Thí sinh TP.HCM làm thủ tục vào phòng thi. Ảnh: N.A
|
Trong ba ngày (2, 3, và 4-6-2011), hơn 1 triệu thí sinh (TS) đã bước vào kỳ thi quan trọng đầu tiên – tốt nghiệp THPT. Cũng giống như năm 2010, kỳ thi năm nay không có gì bất ngờ, đặc biệt được diễn ra an toàn, nghiêm túc hơn.
Những điểm “nóng” đã hết “nóng”
Những vụ “đột kích” phòng thi như trước năm 2006 ở các hội đồng thi tốt nghiệp không còn ở tất cả các địa phương trên cả nước. Nhận định chung của lãnh đạo Bộ GD-ĐT là kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Lý giải về sự “mất nhiệt” ở các điểm nóng, một hiệu trưởng của một trường THPT ở Hà Nội cho rằng kết quả của hiện tượng này phải kể đến hai nguyên nhân. Thứ nhất, các vụ việc trước kia đều xảy ra tại các HĐT của Hà Tây cũ, Hà Nội cũ không có. Từ khi sáp nhập, Hà Tây phải theo Hà Nội, phải tuân thủ theo kỷ cương của toàn thành phố. Cụ thể, nếu trường nào để xảy ra sự cố sẽ bị “cắt” chỉ tiêu. Thứ hai là cuộc vận động “Hai không” của ngành giáo dục đã có tác dụng. Phụ huynh, học sinh cũng đã nhận thức được vấn đề.
Thanh tra ủy quyền đã hết vai trò lịch sử
Năm 2007, năm đầu tiên thực hiện “Hai không”, kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả nước diễn ra với sự tham gia của trên dưới 10.000 thanh tra ủy quyền đến từ các trường ĐH. Cũng năm đó, lần đầu tiên, tỷ lệ thi tốt nghiệp của Việt Nam rơi tự do. Sau ba năm, năm 2010, số lượng thanh tra ủy quyền của bộ chỉ còn 600 người, giảm trên 90% với lý do các sở đã “tự” lo được “trật tự”. Và lần đầu tiên sau thời gian thực hiện “Hai không”, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước đã “vọt” lên một cách đáng ngờ. Tuy nhiên, nhiều sở GD-ĐT miền núi cho rằng thực ra tỷ lệ tốt nghiệp của sở tăng nhưng chất lượng không tăng. Bởi phần lớn HS đỗ tốt nghiệp của tỉnh đều ở hạng 3 (hạng “vớt” dành cho HS miền núi – PV).
Nói về vai trò của thanh tra ủy quyền, ông Nguyễn Đắc Hồi, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Xá, Hà Nội cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên giữ các đoàn thanh tra lưu động đến các sở, còn thanh tra ủy quyền đã không còn cần thiết. Ở các sở, ngoài thanh tra cắm chốt tại các trường cũng đều có rất nhiều các đoàn thanh tra lưu động đến thị sát.
Việc Bộ GD-ĐT đưa thanh tra ủy quyền về các sở đến thời điểm này thực sự không còn tác dụng. Với lực lượng quá “mỏng” (bảy phòng thi có một thanh tra ủy quyền), lại chỉ được ở ngoài phòng thi, còn quyền hành thực sự nằm trong tay hai giám thị, thanh tra ủy quyền họ có thể làm gì? Hơn nữa, dù hoàn toàn “trong sạch” thì khi về địa phương, được các sở đón tiếp trọng thị, bản thân thanh tra ủy quyền cũng không nỡ “ra tay”, nhất là với các HS miền núi. Một thanh tra ủy quyền nhiều năm cho rằng, đối với HS vùng sâu vùng xa, trong quá trình đi học, ngành cũng như địa phương đã phải tạo mọi điều kiện để có thể giữ được chân họ ở trường thì vì cớ gì lại không cho họ tốt nghiệp. Không cho tốt nghiệp, họ sẽ không đi học. Như thế lại phải đi vận động, lại phải đầu tư.
