Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề vừa sức

Tạp Chí Giáo Dục

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận và Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn động viên TS trước giờ vào phòng thi. Ảnh: N.Anh
Trong hai ngày 2 và 3-6, hơn 900.000 thí sinh (TS) lớp 12 THPT và GDTX trong cả nước tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014.
Không có cửa cho… học vẹt
Thật ít có kỳ thi tốt nghiệp THPT nào lại khiến nhiều TS và giáo viên bất ngờ và thích thú với đề thi như năm nay. Ngoài đề thi ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu do thời gian bị cắt ngắn (hai môn toán và văn ít hơn 30 phút so với các kỳ thi trước đây), đề thi năm nay còn mang tính thời sự, vận dụng những thực tế mà cụ thể là diễn biến tình hình biển Đông. Theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề thi các môn tự luận mang tính thiết thực, ngoài việc để các em bày tỏ tình yêu, suy nghĩ của mình với chủ quyền đất nước còn mang tính định hướng để các em thấy được đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề chủ quyền biển, đảo hiện nay. Ngoài ra, những câu khác cũng không yêu cầu TS phải tái hiện kiến thức mà phải vận dụng kiến thức, liên hệ với thực tế để làm bài theo lối sáng tạo. Điều này khiến cho nhiều TS vốn quen với lối làm bài thi theo kiểu… học thuộc lòng sẽ khó đạt được điểm cao, thậm chí tỏ ra lúng túng, dẫn đến làm sai so với yêu cầu đề thi. Thậm chí, những câu lý thuyết ở môn thi vật lý vốn được nhiều TS học thuộc với hi vọng “gỡ” điểm như những năm trước đây cũng trở nên khó khăn nếu không biết vận dụng và tư duy để giải bài.
Hà Nội: Sát giờ thi TS mới đến
Mặc dù thời tiết Hà Nội trong hai ngày qua đều nắng nóng nhưng các TS đều cố gắng, không có em  nào phải bỏ thi giữa chừng.
Môn ngữ văn thi vào sáng 2-6, được đa phần TS đánh giá là đề hay, gắn liền với quá trình ôn tập. Đặc biệt là khi vấn đề biển đảo, chủ quyền của đất nước được nhắc đến trong đề thi đã tạo được hào hứng mạnh cho TS trong quá trình làm bài thi, đồng thời khơi tạo lên lòng yêu nước, khát vọng sống được là chính mình của người trẻ.
“Đề văn đã để chúng em – những người trẻ của đất Việt được nói lên tiếng nói yêu nước của mình với vấn đề chủ quyền biển đảo”, Lại Hương Giang (HS lớp 12A Trường THPT Vân Nội) chia sẻ.
Chiều 2-6, môn thi vật lý, tại Hội đồng thi Trường THPT Thị trấn Đông Anh, nhiều TS đến sát giờ thi. Lý do là trong giấy dự thi tốt nghiệp, thời gian được in trên đó là thời gian làm bài thi chứ không phải thời gian TS phải có mặt tại phòng thi.
“Thời gian ghi trên giấy dự thi tốt nghiệp là thời gian làm bài thi. Tuy nhiên, TS phải có mặt để tập trung tại phòng thi cũng như để giám thị gọi vào phòng thi từ trước đó những gần nửa tiếng. Do vậy, nhiều TS chủ quan nên đến sát giờ thi”, thầy Nguyễn Quốc Hòa, Phó chủ tịch Hội đồng thi Trường THPT Thị trấn Đông Anh, cho biết.
Ngày 3-6, dù đã bước sang ngày thi thứ hai nhưng vẫn còn tình trạng TS đến phòng thi chậm. 7 giờ 45 phút, sau khi giám thị gọi TS vào phòng thi được 15 phút, đa phần TS đã ổn định trong phòng thi thì tại Hội đồng thi Trường THPT Thị trấn Đông Anh lúc này 4 TS mới chạy hớt hải từ ngoài cổng vào khu vực phòng thi.
Cũng tại hội đồng thi này, trong lúc làm thủ tục vào phòng thi, có 1 TS đã quên không mang thẻ HS. Giám thị đã dừng làm thủ tục đối với TS này và yêu cầu phải có người bảo lãnh. Phó chủ tịch hội đồng thi, đồng thời cũng là Phó hiệu trưởng Trường THPT Thị trấn Đông Anh đã phải làm giấy cam đoan, xác nhận TS này là HS lớp 12 của trường. Đồng thời, yêu cầu TS này đầu giờ chiều phải xuất trình thẻ HS cho giám thị và hội đồng thi.
