Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Để trẻ tự tin vào lớp 1

Tạp Chí Giáo Dục

Cho trẻ làm quen với trường mới, bạn mới cũng như hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự chăm sóc bản thân trước khi vào lớp 1 là những việc phụ huynh phải chủ động thực hiện. Giá trị này hết sức cần thiết để giúp trẻ tự tin khi đến trường.

Tập từ những hoạt động đơn giản

Gần đây chị Trần Mai Loan (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hay dẫn con đến Trường Tiểu học Thanh Đa (trường con chị sắp vào lớp 1 – PV) vui chơi. Bé Na – con gái chị Loan – tỏ ra vui vẻ, thích thú khi được mẹ dắt dạo quanh sân trường, tham quan phòng học, chơi với bạn mới…

Chị Loan cho biết bé Na nhút nhát lắm, đến chỗ đông người là khóc, bám riết lấy ba mẹ. Những ngày đầu đi học mầm non, chị phát khổ cả tuần để dỗ dành con. “Rút kinh nghiệm năm nay cháu vào lớp 1, tôi cho cháu đến trường làm quen với môi trường mới để cháu nhận biết rằng sắp tới mình sẽ học ở ngôi trường này cùng bạn bè, thầy cô mới. Qua đó giúp cháu không cảm thấy bỡ ngỡ trong những ngày đầu đi học”, chị Loan nói. Không riêng gì chị Loan, một số phụ huynh khác cũng dẫn con đến Trường Tiểu học Thanh Đa vào buổi chiều để tham quan, vui chơi với bạn bè mới. 

Ngược lại, chị Ái Vân (ngụ Q.3) không có thời gian dẫn con đến trường tiểu học vui chơi vì nhà xa trường, nhưng đổi lại, chị tập trung chỉ bảo cậu con trai tên Trí Hoàng cách đánh răng, rửa mặt, lấy khăn lau mặt. Đặc biệt là cách tự đi vệ sinh, thay quần áo, sắp xếp đồ dùng học tập, sách vở theo thứ tự gọn gàng vào cặp xách, cách bỏ dép ngay ngắn khi bước vào phòng… Theo chị Vân, ban đầu con chị bướng bỉnh không hợp tác vì trước nay quen được mẹ giúp. Tuy nhiên, do đây là bước đệm hình thành thói quen, nề nếp sau này đối với trẻ nên dù việc chỉ bảo có chút khó khăn chị Vân vẫn kiên nhẫn hướng dẫn từ từ, nhẹ nhàng. Dần dà Trí Hoàng cũng nghe lời mẹ, hợp tác làm tốt mọi việc. Đặc biệt, chị Vân còn kể cho con nghe nhiều câu chuyện thú vị ở lớp 1 để kích thích sự tò mò, thích thú giúp con háo hức đến lớp hơn.

Phụ huynh đưa con đến Trường Tiểu học Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) để làm quen với môi trường học mới trước khi vào lớp 1

Giảm khó khăn cho giáo viên

Thời điểm những ngày đầu trẻ bước vào lớp 1 luôn là vấn đề được phụ huynh và giáo viên quan tâm, chú ý. Vì ở mầm non, trẻ được sinh hoạt, vui chơi tự do, có giáo viên và bảo mẫu chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ; khi chuyển sang lớp 1 bắt buộc trẻ phải đi vào môi trường nề nếp, quy tắc, phải tự chăm sóc bản thân trong mọi hoạt động. Môi trường này khiến nhiều trẻ không tránh được bỡ ngỡ, lạ lẫm dẫn đến mè nheo, thậm chí không muốn đến trường.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Vân, Khối trưởng Khối 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), tuần đầu tiên của lớp 1, giáo viên luôn dành thời gian hướng dẫn trẻ tham quan các phòng học, phòng chức năng, làm quen bạn bè, hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân… để trẻ quen với môi trường mới. Việc phụ huynh chủ động làm công tác tư tưởng, hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc bản thân trước khi trẻ đến lớp sẽ góp phần rất lớn giúp trẻ tự tin đi học, yêu thích đến trường, hòa nhập cộng đồng tốt mà không bỡ ngỡ, nhút nhát. Theo đó, công việc của giáo viên cũng giảm bớt khó khăn đáng kể.

Mặt khác, phụ huynh nên chia sẻ những tính cách tâm sinh lý, khẩu phần ăn uống, thậm chí những chứng bệnh, những khó khăn mà trẻ vướng phải cho nhà trường và giáo viên biết để giáo dục trẻ được tốt hơn. Nhà trường luôn phát những phiếu thông tin cá nhân học sinh, phụ huynh nên điền đầy đủ, hoặc có thể chia sẻ trực tiếp với giáo viên trong buổi nói chuyện đầu năm.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Đa, cho biết: “Hai năm trở lại đây, tình trạng trẻ mè nheo, không chịu học, không chịu rời xa ba mẹ ở các buổi đầu năm đã giảm đi vì phụ huynh đã có những quan tâm trong công tác tư tưởng, rèn kỹ năng cho con, điều này rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề phụ huynh cần tránh, đó là không nên tự ý hướng dẫn trẻ cách cầm bút, cách tô chữ, tập viết nếu không có kỹ năng sư phạm. Một số phụ huynh hướng dẫn không đúng cách khiến giáo viên phải uốn nắn, chỉnh sửa lại cho trẻ hết sức khó khăn. Cách cầm bút, cách viết chữ nên để giáo viên hướng dẫn thì sẽ hay hơn”.

Ở khía cạnh tâm lý, ThS. Kiều Thanh Hà, Giám đốc Công ty Tâm Lý Trẻ, chia sẻ: “Giai đoạn chuyển tiếp từ mẫu giáo vào lớp 1 khiến trẻ thường lo lắng về môi trường học tập xa lạ, các mối quan hệ xa lạ, thậm chí sợ hãi cả những “hiểm nguy” do chính trẻ tưởng tượng ra. Những hiện tượng tâm lý này nếu không được giúp đỡ kịp thời sẽ “lặn” vào trong, tạo thành những ức chế tâm lý, khiến trẻ coi môi trường mới trở thành mối đe dọa và truyền cảm xúc giận dữ, phản ứng tiêu cực như khóc lóc, la hét, ăn vạ về phía ba mẹ, thiếu tự tin, nhút nhát, né tránh các hoạt động xã hội”.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Giúp trẻ thấy thoải mái với chính mình

Theo ThS. Kiều Thanh Hà, phụ huynh cần tạo sự tự tin cho trẻ, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn với chính mình, có nhiều điều thú vị muốn chia sẻ với ba mẹ và mọi người. Qua đó trẻ được khích lệ tương tác với người xung quanh, bạn bè, dễ dàng xây dựng những mối quan hệ mới. Sự tự tin này cũng lớn dần theo năm tháng, giúp trẻ vượt qua thử thách trong học tập, cuộc sống và luôn hi vọng đạt được mục tiêu của mình, thích thú thử nghiệm những điều mới mẻ và chính những trải nghiệm mới lại giúp trẻ học hỏi tốt hơn.

 

Bình luận (0)