Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Để… “trăm trận trăm thắng”

Tạp Chí Giáo Dục

Cổ nhân từng cho rằng: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Viết văn không phải đánh trận. Nhưng nếu biết những điểm yếu của mình là gì để khắc phục, nắm được những yêu cầu gì của đáp án chấm, và mong muốn gì của giám khảo… sẽ giúp thí sinh có một chiến thuật làm bài đạt hiệu quả.

Thí sinh xem lại kiến thức sau buổi thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: D.Bình

Khảo sát bài làm của thí sinh nhiều kỳ thi, chúng tôi thấy các em còn mắc nhiều lỗi bài làm từ chủ quan và khách quan sau đây:

Lỗi vì thiếu phân tích đề ở câu đọc hiểu

Từ năm 2017, đề thi THPT quốc gia môn văn có sự thay đổi cơ bản về câu hỏi đọc hiểu văn bản. Và dĩ nhiên yêu cầu đáp án chấm cũng khác. Chẳng hạn, với 8 câu hỏi cho 2 văn bản như trước đây, thì đề dễ có nhiều câu hỏi ở mức nhận biết đơn giản cho hầu hết thí sinh làm được, và các câu hỏi này có thể chỉ có một vế (một ý trả lời), với thang điểm nhỏ nhất 0,25. Nhưng khi thang điểm vẫn giữ nguyên mà giảm xuống 4 câu hỏi thì ở các câu hỏi này sẽ có yêu cầu cao hơn, và đặc biệt là có nhiều vế, đòi hỏi nhiều ý trả lời hơn. Nếu thí sinh chỉ trả lời qua quýt hoặc theo cách chung chung, mà không biết phân tích thành các ý nhỏ để trả lời cho rõ ràng thì sẽ dễ mất điểm.

Quan sát đề thi minh họa và đề thử nghiệm năm trước, chúng tôi thấy đã giảm đi nhiều câu hỏi ở mức nhận biết đơn giản. Mà thay vào đó là nhiều câu hỏi khó hơn ở mức thông hiểu.Trong đó đáng chú ý là những câu hỏi có tính gợi mở (như “hiểu thế nào?”, “vì sao tác giả cho rằng?”, “thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất?”, “điều tâm đắc nhất là gì?”…), đòi hỏi thí sinh phải hiểu đúng văn bản và có cách trả lời hợp lý. Vì vậy, ngoài kiến thức về đọc hiểu văn bản nói chung, thí sinh cần chú ý thêm cách trả lời các câu hỏi mở này. Do đề không giới hạn độ dài, cũng không yêu cầu cụ thể bao nhiêu ý. Cho nên thí sinh dễ rơi vào các lỗi: hoặc là trả lời sơ sài không đáp ứng được yêu cầu; hoặc là lan man dài dòng, mất thời gian không cần thiết; hoặc là không phân biệt được phải trả lời theo gạch đầu dòng cho cụ thể, rõ ràng; hay viết thành đoạn văn ngắn theo các thao tác triển khai hợp lý như thế nào?…

Lỗi về kỹ năng ở phần làm văn

Thứ nhất, do vội vã nên thí sinh thường bỏ qua khâu phân tích đề thi. Để khắc phục, các em cần chú ý đến những điểm sau: đề có bao nhiêu yêu cầu, bao nhiêu vế; sự liên quan giữa các câu hỏi và các vế; đề có phần lựa chọn để trả lời hay bắt buộc; đề yêu cầu đóng về kiến thức hay theo hướng mở; yêu cầu liên hệ, so sánh như thế nào, tác phẩm nào?… Tất cả các câu hỏi trên đều có trong yêu cầu viết đoạn văn (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm) của đề thi.

