Vừa kết thúc môn thi đầu tiên, thí sinh (TS) TP.HCM nhẹ nhõm vì đề năm nay có tính gợi mở cao, lại gần gũi với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là ở câu 1 và câu 2.
TS trao đổi sau khi làm bài thi môn văn tại HĐT Trường THCS – THPT Diên Hồng, Q.10 (Ảnh: Thục Quyên) |
TS Bùi Thanh Trà My, thi tại HĐT Trường THCS Colette, Q.3 phấn khởi: “Đề năm nay mang tính gợi mở cao, so với năm đề của năm ngoái em thấy không khó hơn. Em thích nhất là câu nghị luận xã hội vì câu này tạo rất gần gũi với cuộc sống, tạo cho em nhiều cảm xúc suy nghĩ khi làm”. TS này cho rằng mình sẽ làm được từ 7 đến 7,5 điểm.
Đề thi nghị luận xã hội năm nay trích dẫn câu hỏi: Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương? Từ đó đề yêu cầu TS viết bài văn ngắn khoảng 1 trang giấy trả lời câu hỏi trên. Với câu hỏi này, có TS đồng tình, TS chưa đồng tình với câu hỏi và đã có nhiều phản biện lại rất hay. TS Nguyễn Đình Tất Phát, học sinh Trường THCS Bàn Cờ thi tại HĐT Trường THCS Colette bộc bạch: “Không hẳn điều ngọt ngào nhất mới làm nên yêu thương. Đôi lúc, những lời la mắng của cha mẹ, của thầy cô cũng muốn chúng em nhìn nhận lại những vấn đề mình làm sai, suy nghĩ sai để từ đó có những cải thiện trong cuộc sống”. Tấn Phát dự đoán sẽ làm được ít nhất 6 điểm.
TS trao đổi với phụ huynh sau khi làm bài thi môn văn tại HĐT Trường THCS – THPT Diên Hồng, Q. 1 (Ảnh: Thục Quyên) |
Đối với 2 câu còn lại, TS cũng khá hứng thú vì ngoài những kiến thức đọc hiểu văn bản còn yêu cầu các em trình bày suy nghĩ, cảm nhận của mình. Bích Ngọc, học sinh Trường THCS Đức Trí thi tại HĐT THCS Minh Đức, Q.1 chia sẻ: Đề thi tương đối dễ tuy nhiên nếu không nắm vững kiến thức trong SGK mà chỉ có kiến thức xã hội, thời sự chắc chắn sẽ không làm tốt bài thi. Đơn cử câu 1 và 2 ngoài việc nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình về việc có phải lúc nào cũng theo đuổi ước mơ hay từ cảm nhận của TS về nhân vật anh thanh niên trong một đoạn trích của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa để liên hệ với hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống thì chúng em phải nắm những kiến thức cơ bản mới làm được.
Đúng như nhận định của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì đề văn năm nay TS TP.HCM có nhiều cơ hội để thể hiện bản lĩnh, ý thức cộng đồng của tầng lớp thanh niên trẻ.
TS trao đổi sau khi làm bài thi môn văn tại HĐT Trường THCS Colette, Q.3 |
Cô Phạm Thị Vân Hương, Tổ trưởng môn văn, Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 nhận định: “Đề đã định hướng đúng quan điểm của ngành GD-ĐT thành phố là không học tủ, học vẹt nhưng cũng không đánh đố mà là vừa sức với TS”.
Cô Hương phân tích cụ thể: Học trò học thêm ở các trung tâm thường cho văn mẫu nhưng với dạng đề này đã loại bỏ được hoàn toàn vấn nạn văn mẫu mà bắt buộc TS phải đọc hiểu văn bản và thể hiện được suy nghĩ của mình. Ví dụ câu 1 kiểm tra kiến thức cơ bản của TS và yêu cầu các em phải hiểu văn bản mới làm được; câu 2 phù hợp với sức học và suy nghĩ, tình cảm, tâm lý lứa tuổi các em về tình yêu thương con người; câu 3 nếu có chất liệu văn chương chắc chắn sẽ làm tốt”.
So sánh với đề năm ngoái, cô Vân Hương cho rằng: “Năm ngoái câu nghị luận văn chương đề yêu cầu phân tích thơ dễ hơn nhưng vấn đề đưa ra khá rộng còn năm nay đề yêu cầu suy nghĩ một vấn đề rồi rút ra nên TS làm bài không lan man mà cụ thể hơn. Tôi cho rằng năm nay giáo viên ôn tập rất kỹ, lại rút được nhiều kinh nghiệm từ kỳ thi năm ngoái nên điểm môn văn các em có thể cao hơn”
Dương Bình
Bình luận (0)