi kỳ thi đã dần vào ổn định, tạo được nền nếp và ý thức nghiêm túc nhất định cho các địa phương thì nên giao về cho các địa phương chủ động tổ chức theo điều kiện của từng nơi.
Trên thực tế, một số địa phương, lãnh đạo chính quyền vẫn gây áp lực với ngành GD-ĐT bằng cách đề ra chỉ tiêu tỷ lệ tốt nghiệp như một tiêu chí thi đua, làm nảy sinh hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Bộ đã từng có đề nghị gì với chính quyền các địa phương về vấn đề này chưa?
Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chống bệnh thành tích, bản thân Bộ GD-ĐT nhiều lần họp cũng như có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện cuộc vận động “hai không”. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số địa phương làm ngược lại, không phải sở GD-ĐT nào cũng vì bệnh thành tích dẫn đến kết quả thi cử chưa sát thực tế nhưng vì áp lực của chính quyền địa phương, vì những khó khăn của địa phương nên họ buộc phải làm như vậy. Theo Bộ, quyết định chất lượng thi nghiêm túc vẫn là trách nhiệm của các địa phương, từ sở đến các trường, nhất là các hội đồng coi thi.
Không ít ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp đến lúc cũng nên nhẹ nhàng, không cần phải căng thẳng, tốn kém như hiện nay?
Chắc chắn kỳ thi sẽ ngày càng nhẹ nhàng hơn theo từng năm. Về mặt hình thức, quan điểm là Bộ sẽ vẫn duy trì một kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia chứ chưa tính đến việc bỏ kỳ thi này.
Thay cấu trúc bằng ma trận đề thi
Cấu trúc đề thi của các năm trước sẽ được thay thế bằng ma trận đề thi. Ma trận đề thi có 2 lợi ích cơ bản, vừa bao quát được mức độ cao nhất có thể toàn bộ nội dung dạy học vừa đặt ra các yêu cầu khác nhau về trình độ của HS.
Đơn giản nhất là hiểu, tiếp theo là ghi nhớ được kiến thức đã học; mức cao hơn là phải vận dụng được kiến thức đã học. Việc đổi mới đòi hỏi HS phải có kỹ năng làm bài tốt hơn, tránh hiện tượng “học tủ, học lệch, học vẹt” và cũng để sàng lọc, phân biệt chất lượng thí sinh.
|
Theo Tuệ Nguyễn
(Thanh Niên)
(Thanh Niên)
Bình luận (0)