Thứ hai, xác định sai trọng tâm vấn đề cần nghị luận. Lỗi này chủ yếu rơi vào câu hỏi viết đoạn văn, do hiểu sai văn bản, hiểu sai nội dung vấn đề. Cái khó ở câu hỏi viết đoạn văn là ở chỗ cách ra đề vô cùng phong phú, đa dạng. Từ nội dung của văn bản đọc hiểu, hoặc trích dẫn một vài câu của văn bản, hoặc đưa ra một ý kiến liên quan đến nội dung văn bản… để yêu cầu viết đoạn văn. Cho nên, nếu thí sinh hiểu sai, xác định sai vấn đề thì bài làm sẽ lạc đề.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết thí sinh khi làm bài câu nghị luận văn học (5 điểm) thường không lập dàn ý. Đây là thao tác cần có để dự kiến viết theo hướng nào, xây dựng những luận điểm, luận cứ nào và vừa giúp cho thí sinh dễ dàng thêm, bớt ý trong quá trình làm bài cũng như làm chủ thời gian khi viết. Nhất là khi đề thi minh họa có sự lồng ghép nhiều yêu cầu, tích hợp nhiều kiến thức, cho nên có một dàn ý trước khi viết thì rất tốt. Do không có dàn ý nên bài làm thí sinh dễ bị chắp vá, thiếu hợp lý về bố cục, mất cân xứng giữa các phần.

Không nắm được yêu cầu của đáp án chấm

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 không có sự thay đổi về cấu trúc đề thi như năm 2017 nhưng có tích hợp với lớp 11. Có nghĩa là các yêu cầu của đáp án chấm cũng không thay đổi.

Ở câu đọc hiểu, nếu như các kỳ thi trước đây thang điểm của đáp án chấm khá rộng. Vì thế khi chấm, điểm có thể giao động xuống tùy theo bài làm thí sinh. Vì thế đa phần, dù không trả lời đúng tuyệt đối với đáp án, nhưng thí sinh có thể đạt điểm ở mức dao động xuống này. Thang điểm đáp án mẫu năm nay chi tiết hơn, cụ thể đến 0,25 (mức điểm thấp nhất). Trong đó có nhiều câu hỏi chỉ có một đáp án duy nhất, nếu thí sinh trả lời sai thì không có điểm. Đây là điểm lưu ý để các em phải có sự chuẩn bị kiến thức chắc chắn, khi làm bài phải có sự lựa chọn trả lời dứt khoát.

Đối với phần làm văn, ở các kỳ thi trước đây, mà cụ thể là từ năm 2014 trở về trước, từ hướng dẫn chấm đến đáp án, thang điểm đều được tính theo yêu cầu cắt ngang bài làm của thí sinh. Nghĩa là giám khảo đọc đến đâu, chấm và tính điểm đến đó. Thì cách chấm hiện nay được tính theo hệ thống dọc. Nghĩa là giám khảo phải đọc hết bài làm của thí sinh trước, sau đó chấm theo các yêu cầu cụ thể: cấu trúc bài nghị luận, xác định đúng vấn đề nghị luận, chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp, tính sáng tạo và chính tả, dùng từ, đặt câu. Chẳng hạn, nếu trước kia thí sinh giới thiệu được vấn đề (mở bài) thì được 0,25/0,5 điểm. Thì nay, nếu thí sinh viết thiếu mở hoặc kết bài là không có điểm. Điểm chú ý nữa là nhiều thí sinh thường có thói quen viết bài văn thành 3 đoạn văn (mở – thân – kết). Nhưng theo đáp án, nếu thân bài chỉ có 1 đoạn (hoặc cả bài chỉ có 1 đoạn), thì phần yêu cầu cấu trúc bài nghị luận cũng sẽ không có điểm.

Cũng theo đó, các yêu cầu về tính sáng tạo, về chính tả, dùng từ, đặt câu, trình bày văn bản với đáp án chấm trước kia chỉ đưa vào phần lưu ý chung thêm cho giám khảo khi chấm chứ không phải quy định thành thang điểm cụ thể (1 điểm) như đáp án hiện nay. Sáng tạo thì rất cần thiết vì nó phản ánh đòi hỏi của bản chất môn văn. Nhưng rất ít thí sinh có được điểm ở phần này.Còn về các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, thì đây là điểm yếu rất phổ biến của thí sinh trong các kỳ thi trước.

Mấy mươi năm trước, trong cuốn Luyện văn, khi nói về sự mất trong sáng trong việc sử dụng ngôn ngữ, học giả Nguyễn Hiến Lê từng thở than rằng: “Chao ôi, sự vô tâm của loài người thật bao la như trời biển!”. Nay các em học sinh muốn có bài văn sáng trong nên lưu tâm một chút về thông điệp này.

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)