Một chuyện cười ra nước mắt. Sau khi trường tiểu học N. tổ chức tuyển chọn học sinh lớp 1 năm học 2011 – 2012, phóng viên một tờ báo nhặt ra một bài toán tưởng như thuộc loại không khó lắm gửi tới 20 sinh viên làm thì họ có nguy cơ trượt rất cao.
Công tác tuyển sinh vào lớp 1, nguồn ảnh: Internet
|
Đề bài yêu cầu thí sinh nêu số chân của con gà, kèm theo bức tranh có vẽ hình hai con gà. Chúng tôi gọi họ là “thí sinh miễn cưỡng” bởi họ không có ý định dự thi vào lớp 1 của bất kỳ trường nào, đơn giản chỉ vì họ hoặc là sinh viên ĐH, hoặc là giáo viên, thậm chí là người làm nghiên cứu.
Kết quả cho thấy, cả 20 “thí sinh miễn cưỡng” đều có nguy cơ trượt lớp 1 do đều đưa ra đáp án sai với đáp án của nhà trường. Để giấu sự tẽn tò, một “thí sinh” (là sinh viên năm thứ tư khoa Toán Tin của một trường ĐH) cãi: “Nếu đề thi hỏi là tổng số chân gà trong bức tranh thì tôi sẽ trả lời là 4. Nhưng đề ra kiểu lắt léo như thế này (hỏi gà có mấy chân – PV) thì ai cũng hiểu đáp án là 2”.
PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình gọi đó là một trò đánh đố của người lớn dành cho trẻ con. Trước một áp lực nhu cầu quá lớn trong khi khả năng cung ứng có hạn, tìm ra được một cái cớ để loại bớt ứng viên là điều không đơn giản khi mà mục tiêu hàng đầu của người cung cấp dịch vụ không vì sự phát triển của giáo dục.
Nhiều người cho rằng không chỉ qua các màn thi cử, sự lệch lạc về quan điểm giáo dục của nhiều trường ngoài công lập mới có cơ hội bộc lộ. Ngay trong quá trình vận hành của trường, nhiều phụ huynh đã “vỡ mộng”: Cũng “chạy trường”, cũng bệnh thành tích, cũng tìm cách “móc túi” phụ huynh, cũng gợi ý học thêm học nếm.v.v…
Trên các diễn đàn, các phụ huynh an ủi nhau bằng cách đưa ra các dữ liệu: Một bộ phận lớn giáo viên trường tư là giáo viên trường công nghỉ hưu, lãnh đạo trường tư cũng là lãnh đạo trường công đã nghỉ hưu, chương trình học vẫn là chương trình trường công sử dụng, hệ thống quản lý trường tư vẫn chung hệ thống quản lý với trường công.
Do đó, sự khác biệt giữa trường công với trường tư nhiều trường hợp chỉ là về điều kiện học tập. Thay vì con em chúng ta bị nhồi nhét trong một lớp học 50 – 60 học sinh/ lớp, giáo viên lớp 1 giảng bài bằng micro ở trường công thì với trường tư, các con được ngồi trong những lớp đúng chuẩn quốc gia, quốc tế, v.v…
Nếu như vài năm trước đây, trước sự phát triển lớn mạnh của một số trường tư đã được nhiều người kỳ vọng sẽ đủ sức “cảm hóa” hệ thống trường công, nghĩa là ảnh hưởng tích cực trở lại với sự phát triển trường công. Nhưng với sự bành trướng mạnh mẽ của những tiêu cực trong giáo dục, phụ huynh nào cho con em mình trốn áp lực trường công bằng cách chạy vào trường tư chỉ còn biết thở dài.
Theo Quý Hiên
(TP)
Bình luận (0)