Tỷ lệ tốt nghiệp sẽ vẫn ở mức cao
Năm 2010, có ba tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dưới 80%. Để không còn đứng ở “top” cuối, các tỉnh đều đề ra kế hoạch “tác chiến” cụ thể. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm ngoái của Điện Biên là 69,11%. Để thoát khỏi “dớp” này, qua ba ngày thi tốt nghiệp vừa qua, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành giáo dục Điện Biên vẫn cương quyết tổ chức một kì thi thực, chấp nhận kết quả thực. Với công tác triển khai ôn tập cho HS ngay từ đầu năm học chắc chắn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Điện Biên năm nay sẽ cao hơn năm trước.
Năm 2010, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Bắc Kạn cũng thuộc “top” dưới. Chính vì vậy, mục tiêu mà tỉnh đặt ra cho năm nay là số thí sinh đỗ tốt nghiệp 75%. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD- ĐT Phạm Lê Ngà thì ngành giáo dục đang hướng đến mục tiêu là 80%. Và theo ghi nhận bước đầu của các TS trong các ngày thi vừa qua tại Bắc Kạn, mục tiêu trên có thể đạt được.
Như vậy, năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương sẽ khó có thể thấp hơn năm 2010 và tỷ lệ chung của cả nước cũng sẽ tương tự.
TP.HCM: Đa số học sinh làm bài được
Thí sinh phấn khởi ra về khi làm xong bài thi. Ảnh: Q.Huy
|
Kết thúc ba ngày thi các môn tốt nghiệp THPT, nhiều TS tại TP.HCM thở phào vì đề thi năm nay tương đối nhẹ nhàng. Những TS có học lực trung bình có thể đạt được số điểm tương đối trong kỳ thi năm nay. Trong đề thi các môn đều xuất hiện một vài câu hỏi lạ, không khó nhưng yêu cầu TS phải biết vận dụng kiến thức đã học để trả lời câu hỏi này. Nhiều TS tuy có bất ngờ nhưng vẫn tỏ ra thích thú với những câu hỏi lạ mà hay này, có thể nói đây là những câu phân hóa giữa những TS học và hiểu bài và những TS học “vẹt”.
Kết thúc buổi thi môn địa lý, rất nhiều TS mừng vì phần kiến thức ra khá dễ, không phải làm bài theo kiểu máy móc. TS Hoàng Mạnh Kha (HĐT THPT Hoàng Hoa Thám) hớn hở: “Em theo khối A nên hơi ngại với những môn thuộc bài. Thế nhưng với đề thi môn địa năm nay em lại làm khá tốt vì đề vận dụng kiến thức nhiều, chỉ cần nhìn vào Atlat Địa lý và vận dụng lại những kỹ năng đã học là làm được. Bạn bè em nhiều người cũng rất tự tin sau buổi thi này”.
Tương tự, sinh học cũng là môn được các TS đánh giá đề hay. “40 câu hỏi trong đề đều nằm hoàn toàn trong chương trình học. Đề thi có nhiều câu hỏi lý thuyết, trong phần câu hỏi bài tập thì có ít câu đòi hỏi phải tính toán. Thời gian làm bài thi là 60 phút nhưng em chỉ làm hết 40 phút, một số bạn trong phòng thi của em còn ra sớm hơn nữa”, Phùng Thảo Nguyên (TS tại HĐT THPT Marie Curie) nhận định.