TP.HCM: TS không bị áp lực với đề thi
Kết thúc buổi thi môn toán sáng 3-6, nhiều TS tỏ ra mừng rỡ vì đề thi năm nay không khó để đạt điểm 7, điểm 8. TS Lê Quang Phúc, lớp 12A11, Trường THPT Võ Thị Sáu cho biết: “Đề năm nay khá dài nhưng không đánh đố, không quá sức với HS. Tuy nhiên, sẽ khó dành được điểm 10 vì ở câu 5.2 có nhiều dữ kiện nên TS dễ bị nhầm, nếu không tìm ra 3 hệ phương trình đúng thì không thể giải quyết được yêu cầu của đề. Tương tự, câu 4b cũng khó tìm ra diện tích mặt đáy nếu không biết xác định góc. Các câu còn lại tương đối dễ, HS trung bình cũng có thể dành điểm 6”. Ở Hội đồng thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám, nhiều TS cho rằng có độ khó cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp năm học trước. Nguyễn Nhựt Xuân Phương, lớp 12A8 chia sẻ: “Nếu không nắm kỹ các dạng hàm số, TS sẽ gặp rắc rối ở câu 2b vì yêu cầu tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số nhưng dạng hàm số đề ra chúng em ít làm quen khi ôn tập. Ngoài ra, câu 4 và 5.2 có nhiều dữ kiện nên TS thường bị rối. Em nghĩ mình chỉ làm được khoảng 6 điểm trong khi điểm tổng kết môn toán lớp 12 của em đạt 7, 8 điểm”. Riêng tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TS Nguyễn Ngọc Châu Giang (TTGDTX Q.1) cũng nhận định: Đề thi không tạo nhiều áp lực cho TS, các câu hỏi đưa ra khá dễ, nhất là câu 1 yêu cầu khảo sát hàm số và phương trình tiếp tuyến.
Buổi chiều, các TS cũng phấn khởi với đề thi môn hóa. Trần Tuấn Mạnh, lớp 12 CT, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) nhận xét: “Đề thi nằm gọn trong chương trình lớp 12 nên chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản TS sẽ giành được điểm cao. Chương trình lớp 12 có 6 phần chính thì các câu hỏi rải đều trong các phần, trong đó phần đại cương kim loại chiếm khoảng 11 câu, 5 phần còn lại chiếm khoảng 5 đến 7 câu hỏi/chương. Trong đó, những câu có tính nâng cao hơn thường nằm ở phần đại cương kim loại, nếu không đọc kỹ đề TS dễ bị mất điểm ở phần này”.
Tại Hội đồng thi Trường THPT Marie Curie, rất nhiều TS đã rời phòng thi khi thời gian làm bài môn địa lý còn 30 phút. TS Vũ Trần Đình Nguyên cho biết: “Em không nghĩ đề thi môn địa lý lại dễ đến thế. Chỉ có câu 1 là phải tái hiện kiến thức, những câu còn lại chỉ cần nắm vững kỹ năng vẽ biểu đồ, am hiểu tình hình thời sự và lập luận chặt chẽ là làm được bài. Em thích nhất là câu 2.1, vừa để cho TS được trình bày suy nghĩ, vừa giáo dục thế hệ trẻ về bảo vệ chủ quyền đất nước, dù đó chỉ là một phần rất nhỏ”.
Đà Nẵng: 28 TS vắng không có lý do
Trải qua hai ngày với 6 môn thi, nhìn chung tâm lý của TS ở Đà Nẵng khá thoải mái. Ở  môn văn, nhiều TS cho rằng, đề thi mang tính xã hội, thời sự cao. Em Thanh Huyền ở Hội đồng thi THPT Phan Chu Trinh nhận xét: “Đề văn khá hay và vừa sức với chúng em. Em thích nhất là câu hỏi 3 điểm về vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 trái phép vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là vấn đề được quan tâm nhất trong suốt từ đầu tháng 5 trở lại đây. Thông qua câu hỏi, HS có điều kiện thể hiện quan điểm, chính kiến của mình một cách rõ ràng, đầy đủ về chủ quyền của Tổ quốc. Từ đó, thể hiện lòng yêu nước, cũng như ý chí bảo vệ, giữ gìn chủ quyền của đất nước mình”.
Với môn sử, các TS dự thi đều thở phào nhẹ nhõm, nhiều em nhận xét nội dung đề hay, không nặng nề về số liệu, vừa mang tính thời sự cao, nhất là với câu hỏi mở 3 điểm ở câu hỏi thứ 3 về chủ quyền biển đảo. Em Lưu Trần Đình Tùng – một trong 3 TS dự thi môn sử tại Hội đồng thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hải Châu) cho biết: “Dù số TS dự thi ít nhưng em vẫn rất tự tin làm bài. Đề thi sử năm nay hầu như không nặng nề về số liệu, nhất là câu hỏi mở về chủ quyền biển đảo đã mở ra một góc nhìn khác cho tụi em có điều kiện trình bày chính kiến của mình trong việc bảo vệ Tổ quốc”.
Ở môn lý, Đà Nẵng có 6.372 TS dự thi, đa số cho rằng đề thi khó hơn so với năm trước, trong đó bài tập nhiều hơn, đặc biệt có nhiều câu hỏi khó ngang sức đề thi CĐ và ĐH.
