Chuyển con đến một trường học mới hay cho con đến các khóa học mới khác nhau sẽ khiến không ít trẻ bị “hẫng” trong một khoảng thời gian. Việc trẻ nhanh chóng xây dựng mối quan hệ với các bạn mới nhanh hay chậm tùy thuộc vào việc cha mẹ đã dạy chúng những kỹ năng cụ thể ra sao.
Chị Hòa (Bình Thạnh, TP.HCM) rất băn khoăn về đứa con trai 9 tuổi kể từ ngày gia đình anh chị chuyển con sang trường mới. Chị Hòa tâm sự: “Vì công việc làm ăn, cả gia đình tôi phải chuyển từ Biên Hòa – Đồng Nai lên TP.HCM vì thế con trai Thế Phong cũng phải chuyển trường cho gần cha mẹ. Chuyển trường từ đầu năm học, thế mà đến giờ, Thế Phong chẳng biết chơi với ai, giờ ra chơi là cu cậu cứ co ro thu mình xem các bạn cùng lớp chơi đùa. Lớp học có tổ chức ngoại khóa, cu cậu cứ nài nỉ xin mẹ cho ở nhà vì ngại những bạn mới. Học thêm ở lớp Anh văn, Thế Phong chỉ biết trả lời khi cô giáo hỏi, ngoài ra chẳng biết trao đổi thêm với bạn bè. Vì khả năng thích ứng kém nên Thế Phong học tập cũng không mấy tiến bộ, gia đình tôi rất buồn nhưng chưa biết dạy con thế nào cho phù hợp”.
Để trẻ thích ứng nhanh trong môi trường người lớn cần chú ý một số vấn đề sau:
Cần thấu hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ: Từ 6 tuổi trở lên, khi mà trẻ đã thiết lập quan hệ với những bạn bè mà trẻ đã quen trước đó, sẽ khiến trẻ gia nhập vào môi trường mới là khá khó khăn. Bởi một số thói quen trẻ thành lối sống, cách sinh hoạt của trẻ trong gia đình, hoặc một số thói quen mà trẻ coi đó là hoạt động quan trọng trong các nhóm bạn cũ. Hơn nữa, trẻ trên 6 tuổi từ sự nhận thức cũng như hoạt động chủ đạo học tập có vị trí quan trọng trong đời sống của trẻ. Nếu việc chuyển từ môi trường học tập này sang môi trường học tập khác hơn (về cả chất lượng, tính chất quan hệ học tập, quan hệ giao lưu, kết bạn…) cũng đều ảnh hưởng đến khả năng thính ứng cũng như hình thành thói quen mới.
Chia sẻ và thông cảm với con: Nếu con bạn không biết cách chia sẻ cảm xúc của bé, cha mẹ có thể giúp bé nhận biết cảm xúc của bé như thế nào. “Có lẽ con cảm thấy cô đơn và nhớ nhóm bạn cũ, nhớ về nơi mà trước đây mình gắn bó”. Hay “Mẹ thấy con đang lo lắng và e ngại khi gia nhập trò chơi cùng các bạn trong xóm”. “Thật là khó khăn khi tham gia một nhóm mà con chưa biết một bạn nào trước đó – đó là những cảm xúc rất bình thường, ai cũng phải trải qua trong quá trình tham gia các mối quan hệ xã hội”.
Tìm những câu lạc bộ hợp với sở thích của trẻ cho chúng tham gia: Nếu con bạn có sở thích là học tiếng Anh, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ tham gia câu lạc bộ học tập giao lưu về tiếng Anh, còn trẻ thích võ thuật thì theo lớp học võ… Điều quan trọng là môn thể thao đó phù hợp với sức khỏe và sở thích của con bạn. Đây là cách giúp bé tự tin hơn, từ những kỹ năng trong môn học đó bé có thể chủ động tự thiết lập các mối quan hệ bạn bè cùng sở thích. Vì trong thực tế, các bé có chung sở thích thường muốn chơi chung với nhau.
Lê Phạm
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)