Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Để tự hào với nghề cao quý…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Những năm gần đây, công tác tuyển sinh sư phạm khá chật vật bởi “đầu vào” vừa thiếu vừa yếu. Đặc biệt, kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2011, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành sư phạm thấp nhất từ trước đến nay và rất hiếm học sinh khá, giỏi dự thi.
Ngay cả hai trung tâm đào tạo sư phạm lớn nhất nước là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, mà một vài môn, số lượng đăng ký dự thi thấp hơn cả chỉ tiêu tuyển sinh, nên phải xét thêm nguyện vọng 2-3 nhưng vẫn thiếu. Ở nhiều trường, nhiều khoa sư phạm khác, điểm xét tuyển hạ sát điểm sàn và việc xét đủ chỉ tiêu cũng hết sức khó khăn. Thậm chí một số trường phải “đóng cửa” tới 3-4 ngành sư phạm…
Ảnh minh họa/ Internet
Hơn 10 năm trước đây, sư phạm được coi là một ngành hấp dẫn với tỷ lệ “chọi” bình quân khoảng 1/25-30 và điểm chuẩn vào trường lấy trên 20 điểm; có năm, điểm chuẩn một số môn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngang với những trường có điểm chuẩn cao nhất. Được như thế là vì hồi đó có nhiều chính sách ưu tiên, thu hút nhân tài cho ngành sư phạm, trong đó có việc miễn hoàn toàn học phí, tạo nhiều cơ hội tuyển dụng và có nhiều cải tiến chính sách đãi ngộ giáo viên… Nhưng dần dần nhu cầu tuyển dụng bão hòa; chính sách miễn học phí không còn hấp dẫn; sinh viên sư phạm ra trường chấp nhận làm việc trái nghề mà vẫn khó xin việc; thu nhập giáo viên phổ thông quá khiêm tốn so với nhiều ngành kinh tế, dịch vụ “thời thượng” v.v…
Thực tế trên đòi hỏi xã hội, trước hết là các ngành chức năng, phải quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng đào tạo của một nghề được coi là thầy của tất cả các nghề. Nếu “đầu vào” thiếu và yếu như hiện nay thì rồi đây lấy đâu ra những người thầy giỏi? Và nếu không có những người thầy giỏi thì làm sao có được những trò giỏi? Đảng và Nhà nước ta chủ trương coi giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước. Hạt nhân của giáo dục-đào tạo là những người thầy, vì vậy một chiến lược căn cơ về tuyển dụng và đào tạo đội ngũ những người thầy cho sự nghiệp giáo dục là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.
Để tuổi trẻ yêu quý và tự hào với nghề dạy học cao quý, bên cạnh việc tiếp tục có những chính sách hấp dẫn đối với sinh viên sư phạm, cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương và các chế độ đãi ngộ bảo đảm đời sống ổn định cho giáo viên để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Ngành giáo dục và các địa phương cần rà soát lại “thực lực” để có kế hoạch tuyển sinh hợp lý, tránh tình trạng đào tạo lãng phí. Mặt khác, cần đổi mới cơ chế tuyển dụng giáo viên theo hướng công khai và công bằng. Đây không chỉ là cách để thu hút nhân tài vào ngành sư phạm mà còn là động lực để mỗi sinh viên sư phạm yên tâm phấn đấu học tập và tu dưỡng, trở thành những người thầy giỏi và mẫu mực, xứng đáng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta!
Theo Mai Nam Thắng
(QĐND) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)