Với quan điểm tiếp tục đổi mới, kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất, áp dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn, đề thi tuyển sinh lớp 10 sẽ có những câu hỏi gắn với thực tiễn nhẹ nhàng, đặt vấn đề để học sinh vận dụng kiến thức bậc THCS vào giải quyết. Để làm quen với cấu trúc đề thi, học sinh có thể tham khảo đề các năm trước.
Các chuyên gia tư vấn tham gia chương trình
Đây là những thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại TP.HCM năm 2020 được ông Cao Minh Quý (Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM) đưa ra trong chương trình tư vấn trực tuyến “Hướng nghiệp – tuyển sinh sau THCS” năm 2020 diễn ra mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường THCS – THPT Hồng Hà. Theo ông Quý, thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay chắc chắn thay đổi, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ căn cứ vào kế hoạch điều chỉnh năm học của Bộ GD-ĐT. Để nắm thông tin cũng như có kế hoạch ôn tập, học sinh và phụ huynh cần thường xuyên theo dõi các thông tin chính thống.
Thông tin thêm, TS. Nguyễn Đặng An Long (Phó chánh Văn phòng, Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM) đưa ra những lưu ý cho học sinh lớp 9 khi lựa chọn nguyện vọng. Theo đó, bà An Long cho biết mỗi trường sẽ có mức điểm chuẩn khác nhau. Đăng ký nguyện vọng nào học sinh nên tham khảo ý kiến của thầy cô, cha mẹ, tìm hiểu về cách giảng dạy của từng trường xem có phù hợp với năng lực học tập bản thân, điều kiện kinh tế gia đình không. Ngoài ra, các em cũng cần tham khảo điểm chuẩn các năm trước, đặc biệt là cự ly di chuyển xem có thích hợp trong 3 năm học không. “Các em tuyệt đối không nghe theo bạn bè, cũng không nên chọn trường quá xa nhà để đảm bảo an toàn. Khi chọn trường, nhiều em băn khoăn nên chọn theo sở trường, sở thích hay theo thầy cô tư vấn? Việc chọn trường phù hợp phải có sự đồng hành từ gia đình, thầy cô và chính bản thân học sinh”, bà An Long nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực) lại đặt vấn đề về sự phù hợp. Theo ông Tuấn, phụ huynh phải căn cứ vào năng lực học tập của con để cân nhắc việc “cho con thi hay rẽ sang những hướng đi khác”. “Mỗi học sinh sẽ có những năng lực, thế mạnh khác nhau, có em mạnh về học văn hóa nhưng có em lại mạnh về học nghề. Thậm chí, nhiều em rất thích học nghề nhưng phụ huynh không đồng ý bởi chưa có sự nhìn nhận đúng về việc học nghề. Ngoài ra, phụ huynh có thể chọn môi trường GDTX, trường ngoài công lập để phù hợp với sức học của con”, ông Tuấn phân tích.
Tại chương trình, nhiều học sinh quan tâm đến vấn đề: “Có nên dựa vào sinh trắc vân tay để chọn nghề nghiệp không?”. Trả lời câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn nói: Để chọn được một ngành nghề phải có sự phối hợp ở nhiều yếu tố, các phương pháp trắc nghiệm chỉ là kênh để tham khảo thêm, trên hết học sinh phải dựa vào chính bản thân, phải biết mình yêu thích gì để lựa chọn, cân đối. Thậm chí, khi sử dụng những kênh tham khảo như sinh trắc vân tay thì người học vẫn phải nỗ lực học tập, lựa chọn những ngành nghề mang lại giá trị cho xã hội. Trong khi đó, một số học sinh hỏi: “Học lớp chuyên sau một thời gian thấy không phù hợp, xin chuyển sang lớp thường được không?”. Với vấn đề này, ông Cao Minh Quý trả lời: Xét về quy định thì không có quy định nào cả bởi phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công minh. Tuy nhiên, tùy từng trường, ban giám hiệu có thể xem xét lại. Thế nhưng, để tránh điều này, quan trọng nhất là ngay từ khi đăng ký nguyện vọng vào lớp chuyên, các em hãy nhìn nhận lại về sức học của mình để có sự chọn lựa cho phù hợp.
Trả lời câu hỏi: “Chọn trường tư thục có lợi thế gì?”, ThS. Trương Thị Mỹ Lai (Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Hồng Hà) cho biết: Môi trường tư thục có lợi thế khi tạo điều kiện ở nội trú cho học sinh, lợi thế về cơ sở vật chất theo định hướng giảng dạy của từng trường. Đơn cử như Trường THCS – THPT Hồng Hà, bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, trường còn có nông trại, giúp phát triển năng lực, đổi mới phương pháp giảng dạy. Học sinh được trang bị kiến thức theo chương trình giáo dục chính khóa của Bộ GD-ĐT, đồng thời được tham gia các hoạt động ngoại khóa, được trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống thông qua các mô hình sinh hoạt năng khiếu… “Môi trường học tập nào cũng có những thế mạnh riêng. Chỉ cần học sinh có niềm tin vào ngôi trường mình chọn, các em sẽ có sự thoải mái khi học để đạt được kết quả tốt”, bà Lai khẳng định.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)