Ở môn hóa và môn địa diễn ra vào chiều 3-6, nhiều TS ra về với tâm trạng khá thoải mái. Đa số TS đều cho rằng, nội dung yêu cầu của đề thi đều nằm gọn trong chương trình lớp 12 và kế hoạch ôn tập của nhà trường. Đề thi không đánh đố, không lắt léo, chỉ cần tập trung ôn tập kỹ là có thể làm bài đạt trên điểm trung bình.
Kết thúc hai ngày thi, Đà Nẵng có 28 TS vắng thi không có lý do, trong đó buổi thi môn toán vắng đến 16 TS (4 TS hệ THPT và 12 TS hệ GDTX).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Đà Nẵng có 55 TS được miễn thi tốt nghiệp. Trong đó có 6 HS đạt giải HS giỏi quốc gia; 5 HS khiếm thị; 1 HS khuyết tật; còn lại là VĐV thể dục thể thao quốc gia.
Cần Thơ: TS ngán đề toán
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, cách ra đề các môn thi tốt nghiệp THPT vài năm gần đây ngày càng mang tính thời sự cao. Dù chỉ là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng đề thi cũng đòi hỏi HS phải có sự suy luận, tư duy logic mới hoàn thành bài thi một cách hoàn chỉnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương đổi mới, cải cách giáo dục theo hướng chọn lọc và đào sâu nghiên cứu, tạo điều kiện cho HS được chọn lựa và đi sâu vào những môn học mình có sở trường. Cách ra đề thi này cũng sẽ hạn chế thực trạng học vẹt, học tủ của TS trước và trong mỗi kỳ thi. 
Qua hai ngày thi, TP.Cần Thơ có 4 TS hệ THPT vắng, trong đó em Võ Ngọc Yến ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng bị tai nạn trước ngày thi. Em Yến có học lực trung bình nên không đủ tiêu chuẩn để xét đặc cách. 1 trường hợp khác là HS khuyết tật, mất hơn 55% sức lao động, thuộc TTGDTX huyện Thới Lai, nên được xét đậu đặc cách. 2 trường hợp còn lại (thuộc Trường THPT Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh và THPT Thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai) vắng không lý do. Hệ GDTX có 12 TS bỏ thi không lý do.
Với môn toán, theo quan sát của chúng tôi, năm nay, tại các hội đồng thi thuộc trường tốp trên không có tình trạng TS làm xong bài và ra về quá sớm như những năm trước. Đa số TS thi ĐH khối C cho biết: Các em chỉ làm được khoảng 50% đến 60% nội dung đề. Trong khi những em sẽ thi ĐH khối A, B thì phấn khởi vì đề rất vừa sức. TS Đỗ Tố Tâm nói: “Em thi khối A nên làm khoảng hơn 1 tiếng là xong, nhưng trong phòng em, nhiều bạn thi khối C không làm bài được. Theo em, các bạn học trung bình nhưng siêng làm bài tập cũng dễ lấy điểm 5; đề chỉ khó câu 5 vì dạng bài tập này ít gặp nên cũng dễ quên”.
Hôm nay (4-6), các TS bước vào buổi thi cuối cùng với hai môn sinh và ngoại ngữ, mỗi môn thi làm bài 60 phút.
Điểm mới của đề thi ngoại ngữ năm nay đó là có hai phần: Trắc nghiệm và tự luận. TS sẽ làm phần thi trắc nghiệm trước với thời gian làm bài là 40 phút. Sau đó có 10 phút thu phiếu trả lời trắc nghiệm. TS sẽ có 20 phút làm phần tự luận. Như vậy, với môn ngoại ngữ, thời gian làm bài là 60 phút nhưng thời gian kết thúc môn thi sẽ là 70 phút.
Nhóm PV
TP.HCM không có trường hợp vi phạm quy chế
Kết thúc ngày thi thứ hai, TP.HCM không có giám thị và TS nào vi phạm quy chế thi. Các hội đồng thi đều làm việc trật tự, nghiêm túc, không có hiện tượng lộn xộn ở khoảng thời gian ra vào giữa 2 môn thi. Hệ THPT: Môn toán vắng 59 TS; môn hóa vắng 38 TS; môn địa lý vắng 9 TS. Hệ GDTX: Môn toán vắng 250 TS; môn hóa vắng 235 TS; môn địa lý vắng 88 TS (phần lớn trong số này là bảo lưu môn thi từ năm trước).
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: Một số môn thi có số lượng TS đăng ký rất ít, theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, có thể ghép hoặc gửi TS sang thi ở hội đồng thi khác. Tuy nhiên, sở vẫn bố trí giám thị, nhân viên bảo vệ và tổ chức cho TS thi ngay tại hội đồng thi mình đăng ký để đảm bảo tâm lý cho các em.
 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)