Kết thúc buổi thi môn toán, nhiều TS thở phào nhẹ nhõm vì đề thi năm nay khá dễ. Hầu hết TS có điểm tổng kết trung bình môn toán cả năm chỉ từ 7-8 điểm nhưng vẫn khẳng định mình làm được trên 90%. TS Phạm Thảo Vi (HĐT THPT Hiệp Bình) phấn khởi: “Điểm tổng kết trung bình môn toán cả năm em chỉ đạt 7,6 nhưng với đề thi này rất dễ nên em làm được hết tất cả các câu hỏi trong bài thi, để trừ xác suất sai những điểm nhỏ nhặt thì em nghĩ chắc chắn bài làm của mình đạt 90%”. Cùng với ý kiến này, TS Vũ Lê Ngọc Thọ (HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) chia sẻ: “Đề thi năm nay rất dễ, nếu nói về độ khó thì chỉ có phần hình ở câu 3, nếu TS nào không tính được diện tích đáy hình thang thì sẽ không làm được. Tuy nhiên, phần này nếu biết vận dụng, nhiều bạn vẫn có thể làm được dễ dàng”.
Không chỉ riêng TS, các bậc phụ huynh có con đi thi cũng cảm thấy yên tâm với chất lượng làm bài của con em mình. “Tuy đây không phải là kỳ thi khó nhưng khi nghe con nói làm bài tốt, tôi cũng thấy mừng. 12 năm đèn sách, ai cũng muốn con mình không chỉ vượt qua mà còn đạt điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp. Các cháu đã học tốt trên trường nên chẳng ai muốn con mình chỉ đạt được điểm trung bình”, bác Trần Mạnh Nhân, phụ huynh TS Trần Quang Thái, thi tại HĐT Nguyễn Thị Minh Khai khẳng định.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, so với kỳ thi năm ngoái, số TS vi phạm nội quy năm nay ít hơn. Đây chính là kết quả của việc tổ chức tốt sinh hoạt quy chế thi từ nhà trường tới HĐT. “Trong ba ngày thi, tất cả các HĐT tại TP.HCM không xảy ra sự cố đáng tiếc nào về thời tiết, giao thông, cháy nổ… Đây là một điều đáng mừng chứng tỏ việc hợp sức giữa Sở GD-ĐT với các sở ban ngành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay rất tốt. Thanh tra và giám thị tại các HĐT cũng làm việc tích cực, không có trường hợp vi phạm quy chế thi. Sau ngày 4-6, chúng tôi sẽ tập kết các bài làm của TS và nhanh chóng chuyển về các tỉnh được phân công chấm bài gồm: Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Tháp, Đồng Nai”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đà Nẵng: Thi nghiêm túc, TS vắng ít
Ghi nhận của PV Giáo Dục TP.HCM tại các HĐT Trần Hưng Đạo, Phan Châu Trinh, Lý Thường Kiệt (Đà Nẵng)… trong hai ngày thi 3 và 4-6, tình hình an ninh trật tự trong và ngoài phòng thi được đảm bảo tuyệt đối. Bên ngoài các HĐT cũng không còn cảnh tụ tập đông người như các năm trước… Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thi, ngày thi vẫn diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi. Thống kê nhanh ngày thi thứ hai với hai môn: địa lý và sinh học, hệ THPT có thêm 10 TS vắng không lý do so với ngày thi đầu tiên. Hệ GDTX có thêm một TS vắng không lý do. Ngày 4-6, thi toán có một TS hệ GDTX vắng không lý do.
Theo TS, đề môn sinh không dễ như các môn thi trước. TS Thanh Minh, (HS THPT Phan Châu Trinh) cho biết: “Đề thi có 40 câu hỏi trắc nghiệm tất cả. Trong đó, có 32 câu hỏi bắt buộc, và 8 câu tự chọn giữa phần kiến thức chuẩn và kiến thức nâng cao. So với đề thi các môn trước, thì mức độ khó của đề sinh nhiều hơn”.
TS Nguyễn Thị Phụng (HS THPT Nguyễn Hiền) chia sẻ: “Đề thi nằm gọn trong phần kiến thức căn bản nhưng đòi hỏi TS phải vận dụng kiến thức, tính toán kỹ lưỡng để tìm phương án trả lời chính xác. Với đề thi này em giải quyết được chắc chắn 70% câu hỏi. Các bạn đạt học lực trung bình nếu chăm chỉ ôn tập theo chương trình, đặc biệt chương trình lớp 12 thì đề tuy khó hơn các đề sinh năm trước”.
