Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề thi tuyển sinh: Chớ thấy dễ mà mừng, đừng thấy khó mà nản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đợt 3 tuyển sinh năm 2009 do Bộ GD-ĐT tổ chức dành cho các trường cao đẳng, bắt đầu từ 15-7, đang diễn ra. Đề thi lần này khó hay dễ cũng sẽ trở thành vấn đề để dư luận bàn tán như hai đợt thi trước. Tuy nhiên, các bạn thí sinh chớ thấy đề thi dễ mà mừng, cũng đừng thấy đề thi khó mà nản. Đề thi có khó thì khó chung, dễ thì dễ chung cho tất cả thí sinh. Các bạn cứ việc tự tin, bình tĩnh làm cho hết bài thi, hết các môn thi; không nên chủ quan, tự mãn hoặc chán nản, bỏ cuộc sớm.
Hai đợt tuyển sinh đại học và kỳ thi tuyển lớp 10 vừa qua đã có khá nhiều ý kiến khen chê về đề thi. Người khen đề thi dễ, kẻ chê đề thi khó, cũng có người cho là vừa sức. Thực ra, người trong ngành ai cũng biết đề thi tuyển sinh khác đề thi tốt nghiệp. Đề thi tốt nghiệp cần vừa sức, nằm trong chương trình; còn đề thi tuyển sinh cần độ khó và sự phân hóa nhiều hơn. Thí sinh dự thi tốt nghiệp phải đạt điểm trung bình mới đỗ; còn tuyển sinh thì các trường chọn thí sinh, lấy điểm từ cao đến thấp, đủ chỉ tiêu thì thôi. Vì thế đề thi tuyển sinh khó hay dễ không quan trọng, và cũng không cần khen chê nếu không bị sai, không bị lộ…
Đề thi tuyển sinh dễ, nhiều thí sinh thấy mình làm bài tốt nên tưởng chắc là mình sẽ đậu, có tâm lý chủ quan, lơ là môn thi còn lại. Đề thi khó, nhiều thí sinh làm không hết yêu cầu đề thi nên nghĩ chắc là mình sẽ hỏng, có tâm lý chán nản, bỏ thi môn sau. Vừa xong buổi thi, công luận lại có nhiều ý kiến khen chê về đề thi, dễ hoặc khó, một cách quá đáng cũng vô tình làm cho không ít thí sinh, phụ huynh hoang mang, không tập trung tốt cho các môn thi còn lại.
Vạn bất đắc dĩ, nếu không đỗ vào đại học hoặc cao đẳng trong đợt thi năm nay, mà phần lớn thí sinh dự thi sẽ rơi vào trường hợp này, thì cơ hội vẫn còn nhiều cho các bạn trẻ. Đó là cơ hội xét tuyển nguyện vọng 2, 3 và tuyển sinh trung cấp ngay trong năm nay. Bạn nào rớt hết các nguyện vọng, nếu có điều kiện thì tiếp tục ôn thi cho năm sau, còn không thì nộp đơn xin xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, kỹ thuật, đào tạo nghề… Đó là cơ hội tốt để các bạn vào đời sớm. Đối với các bạn rớt tuyển sinh lớp 10 công lập tại các thành phố lớn, chắc chắn kế hoạch tuyển sinh của các sở GD-ĐT vẫn dành chỗ cho các bạn tại các trường dân lập, tư thục; các trung tâm giáo dục thường xuyên (công lập). Cơ hội để các bạn này dự thi đại học cao đẳng, khi đã hoàn thành lớp 12, cũng giống như các bạn khác.
HAI ĐỨC

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)