Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Để tiết chủ nhiệm không là giờ… hành hạ: Bài 1: Khi học sinh ngán giờ chủ nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết sinh hoạt chủ nhiệm với nhiều trò chơi bổ ích tại Trường THPT Trần Khai Nguyên. Ảnh: T.V

Trong ký ức của mỗi người về thời học sinh (HS) thì những giờ sinh hoạt chủ nhiệm luôn nằm trong một góc nào đó với những kỷ niệm khó phai. Sau một tuần học hành căng thẳng đó được cho là giây phút để tập thể ngồi lại bên nhau, chia sẻ với nhau và với giáo viên chủ nhiệm về những thành tích và hạn chế trong tuần…
Giờ sinh hoạt chủ nhiệm như là một cái nôi giúp HS cảm nhận mình như đang sống trong một gia đình, với sự giáo dục mang tính tập thể được hỗ trợ bởi nguồn lực lớn lao đó chính là tình yêu thương. Nhưng không phải bất kỳ ai đã trải qua thời HS cũng như không phải bất cứ HS nào hiện nay cũng được thừa hưởng một cảm giác “yên bình” và mang đầy ý nghĩa ấy của giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Các em HS hiện nay dùng từ “giờ khủng bố”, “giờ tra tấn”, “giờ xử án”, “giờ của sổ đầu bài”… để miêu tả về giờ sinh hoạt mà các em chỉ trải qua mỗi tuần một tiết.
Những bi hài trong giờ chủ nhiệm
Cuối tuần là giờ sinh hoạt chủ nhiệm, cận Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Cả lớp 8A3 quyết định tổ chức một tiết mục văn nghệ bất ngờ khi thầy chủ nhiệm vừa bước vào cửa. Cả lớp nao nức, ngồi im re, ngoan hơn mọi ngày một cách khác thường. Thấy thầy chủ nhiệm đi từ xa cả lớp sẵn sàng trong tư thế chào đón và trình diễn. Nhưng vừa bước vào lớp thầy quát thật to, đặt cặp cái rầm trên bàn: “Cả lớp đứng dậy hết cho tôi. Em An, Hùng, Nhi lên đây tôi biểu. Cái lớp gì đâu, học thì đã yếu, quậy thì không nói rồi, nay còn dám bỏ tiết trốn vào nhà vệ sinh. Cả tuần nay các giáo viên gặp tôi là mắng vốn…”. Theo không khí mọi khi, các em sẽ có ý kiến phản bác lại, ban cán sự lớp sẽ đại diện giải trình một số chi tiết không chính xác khi thông tin được kể từ thầy giám thị hay thầy cô bộ môn đến thầy… Nhưng hôm nay, cả lớp ngồi yên với niềm thất vọng miên man. Thầy dành trọn cả tiết kể lể lại tội tình của lớp. Ba bạn được gọi tên mọi khi cũng hay đưa lý lẽ nhưng hôm nay các em lặng lẽ nhận thư mời phụ huynh với đôi mắt buồn rười rượi. Và cả lớp đều hiểu rằng nỗi buồn ấy không phải xuất phát từ lá thư mời phụ huynh.
Những lớp học tinh nghịch luôn căng thẳng và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) luôn nghiêm khắc với HS là điều bình thường. Nhưng với một lớp học ngoan, lớp chuyên thì giờ chủ nhiệm đôi khi còn kinh khủng hơn. Sự kinh khủng ấy không xuất phát từ những lời trách mắng, hình phạt mà xuất phát từ những áp lực tinh thần qua những yêu cầu, sự so sánh của GVCN. Đó là lý do tại sao lớp chuyên Anh của một trường tại quận 6 cả cô và trò khóc như mưa, không khí trầm lắng suốt cả năm khi lớp đứng nhì sau một lớp thường trong một cuộc thi truyền thống hàng năm của trường. Các em học tốt, hạng thi đua dẫn đầu tuần thì ít khi được khen bởi theo một lối suy nghĩ hiển nhiên: các em là lớp chuyên dẫn đầu là chuyện bình thường. Nhưng chỉ cần sụt hạng thi đua hay thất bại trong một phong trào nào đó thì suốt buổi sinh hoạt chủ nhiệm các em sẽ được lời nhắc nhở trường kỳ “ta là lớp chuyên…” kèm theo sau đó là hàng loạt cách thức, biện pháp để trụ hạng thi đua và lời hứa danh dự của tập thể đối với GVCN.
