Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Để trẻ không bị “chấn thương tâm lý”

Tạp Chí Giáo Dục

Một bé trai tự tử vì bị mẹ la mắng may mắn được cứu sống tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: T.H
Thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người lớn khiến trẻ dễ bị “chấn thương” về mặt tâm lý. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành động sai lạc gây nên sự đau đớn cho bản thân các em.
Thương tâm…
Mới đây, dư luận xôn xao về việc bé Trần Thị Kim Ngân (4 tuổi, ngụ Bình Dương) bị chính mẹ ruột hành hạ một cách dã man, gây nên thương tật đầy mình. Dư luận đã dấy lên nhiều bức xúc, phẫn nộ vì sự vô lương tâm của người mẹ. Ngày 12-9,  Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận một bé gái tên H.H.N (13 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) bị bỏng tới 90%. BS. Huỳnh Minh Thu (Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết: “Theo hồ sơ bệnh án, bé N. bị cha mẹ la mắng do sau giờ học bé đi chơi game.  Sau đó, bé đi mua xăng rồi tưới lên người đốt ở vườn sau nhà, khi ngọn lửa bốc cháy thì bé chạy khoảng chừng 20 mét rồi la lên và nhảy vào lu nước gần đó. Mục đích của bé chỉ là hù dọa để cha mẹ sợ, nhưng không ngờ sự việc lại xảy ra như vậy. Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai thì bé được chuyển lên Bệnh viện  Nhi đồng 2. Bé nhập viện trong tình trạng da bị cháy đen chỉ nhìn thấy hai bàn tay và mái tóc. Bé được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 trong vòng 2 ngày thì gia đình xin chuyển bé về do vết bỏng quá nặng và không còn khả năng cứu chữa”.
BS. Thu cho biết thêm: “Bệnh viện thường tiếp nhận rất nhiều ca bệnh thương tâm xuất phát từ sự nông cạn, thiếu hiểu biết của các bé ở độ tuổi 13-15 tuổi”. Cách đây chừng một tháng, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi là N.T.A (13 tuổi, quê Đắk Lắk), bé nhập viện trong tình trạng ho nhiều, đau bụng, nôn ói… Gia đình đưa bé đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu nhưng bệnh viện không tìm ra nguyên nhân. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 và các BS phát hiện bé đã uống một loại thuốc diệt cỏ. Được biết, bố mẹ đi làm xa nên bé ở nhà với anh trai và bị anh rầy la nên đã lấy một chai thuốc diệt cỏ để uống. Bé nhập viện được mấy giờ đồng hồ thì tử vong do đưa đến bệnh viện quá muộn, không được cứu chữa kịp thời”.
Là một người gắn bó với nghề khá lâu, BS. Thu chia sẻ: “Có nhiều ca bệnh rất đau lòng, nhiều bé phải nhập viện do sự thiếu hiểu biết, nhưng cũng có nhiều bé là do sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người lớn”. Bé N.G.B (9 tháng tuổi, huyện Củ Chi) phải nhập viện trong tình trạng bị bỏng toàn thân, ở cổ có vết dao cứa. Do bố mẹ cãi nhau rồi người mẹ lấy dao cứa cổ bé và dùng xăng đốt. Kết quả là bé bị tử vong bởi sự nhẫn tâm, vô trách nhiệm, ích kỉ của người mẹ.
Giáo dục từ phía gia đình
Gia đình là nền tảng góp phần vào sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bố mẹ là tấm gương sáng để con cái noi theo, hơn ai hết là cha mẹ cần phải có tình thương yêu đối với những đứa con. BS. Thu nhấn mạnh: “Sự giáo dục của gia đình là vô cùng quan trọng, tránh để cho các em bị tổn thương nặng nề về tâm lý dẫn đến những hành động dại dột gây nên hậu quả đau lòng. Lứa tuổi 13-15 là cái tuổi “nổi loạn”, lúc này các bé có xu hướng muốn tự khẳng định bản thân. Bởi vậy, những người làm cha, làm mẹ phải gần gũi, chia sẻ với các em để các em được nói lên suy nghĩ của mình, tránh để cho sự uất ức, căm phẫn dồn đến tột độ”. BS cho biết thêm: “Những ca bệnh được chuyển đến viện thì chúng tôi cũng chỉ biết cứu chữa hết khả năng có thể, sự việc cũng xảy ra rồi nên chỉ khắc phục được phần nào hậu quả. Bệnh nhi dùng xăng tự thiêu nhìn bé rất đau đớn, thân thể bị biến dạng và có lẽ không cái đau nào bằng đau bỏng. Là người thầy thuốc cũng chỉ biết làm hết trách nhiệm của mình còn nỗi đau lâu dài nhất vẫn là người thân của các bé”.
Sự việc đau lòng như trên sẽ được giải quyết nếu như những người làm cha, làm mẹ biết quan tâm, lo lắng chia sẻ nhiều hơn với con mình. Tương lai của các bé sẽ chấm dứt và kéo theo đó là nỗi đau, sự day dứt, ân hận muộn màng của người lớn. Còn nếu các em may mắn được cứu chữa khỏi thì “vết thương” tâm hồn cũng rất khó “lành lặn”.
Nghiêm Quế
“Hãy để yêu thương thêm đong đầy bởi lòng sẻ chia. Cha mẹ hãy là chỗ dựa để cho con cái có sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, tránh dệt nên những nỗi đau không đáng có” – BS. Thu khuyến cáo!
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)