Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề Toán tốt nghiệp THPT năm 2020: Bám sát đề minh họa lần 2, dự báo sẽ nhiều điểm 10

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 9-8, thí sinh kết thúc môn Toán- môn thi thứ 2 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, sau thời gian làm bài 90 phút. Môn Toán được thi theo hình thức trắc nghiệm, gồm 24 mã đề với các câu hỏi được xáo trộn từ 4 đề thi gốc. Mỗi mã đề gồm 50 câu hỏi.


Nhiều thí sinh bày tỏ niềm vui khi đề toán vừa sức

Theo đánh giá của thí sinh, đề thi năm nay tương đối dễ thở hơn so với năm trước. Tại hội đồng thi Colette, Nguyễn Đình Thiên Ân (Trường THPT Lê Quý Đôn,  Q.3) cho hay, bạn hoàn thành 40 câu đầu tiên rất nhanh. 10 câu còn lại đòi hỏi nhiều thời gian hơn để tính toán. “Đề thi vừa sức với học sinh, đề cập đến những kiến thức cơ bản trong chương trình học. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh cũng như mục tiêu chính là xét tốt nghiệp thì hoàn toàn phù hợp”.

Đề đảm bảo 2 mục tiêu

Từ phía giáo viên, thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) phân tích, đề thi Toán được chia theo 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề thi có cấu trúc tương tự đề minh họa lần 2 của Bộ GD-ĐT, so với đề năm 2019 thì dễ hơn, nội dung trong chương trình giảm tải, đa số trong chương trình lớp 12. Trong 50 câu, có 45 câu trong chương trình lớp 12, 5 câu lớp 11. Trong đó 35 câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu (chiếm 70%), học sinh sẽ không quá mất nhiều thời gian để hoàn thành phần này; 10 câu tiếp theo ở mức độ vận dụng thấp (chiếm 20%) và 5 câu vận dụng cao (chiếm 10%). Với cấu trúc này, đề có tính phân hóa khá tốt khi phân loại được học sinh trung bình, khá, giỏi, xuất sắc, đảm bảo được mục tiêu của kỳ thi là ngoài xét tốt nghiệp còn dùng để tuyển sinh ĐH.

“Tôi cho rằng đề thi năm nay khá hay, đáp ứng được yêu cầu 2 trong 1 trong tình thế của một năm học có nhiều khó khăn, học sinh phải nghỉ học nhiều trong HKII do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, thầy Khương bày tỏ.

Cấu trúc hoàn toàn quen thuộc

Thầy Lâm Vũ Công Chính (giáo viên Toán, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) nhận định, đề thi không quá sáng tạo, an toàn, phù hợp với mục tiêu chính đưa ra của kỳ thi là xét tốt nghiệp. Mức độ kiến thức trong đề quen thuộc, không đánh đố, bám sát đề thi minh họa lần 2 của Bộ GD-ĐT. Trong 45 phút đầu tiên nhiều thí sinh có thể đã hoàn thành 2/3 câu hỏi trong đề. 10 câu hỏi còn lại từ câu 40 đến câu 50 là các câu mang tính phân loại thí sinh, trong đó từ 40-45 là phân loại, 45-50 là phân loại cao. Đề thi cũng chỉ đề cập đến duy nhất 1 câu mang tính thực tế là vấn đề trồng rừng. Câu thực tế này tuy không nhiều nhưng vẫn mang giá trị nhất định liên quan đến bảo vệ môi trường, nhắc nhở thí sinh giữ gìn mảng xanh

“Kiến thức HKI, HKII lớp 12 rải đều trong đề thi. Kiến thức lớp 11 cũng có vài câu, trong đó có 1 câu mang tính vận dụng. Với mức độ kiến thức này, phổ điểm năm nay sẽ rơi từ 6,5 đến 7 điểm. Điểm 10 cũng sẽ không hiếm”.

Mặc dù vậy, thầy Chính cũng nhấn mạnh, tính phân hóa của đề vẫn có sự rõ nét. Ngay ở 30 câu đầu tiên làm nhanh nhưng để “ghi điểm” thì thí sinh phải nắm chắc được kiến thức nền, kiến thức cơ bản. 30 câu đó cũng có những câu học sinh cũng phải suy nghĩ. “Cùng với 10 câu vận dụng, vận dụng cao thì đề thi vừa đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, vừa đảm bảo tiêu chí phân loại thí sinh để xét vào các trường ĐH, CĐ”.


Thí sinh rời phòng thi môn Toán khi trời đang mưa

Tương tự, thầy Lê Thái Dương (GV Toán Trường THCS-THPT Trí Đức, TP.HCM) đánh giá, đề thi Toán năm nay khá “dễ thở” cho thí sinh. Ma trận kiến thức trong đề thi bám sát theo đề minh họa lần 2 của Bộ GD-ĐT nên khá quen thuộc với thí sinh. Do vậy, thí sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản, thường xuyên làm các dạng đề theo đề minh họa ở trên lớp là đã có thể đạt điểm trên trung bình với đề thi này.

Cụ thể, theo thầy Dương, phần nhận biết và thông hiểu trong đề thi chiếm 38 câu với các dạng toán hoàn toàn nằm trong đề minh họa, rất quen thuộc, thí sinh dễ dàng đạt điểm.

Phần vận dụng và vận dụng cao ở số các câu hỏi còn lại nhưng cũng là các dạng toán quen thuộc, không đánh đố thí sinh. Kiến thức lớp 11 cũng được đề cập đến 2 câu về xác suất, hình học không gian. Với kiến thức lớp 11 này, thí sinh chỉ cần ôn, làm bài tập nhiều là làm được. Các câu mang tính vận dụng cao thực sự chỉ chiếm khoảng 3-5 câu, đề cập đến kiến thức về thể tích, hàm mũ và hàm logarit lớp 12, đòi hỏi thí sinh có sự tư duy khi làm. “Nhìn chung, đề thi khá nhẹ nhàng, quen thuộc, bám rất sát đề minh họa lần 2. Phổ điểm dao động khoảng 7 điểm, điểm 10 khả năng sẽ nhiều. Song, cũng như đề minh họa lần 2, dù khá đơn giản nhưng tính phân loại thí sinh của đề sẽ vẫn đảm bảo bởi đòi hỏi sự tư duy cao của học sinh ở những câu vận dụng, vận dụng cao”, thầy Dương khẳng định.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)