Làm công tác chủ nhiệm chịu nhiều vất vả và áp lực, yêu cầu về mặt thi đua và thành tích khiến cho giáo viên luôn đặt mình trong trạng thái “dây cung”… Và có không ít GVCN gán hình ảnh lớp chủ nhiệm là bảng danh dự cho bản thân mình. Không hiếm trường hợp giáo viên bày tỏ thẳng thừng với HS mà mình chủ nhiệm khi các em vi phạm điều gì đó: “Tôi thật xấu hổ khi chủ nhiệm lớp anh chị…”.
Thầy cô ơi! Em muốn…
Theo những kinh nghiệm được tích lũy qua những giờ chủ nhiệm, trong tâm trí các em hình thành một lối tư duy về giờ sinh hoạt chủ nhiệm, đó là những giờ hành hạ. Các em “bị hành hạ” bởi quá nhiều lời nhắc nhở, trách mắng, hình phạt; “bị hành hạ” bởi quá nhiều yêu cầu về mặt thi đua, thành tích; “bị hành hạ” bởi lời nhận xét như thế này, như thế kia của các thầy cô bộ môn được GVCN kể lại; “bị hành hạ” bởi sự so sánh giữa thành viên này với thành viên khác trong lớp, giữa lớp mình với lớp bạn… Nhiều GVCN tận dụng thêm giờ chuyên môn để làm công tác chủ nhiệm gây ra cho các em tâm lý nặng nề trong giờ học, thiếu tập trung trong các giờ học sau đó. Khi hỏi em mong muốn điều gì trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm, một HS lớp 10 hồn nhiên tâm sự: “Em chỉ mong cô giáo đừng ngồi suốt trên bàn giáo viên trong giờ chủ nhiệm, cô chỉ cần đi xuống hỏi thăm nhẹ nhàng một vài câu, cho lớp hát một hai bài tập thể là tự nhiên tuần đó lớp em ngập tràn năng lượng hơn…”. Một HS khác chia sẻ: “Nhìn thấy lớp đối diện được chơi các trò chơi tập thể, thầy chủ nhiệm hát cho nghe… dù thành tích lớp đó thua lớp em rất nhiều nhưng không khí lúc nào cũng vui tươi và ấm cúng cả…”. Một em nam sinh nói ngập ngừng trong sự trầm tư: “Thầy lắng nghe nhiều hơn và tụi em sẽ nói nhiều hơn… không còn những lời la mắng, răn đe hay quá nhiều hình phạt từ lỗi lầm nhỏ đến lỗi lầm lớn…”. Có thể dễ dàng nhận thấy một trong những nguyên nhân khiến HS luôn ngán giờ sinh hoạt chủ nhiệm là các em ít được cùng nhau tổ chức, tham gia các hoạt động mang tính thư giãn sau một tuần học tập căng thẳng. Nội dung sinh hoạt khô cứng, lặp đi lặp lại, không thực sự gắn với nhu cầu của HS. Hình thức tổ chức giờ sinh hoạt lớp đơn điệu, nhàm chán, không hứng thú với HS. GVCN thường trong trạng thái căng thẳng, nghiêm khắc xử lý những vi phạm hơn là lắng nghe và chia sẻ.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn
Lòng yêu thương, sự quan tâm kèm theo chỉ tiêu được giao khiến GVCN luôn đem đến cho HS quá nhiều sự đòi hỏi, yêu cầu mà biện pháp giáo dục thì chưa kịp đổi mới, thích nghi phù hợp với sự năng động và những thay đổi tâm lý của thế hệ trẻ hiện nay. Dẫn đến giờ sinh hoạt chủ nhiệm thường rơi vào trạng thái căng thẳng.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)