Nhìn tổng thể, đề thi THPT quốc gia môn văn năm nay không có bất ngờ, đánh đố đối với thí sinh. Đề cho an toàn, sát với mẫu đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Đề thi theo hướng mở, vừa đánh giá kiến thức vừa đánh giá kỹ năng làm bài của thí sinh.
Thí sinh vui vẻ sau buổi thi môn văn. Ảnh: Tùng Nhung
Đề ít gây tranh luận trái chiều
Mặc dù đề không thật hay, không tạo được nhiều hứng thú cho thí sinh khi làm bài, tuy nhiên vẫn đảm bảo được 2 mục đích là xét tốt nghiệp và phân loại thí sinh để xét tuyển ĐH. Mức đánh giá học lực trung bình của đề thi gồm các câu hỏi: Câu 1 (xác định thể thơ), câu 2 (nêu nội dung 2 câu thơ) và một nửa yêu cầu của câu 3, 4 phần đọc hiểu; câu 1 (viết đoạn văn xã hội bàn về “sức mạnh ý chí của con người”) và vế đầu câu 2 (“cảm nhận về hình tượng dòng sông Hương”, nghị luận văn học) của phần làm văn. Làm tốt mức yêu cầu này thí sinh dễ dàng đạt được trên 5 điểm. Mức đánh giá lực học khá, giỏi của đề nằm ở việc đòi hỏi kỹ năng làm bài của thí sinh. Chẳng hạn ở câu 3/ phần đọc hiểu, thí sinh phải gọi tên đúng (0,25 điểm) và nêu được hiệu quả chính xác, đầy đủ phép điệp (0,75 điểm) thì mới đạt trọn điểm. Câu 4 (phần đọc hiểu, 1 điểm) cũng đòi hỏi thí sinh phải nêu suy nghĩ một cách cụ thể, thực tế, tránh cách trả lời chung chung thì mới đạt trọn điểm. Phân loại thí sinh rõ nhất của đề thi nằm ở vế sau của câu nghị luận văn học: “Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông…”. Để làm tốt yêu cầu này, thí sinh phải hiểu kỹ đoạn văn bản đề cho trong toàn bộ nội dung tác phẩm, có hiểu biết kỹ càng về phong cách nghệ thuật của nhà văn, cũng như xây dựng một dàn bài tích hợp hợp lý.
Đề thi khá ấn tượng Đề thi môn ngữ văn năm nay rất ấn tượng. Cả phần đọc hiểu và tập làm văn đều “mới” ở nhiều góc độ. Ở phần đọc hiểu, chỉ có câu 1 là nhận biết. Câu này đa phần thí sinh sẽ làm đúng. Khi đọc đoạn thơ, thí sinh dễ nhận ra thể thơ. Ở câu 2, yêu cầu thí sinh nêu lên sự hiểu biết của mình như thế nào về hai câu thơ (Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm). Câu này đòi hỏi thí sinh nêu lên được nội dung của từng câu, sau đó nêu suy nghĩ chung về hai câu thơ. Ở câu 3 hỏi về hiệu quả của phép điệp trong bốn câu thơ (từ “cái”). Ở câu 4 hỏi về hành trình theo đuổi khát vọng của con người thể hiện trong đoạn trích gợi suy nghĩ gì. Các câu 2, 3 và 4 đòi hỏi thí sinh phải tư duy, không thể làm theo “tủ, vẹt”. Cả ba câu này (nhất là câu 2 và câu 4), thí sinh chỉ cần trả lời bằng đoạn văn ngắn. Tuy nhiên, có thể có những thí sinh ôm đồm kiến thức nên viết đoạn văn dài dòng. Nếu rơi vào trường hợp này, thí sinh bất lợi ở chỗ viết lan man, tốn thời gian không cần thiết (ảnh hưởng đến các câu sau). Ở câu 4, nếu thí sinh không đọc kỹ, không hiểu rõ sẽ dễ dàng viết xa đề, lạc đề (suy nghĩ về hành trình theo đuổi khát vọng của con người thể hiện trong đoạn trích, trường hợp này rất dễ xảy ra, nhất là đối với thí sinh môn ngữ văn không phải là “điểm mạnh”, thí sinh làm ẩu)… Nói chung, đề thi ngữ văn năm nay khá phù hợp với trình độ chung của thí sinh. Tuy không có những câu chuyện, hình ảnh mang tính thời sự, những vấn đề nóng xảy ra trong thời gian gần đây nhưng đề thi vẫn ấn tượng bởi hình thức và nội dung câu hỏi. Đề thi không mang tính đánh đố, không hiểm hóc nhưng đòi hỏi học văn cần thực tế hơn, thoát khỏi tình trạng học vẹt, học văn mẫu. Đề văn ngày càng mở hơn, thí sinh cần phải tư duy nhiều hơn! Thái Hoàng |
Tóm lại, đề văn năm nay vừa sức thí sinh. Sẽ ít gây ra nhiều tranh luận trái chiều, dễ dàng trong việc xây dựng đáp án chấm để đem đến công bằng cho các em. Dự đoán phổ điểm sẽ khả quan hơn các năm trước, trong khoảng từ 6-6,25 điểm.
Công bằng còn ở cách chấm
Trong khi việc chấm các môn thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT giao về cho các trường ĐH cùng với nhiều giải pháp tối ưu để tránh tiêu cực, thì việc chấm thi môn văn năm nay vẫn được tổ chức ở các địa phương do sở GD-ĐT chủ trì. Mặc dù theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT là sẽ quy định chặt việc cách ly và bảo mật trong khâu làm phách, thực hiện nghiêm việc chấm 2 vòng độc lập, chấm thẩm định 5% số bài thi, các bài đạt điểm cao phải được chấm kiểm tra, tăng cường vai trò giám sát của các trường ĐH. Các phòng thi ở hội đồng chấm cũng lắp nhiều camera giám sát. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những lo lắng của xã hội về tính công bằng giữa các địa phương, việc chấm không đều tay giữa các giám khảo. Để hạn chế những bất cập đó, theo chúng tôi, cần chú ý các điểm sau đây: Đề thi đã mở cho nên đáp án cũng phải mở. Tuy nhiên mức độ “mở” phải trong những giới hạn “đóng” nhất định. Đáp án phải lường trước những khả năng làm bài của thí sinh để cụ thể hóa vào trong ấy. Phiếu chấm của 2 vòng nên thay đổi, chi tiết hơn giúp giám khảo chấm dễ dàng, chính xác. Sau khi họp thống nhất đáp án từ thực tế bài làm của một số thí sinh, các hội đồng chấm ở địa phương phải có sự đồng bộ về cách chấm. Điều này cần đến vai trò của Bộ GD-ĐT. Phải có sự hạn chế số bài chấm của giám khảo trong từng buổi chấm, ngày chấm, đợt chấm. Theo quan sát của chúng tôi trong các kỳ thi qua, đồng ý là nhanh – chậm khác nhau tùy theo thao tác của giám khảo, nhưng sự chênh lệch số lượng bài chấm giữa các giám khảo còn rất lớn. Nhiều giám khảo chấm quá nhanh, quá tốc độ, sợ sẽ thiếu chính xác.
Quá khắt khe trong khâu chấm, sẽ làm giám khảo “chùng tay” cho điểm cao mà chỉ cho điểm ở ngưỡng an toàn. Điều này có thể dẫn đến thiệt thòi cho thí sinh, nhất là các bài làm tốt. Phân hạn thời gian hợp lý để giảm áp lực về tiến độ công việc cũng như tăng độ chính xác cho hội đồng chấm và giám khảo.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)