Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Để trẻ không “chạy lạc đường”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày còn nhỏ, tôi thường được mẹ giải thích: “Con được sinh ra từ nách”. Nhưng đến khi cậu em trai (thua tôi 6 tuổi) bắt đầu bập bõm nói theo lời giải thích, khi được hỏi: “Đố T. biết con sinh ra từ đâu?” thì tôi đã phì cười và bắt đầu phản ứng lại. Dù cái tuổi lên 7 chưa định hình được vị trí cụ thể, nhưng tôi cũng mơ hồ nhận ra câu trả lời kia không phải là sự thật. Và tôi bắt đầu đi tìm cái sự thật bí ẩn kia, mãi cho đến sau này.
27 tuổi, không ít lần tôi phải cười thành tiếng khi nghe chị hàng xóm nói cậu con trai 6 tuổi: “Mẹ nói với con bao nhiêu lần rồi, rằng con ra đời sau cái hắt xì của mẹ”; hay khi chị họ tôi bảo cô con gái 5 tuổi rưỡi: “Chim đại bàng mang con tới”… Thế đấy, dù hiện đại đến đâu thì các ông bố, bà mẹ vẫn lúng túng đi tìm câu trả lời về sự hình thành và ra đời của một đứa trẻ. Họ nói quanh co, lòng vòng mà quên mất rằng khi nhận thức còn non nớt, trẻ có thể tạm hài lòng, chấp nhận những đáp án vui vui của bố mẹ. Nhưng khi trẻ dần lớn hơn sẽ phát hiện ra rằng câu trả lời bấy lâu nay của bố mẹ hoàn toàn khác lạ với thực tế những gì mình đã biết. Từ đó trẻ sẽ bắt đầu nghi ngại về chính bố mẹ mình. Càng nghi ngại, tò mò, trẻ càng có nhu cầu được hiểu tường tận mọi vấn đề, dù là nhỏ nhất. Nhưng rồi, cái sự chờ đợi ấy lại bị khất lần, rơi vào vòng luẩn quẩn.
Trong khi người Việt Nam còn loay hoay đi tìm lời giải thích thì đại đa số gia đình ở các quốc gia khác đã chủ động cho con “ngâm cứu” những tiến trình rất “thật” bằng câu chuyện của chú tinh trùng Willy qua cuốn sách Where Willy went của Nicholas Allan. Sách có nội dung từ những kiến thức thực tế được dàn dựng dưới một câu chuyện minh họa đầy sáng tạo và dí dỏm. Trong đó, chú tinh trùng Willy được mô tả với hình dáng ngộ nghĩnh, học toán không khá nhưng rất giỏi bơi và sống cùng 300 “bạn” tinh trùng khác trong cơ thể ông Brown. Cuộc “hành quân” được thiết kế dưới dạng một cuộc thi bơi và phần thưởng chính là quả trứng trong cơ thể bà Brown. Willy bơi rất giỏi nên cậu là người chiến thắng. Cơ thể bà Brown cứ thế lớn lên mỗi ngày cho đến khi sinh ra một em bé… Điều đáng nói là cuốn sách tuy dành cho trẻ từ 5-17 tuổi nhưng rất nhiều người trưởng thành tìm đọc và thấy thú vị.
Câu chuyện về chú tinh trùng Willy chỉ là một trong số rất nhiều tư liệu mà những cặp vợ chồng nước ngoài chia sẻ cho con cái về giới tính, trong khi hàng ngàn cặp vợ chồng tại Việt Nam vẫn từ chối và hạn chế con cái tìm hiểu vấn đề này chỉ vì sợ rơi vào cảnh “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng, có lẽ đã đến lúc các ông bố, bà mẹ cần phải xem lại suy nghĩ này để tránh đẩy con mình đi xa và tìm hiểu những kiến thức lệch lạc, để trẻ không phải “chạy lạc đường”.
Linh Vy

Bình luận (0)