BS khám và tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ với các bậc phụ huynh (Ảnh chụp ngày 11-11-2014 tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM)
|
Biếng ăn là một thực trạng khá phổ biến ở trẻ em khiến cho các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng thậm chí dẫn đến stress. BS.CKII Nguyễn Thị Thu Hậu (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết: “Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và muốn cải thiện nó cần phải tìm nguyên nhân cụ thể ở từng bé cụ thể”.
Stress vì nuôi con
“Sao em nuôi con khéo thế? Nuôi con mát tay vậy nên con em cứ lớn nhanh như thổi còn bé nhà chị chẳng hiểu sao không chịu ăn, biếng ăn nuôi mãi mà cũng không tăng cân…”. Đó là nhiều câu hỏi khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn khi thấy con mình “chậm lớn” hơn so với những đứa trẻ khác. Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: “Bé Bo 12 tháng mà nặng 8kg, cao 70cm. Ngày bé ăn 3 bữa chính đều là cháo nhưng mỗi bữa ăn một loại cháo khác nhau, có khi là cháo thịt, cá, tôm… Tuy nhiên, mỗi bữa chỉ ăn được mấy muỗng mà phải bế rong khắp nơi thì mới chịu ăn”. Biếng ăn là vấn đề muôn thuở khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh khổ sở mỗi khi cho trẻ ăn. Một bữa ăn có khi kéo dài cả giờ đồng hồ mà cũng không xong khi mà mẹ cho ăn, bố hát làm trò thậm chí có cả sự giúp sức ti vi hay bế rong khắp nơi. Kết quả là trẻ trở nên không tập trung vào bữa ăn, mỗi khi ăn thì quấy khóc làm cho trẻ không theo một khuôn khổ nào. Vì vậy không phải cha mẹ nào cũng biết chăm con đúng cách để đạt được mục đích. BS. Thu Hậu cho biết: “Trẻ biếng ăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau ở từng nhóm tuổi. Đối với nhóm tuổi 6-24 tháng thì biếng ăn chủ yếu do bệnh tật, nhóm từ 3-6 tuổi trẻ ít bị bệnh hơn thì nguyên nhân do ham chơi, nhóm trên 6 tuổi có khi bị áp lực từ học hành… Để giải quyết vấn đề cần phải tìm hiểu nguyên nhân ở từng đứa trẻ”. Theo BS. Thu Hậu: “Đối với nhóm trẻ từ 6-24 tháng tuổi thì nguyên nhân từ bệnh tật sẽ hay gặp hơn so với các nhóm tuổi khác. Đôi khi trẻ mọc răng, sốt, ốm, mệt mỏi kéo dài khiến trẻ biếng ăn. Trẻ có thể bị biếng ăn do bị xáo trộn về mặt tâm lí nhất là trong xã hội hiện nay khi cha mẹ thường giao con cho người giúp việc, đến khi người giúp việc nghỉ bé sẽ không chịu ăn trong một thời gian do đã quen với người đó. Yếu tố tâm lí còn xuất phát từ việc cha mẹ ép ăn quá mức so với khả năng và nhu cầu của trẻ. Chăm sóc không đúng cách, không phù hợp với lứa tuổi cũng gây ra biếng ăn. Khi bé đã đến tuổi ăn dặm, có nhu cầu muốn thưởng thức các vị ngon của đồ ăn mà cha mẹ vẫn cho ăn đồ ăn xay kéo dài gây ngán thức ăn, rồi đến khi chuyển sang thức ăn lợn cợn đột ngột thì bé sẽ bị ói làm cho bé sợ đồ ăn, dẫn đến không muốn ăn. Chế biến khẩu phần ăn không phù hợp cũng thường thấy là mẹ cho quá nhiều thịt, cá vào một chén cháo trong khi mỗi chén chỉ cần 1 muỗng canh đầy thức ăn giàu đạm. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ bị ngán, khó tiêu, lười ăn…”.
Biện pháp khắc phục
Khi biếng ăn ở tình trạng trầm trọng, ảnh hưởng đến vấn đề tăng trưởng của trẻ thì đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân, tránh tình trạng suy dinh dưỡng không hồi phục ở trẻ nhỏ. BS. Thu Hậu chia sẻ: “Cần đưa trẻ đi khám bệnh để được BS tư vấn xem thực sự có phải trẻ biếng ăn dẫn đến tăng trưởng chậm hay không? Tình trạng dinh dưỡng ở mức nào, suy dinh dưỡng hay không suy dinh dưỡng. Trẻ có bị thiếu chất dinh dưỡng hay không để bổ sung các chất cần thiết, phù hợp. Khám để biết trẻ có mắc các bệnh lí để đưa ra biện pháp điều trị tương xứng”.
Chính vì vậy, để trẻ phát triển khỏe mạnh, đảm bảo đủ dinh dưỡng cha mẹ cũng nên cho trẻ có một khẩu phần ăn hợp lí, tránh ép trẻ ăn quá sức, nên ăn đủ lượng thức ăn so với dạ dày của trẻ, kết hợp đa dạng các loại thức ăn. Đồng thời tạo cho trẻ một thói quen khi ăn uống là ăn đúng bữa, ăn cùng bàn ăn với gia đình…
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO: Tiêu chuẩn trung bình về cân nặng ở bé trai từ 6 đến 24 tháng là 7,9 đến 12,2kg, ở bé gái là 7,3 đến 11,3kg. Ở bé trai chuẩn trung bình về chiều cao là 67,1 đến 87,8cm và ở bé gái là 65,7 đến 86,4cm. |
Bình luận (0)