Môn thi địa lý chiều 3-6, nhiều thí sinh cho rằng đề quá dài nên không có thời gian làm nháp. Trong khi đó, thời gian làm bài môn toán là 150 phút, đúng 10h sáng 4-6, mới hết giờ làm bài, nhưng từ 9h30, nhiều thí sinh tại các hội đồng thi THCS Kim Đồng, THPT Phan Châu Trinh, Tây Sơn… đã rời trường thi. Các TS được hỏi đều nhận định đề toán năm nay không khó.
Cần Thơ: Không có cán bộ coi thi và TS vi phạm
TS xem lại bài sau môn thi đầu tiên ngày 2-6. Ảnh: N.A
|
Sau ba ngày thi, thành phố Cần Thơ đã kết thúc kỳ thi an toàn, đúng qui chế. Trong ngày thi cuối, môn thi ngoại ngữ được nhiều TS đánh giá khá vừa sức và nằm trong chương trình lớp 12. TS Phan Lê Tuyết Hồng (HĐT chuyên Lý Tự Trọng), cho biết: “Đa số là những câu thuộc dạng thầy cô đã ôn tập nên em làm bài được, có thể đạt từ 6 tới 7 điểm”… Riêng môn toán, sau khi kết thúc giờ thi, đa số TS đều ra về với gương mặt hớn hở. Theo các em: Đề toán dễ, học lực trung bình là làm được. TS Bành Ngọc Phong (HĐT THPT Phan Ngọc Hiển), phấn khởi: “Đề dễ hơn thi học kỳ nhiều. Hầu hết là dạng bài tập thầy đã dạy kỹ cho chúng em. Chỉ có vài câu hơi khó như câu 3, em không làm được”. Tại HĐT THPT Châu Văn Liêm và HĐT chuyên Lý Tự Trọng, hầu hết TS của hai HĐT này chỉ trong vòng một giờ sau khi phát đề, các em đã hoàn thành bài thi. Theo các thầy cô giáo dạy toán, đề dễ hơn kỳ thi tốt nghiệp năm 2010. ThS. Nguyễn Hữu Nghĩa (giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng), nhận xét: “Với đề thi toán, HS học lực trung bình nhưng học chăm chỉ cũng dễ đạt điểm 5 hoặc 6. Tuy nhiên kiếm điểm 10 không dễ. Tôi cho rằng đây là dạng đề hay, giúp giáo viên xác định trọng tâm khi ôn tập cho học sinh”.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo, suốt kỳ thi, không có cán bộ và TS vi phạm qui chế. Không có trường hợp đau ốm hoặc tai nạn giao thông. Tại HĐT THPT Thốt Nốt, em Lâm Hòa Lập, HS xuất sắc của Trường THPT Thốt Nốt, gần một tuần trước ngày thi bị viêm ruột thừa cấp phải nhập viện cấp cứu và giải phẫu. Những ngày thi, cha của Lập hàng ngày đưa đón con đi thi. Kết thúc môn thi cuối, Lập rạng rỡ khoe: “Cả sáu môn, em đều làm bài khá tốt. Riêng môn sinh, lý và toán, sau khi tham khảo đáp án, em ước đạt từ 9 đến 10 điểm”… Trong ngày thi đầu tiên, HĐT THPT Thới Lai và HĐT THCS Thị trấn Cờ Đỏ bị cúp điện vào thời điểm cuối môn thi đầu tiên nhưng ngành điện đã nhanh chóng khắc phục.
Kết thúc kỳ thi, hệ phổ thông có sáu TS bỏ thi. Hệ bổ túc: 33 TS. Tại một số HĐT có nhiều TS bỏ quên thẻ dự thi và chứng minh nhân dân, nhưng Chủ tịch HĐT đã mời đại diện của trường mà TS đó học, làm thủ tục xác nhận, tạo điều kiện dự thi và không để các em bị ảnh hưởng tâm lý khi làm bài.
Nhóm PV
Bình luận (0)