Nhiều giáo viên cho rằng tính phân loại trong đề toán thi tốt nghiệp THPT năm 2024 rất tốt, do vậy sẽ không có nhiều điểm 10.
Thầy Bảo Sơn – giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho hay, đề thi môn toán vẫn giữ ổn định về mặt cấu trúc so với các năm trước, đáp ứng tốt cho cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
38 câu đầu đều ở mức độ từ nhận biết đến thông hiểu dùng cho mục tiêu xét tốt nghiệp, từ câu 39 trở đi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân loại học sinh cho mục tiêu xét tuyển đại học.
“Các câu ở mức độ vận dụng cao mới lạ so với đề minh họa và đề các năm trước nên đòi hỏi các em phải nắm thật chắc kiến thức, ôn luyện nhiều và vận dụng linh hoạt mới làm được. Vì thế, phổ điểm năm nay sẽ rơi vào 6-7 điểm. Số lượng thí sinh đạt được điểm 9-10 sẽ giảm”- thầy Bảo Sơn đánh giá.
Nhìn nhận về đề thi toán tốt nghiệp THPT cuối cùng của chương trình 2006, thầy Thái Doãn Hùng – giáo viên toán, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) phân tích, đề thi toán bao gồm nhiều dạng bài tập từ cơ bản đến nâng cao, phủ khắp các chủ đề toán học từ cấp số cộng, đạo hàm, tích phân, hình học không gian, số phức, lũy thừa, logarit và các bài toán liên quan đến vật lý ứng dụng (chuyển động của ô tô). Mỗi dạng bài tập đều có các câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản và các câu hỏi yêu cầu khả năng tư duy, tính toán nâng cao.
Đề thi có sự phân hóa rõ rệt về mức độ khó dễ của các câu hỏi. Các câu hỏi từ câu 1 đến câu 38 thường nằm ở mức độ cơ bản và trung bình-khá, phù hợp cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản. Từ câu 39 trở đi, đề thi bắt đầu xuất hiện các bài toán khó hơn, đòi hỏi khả năng phân tích, tư duy và vận dụng kiến thức đã học một cách sáng tạo. Đặc biệt, một số câu hỏi yêu cầu học sinh phải có kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, như câu 44, 46, và 50.
Một số câu hỏi trong đề thi có liên quan đến các tình huống thực tiễn, ví dụ như câu 29 về quãng đường ô tô đi được sau khi đạp phanh. Điều này giúp học sinh không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn biết cách áp dụng vào các tình huống thực tế. Các câu hỏi về hình học không gian như câu 20, 31, 32, 44 yêu cầu học sinh phải có khả năng tưởng tượng, phân tích và giải quyết vấn đề trong không gian ba chiều.
“Đề thi bao gồm 50 câu hỏi trải đều trên 5 trang, học sinh có 90 phút để hoàn thành, trung bình mỗi câu khoảng 1,8 phút. Với lượng thời gian này, học sinh cần phải có kỹ năng quản lý thời gian tốt, làm bài nhanh và chính xác để có thể hoàn thành hết các câu hỏi trong thời gian quy định” – thầy Hùng nói.
Đồng thời đánh giá thêm: Đề thi được thiết kế nhằm kiểm tra toàn diện kiến thức toán học của học sinh, từ những kiến thức cơ bản đến các kỹ năng phân tích, tư duy logic và khả năng áp dụng vào thực tế. Độ khó của đề thi được phân hóa rõ ràng, phù hợp để đánh giá năng lực của học sinh ở các mức độ khác nhau. Đề thi không chỉ yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn phải biết cách áp dụng vào các bài toán thực tiễn.
Yến Hoa
Bình luận (0)