Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đệ trình Đờn ca tài tử lên UNESCO

Tạp Chí Giáo Dục

Hồ sơ “Đờn ca tài tử” và “Tín ngưỡng thờ vua Hùng” chính thức được gửi đến UNESCO ngày 30-3. PGS-TS Đặng Hoành Loan, người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ Đờn ca tài tử trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

GS. Trần Văn Khê đơn ca tại hội thảo quốc tế về Đờn ca tài tử tháng 1-2011. Ảnh: Tiến Dũng.

Ông đánh giá thế nào về khả năng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của hồ sơ Đờn ca tài tử?

Tôi tin tưởng khả năng được công nhận đến 90%. Quá trình lập hồ sơ rất kỹ lưỡng, cẩn trọng. Thêm nữa, đó là hiện tượng văn hóa vừa độc đáo vừa sáng tạo, có đời sống sâu rộng trong cư dân Nam Bộ. Trên thế giới, có nhiều loại hình nghệ thuật ngẫu hứng được công nhận như múa của Tây Ban Nha, lối chơi Cổ cầm Trung Quốc.

Quá trình xây dựng hồ sơ được tiến hành như thế nào thưa ông?

Viện Âm nhạc thao tác quá trình xây dựng hồ sơ rất khoa học, thận trọng, chính xác. Điều quan trọng trong hồ sơ là các cuộc điền dã khảo sát, kèm theo đó là kiểm kê di sản của cộng đồng Nam Bộ. Nhờ đó, chúng ta có cái nhìn tổng quan về di sản đang tồn tại và được người dân Nam Bộ lưu giữ, phát huy.
Từ tháng 7-2010 những người lập hồ sơ, chịu trách nhiệm viết hồ sơ đề cử phải đọc tất cả hồ sơ liên quan đến Đờn ca tài tử, tập hợp tài liệu để đưa ra: Nội dung cho công tác kiểm kê, nội dung cho cuộc điền dã, nội dung cho hội thảo quốc tế về âm nhạc tài tử và sự tương đồng của âm nhạc ngẫu hứng. Vì Đờn ca tài tử là lối chơi âm nhạc ngẫu hứng, độc đáo nhưng cũng có tính phổ quát mang tính nhân loại.

Là người trực tiếp đi điền dã, ông đánh giá thế nào về thực trạng Đờn ca tài tử?

Hiện có nhiều xu hướng sinh hoạt khác trước. Trước kia là lối chơi tâm giao, một lối chơi nhạc để tạo ra quan hệ cộng đồng gắn kết, một lối chơi nhạc tình cảm. Đến giờ lối chơi đó chuyển động rất mạnh, bởi quan hệ xã hội khác ngày xưa, Đờn ca tài tử bắt đầu thích ứng với sự thay đổi đó.

Đờn ca tài tử ngày nay tham gia tất cả sinh hoạt cộng đồng, tách khỏi lối chơi tâm giao, chơi trong phạm vi hẹp. Hơn nữa, âm nhạc tài tử bây giờ có sự tham gia của nhiều danh cầm, danh ca cải lương, làm cho loại hình này trở nên rộng rãi, có tính nghệ thuật cao hơn.

Còn nguy cơ mai một thì sao?

Ngày nay thông tin đa phương tiện cho người ta nhiều lựa chọn, chúng ta không thể hi vọng Đờn ca tài tử giống với ngày xưa. Nó vẫn được quần chúng ưa chuộng, có tầng lớp thưởng thức nhưng không phổ quát. Ngay Sài Gòn bây giờ nhiều người trẻ không hề biết Đờn ca tài tử. Hạn chế lượng người tham gia là chuyện tất yếu cho tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Hồ sơ bàn đến chiến lược bảo tồn Đờn ca tài tử thế nào?

Tất cả hồ sơ đều phải có hành động quốc gia. Thiết thực nhất gồm: Vận động cộng đồng tự thân bảo tồn, làm sao có sự hỗ trợ của nhà nước và các nhà hảo tâm để trao truyền, quan trọng là hỗ trợ nghệ sĩ, nghệ nhân. Những việc này còn quan trọng hơn nghiên cứu, bảo tồn, ghi âm, lưu trữ hình.

Cảm ơn ông.

Toan Toan (Theo TPO)

Bình luận (0)