Với sự nỗ lực vận động kêu gọi người dân TP.HCM đi xe buýt của Sở Giao thông Vận tải, cho đến nay số lượng người đi xe buýt đã tăng đáng kể, nhất là vào đầu năm học mới. Hiện nay, không chỉ người dân thành phố, cán bộ công chức, mà nhiều bạn là tân sinh viên cũng lựa chọn xe buýt làm phương tiện đến trường.
Những thay đổi đáng mừng…
Để thu hút người dân đến với phương tiện vận tải công cộng nhiều hơn, hạn chế sự phát triển xe cá nhân, bên cạnh việc vận động người dân đi xe buýt thì việc điều chỉnh lại các tuyến đường và thái độ phục vụ của các nhân viên trên xe cũng được quan tâm. Ngày càng ít hơn những lời phàn nàn về thái độ phục vụ của các nhân viên xe buýt, hay việc chạy ẩu, bỏ khách,… và nhiều hơn những lời khen, nhận xét và góp ý. Vì thế mà đến nay, người dân đã mặn mà hơn đối với xe buýt. Đặc biệt từ khi xăng dầu tăng giá cho đến nay thì số người chuyển sang đi xe buýt đã tăng đáng kể. Nhiều hành khách thường xuyên đi xe buýt nhận xét rằng: xe buýt đã có nhiều chấn chỉnh, tiếp viên, tài xế chu đáo hơn, làm việc chất lượng hơn so với trước đây. Nếu như những năm trước hành khách đi xe buýt hầu hết là người đi chợ, cán bộ hưu trí, học sinh, sinh viên, công nhân… thì bây giờ nhiều cán bộ công chức cũng đón xe buýt để đi làm. Anh Nguyễn Quốc Phương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, trước đây anh thường đi làm bằng xe gắn máy, nhưng từ khi cơ quan vận động nhân viên công ty đi làm bằng xe buýt một ngày trong tuần thì anh đã chuyển hẳn sang đi xe buýt. Nhờ có sự vận động này mà anh mới phát hiện là đi xe buýt tiện lợi hơn rất nhiều. Ngồi xe buýt khoảng 20 phút là tới chỗ làm, tránh được khói bụi và không phải chen chúc trong bãi giữ xe của công ty, đồng thời mỗi ngày cũng tiết kiệm được nửa tiền xăng.
Trong tình hình giá nhiên liệu tăng cao, rồi nạn kẹt xe, khói bụi,… nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân thành phố ngày càng cao hơn, nhất là năm học mới vừa bắt đầu, đối tượng học sinh – sinh viên đi lại khá đông. Vấn đề đặt ra là liệu xe buýt thành phố có đáp ứng nổi nhu cầu này? Và liệu những “hạt sạn” trong vận hành xe buýt như thái độ phục vụ kém của tiếp viên, tình trạng bỏ khách,… có tái diễn trở lại?
Nói về điều này, anh Tùng, một tài xế xe buýt (quận 9, TP.HCM) cho biết: “Nhằm tạo thuận lợi cho hành khách hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đã giao cho trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng rà soát, điều chỉnh các tuyến cho phù hợp và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Làm tốt những điều trên thì cuộc vận động người dân thành phố đi xe buýt để hạn chế xe cá nhân và tiết kiệm xăng mới thật sự có kết quả.
Buýt, an toàn và tiết kiệm…
Hiện nay, việc đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng của học sinh, sinh viên chủ yếu là xe buýt. Vì theo các bạn sinh viên thì đến trường bằng xe buýt vừa thuận lợi vừa an toàn và tiết kiệm.
Bạn Nguyễn Trần Hồng, cựu sinh viên Trường ĐH KHXH& NV chia sẻ: Suốt 4 năm đại học là bốn năm mình đến trường bằng xe buýt, mình thấy đi xe buýt cũng tiện lắm, mình là sinh viên nên không có nhiều tiền, không chỉ đi học mà mọi việc đi lại hàng ngày mình đều chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển chính. Vì thế, có thể nói không phải đợi đến khi có cuộc vận động này mà ngay trước đó thì xe buýt cũng đã được lựa chọn làm phương tiện đi lại của nhiều người, đặc biệt là đối với các bạn học sinh – sinh viên. Còn bạn Phan Hồng Nhung, một sinh viên gốc thành phố cho biết lý do mà bạn chọn xe buýt để đi học đó là vì: mẹ mình nói không yên tâm để mình chạy xe máy đi học, nhỡ có tai nạn, nên mình cũng đăng ký vé tháng để đến trường, vừa tiết kiệm. Và bây giờ đi xe buýt cũng khá thoải mái, hầu hết xe buýt đều có máy lạnh, ngồi khoảng 45 phút là đến trường, lại được nghe nhạc, nghe đài, cập nhật tin tức, hơn nữa đi xe buýt mình cũng có cơ hội quen được nhiều người bạn mới nữa…
Thiết nghĩ, để người dân thành phố mặn mà hơn đối với việc sử dụng phương tiện công cộng, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cần có biện pháp khắc phục thái độ kỳ thị, khó chịu của các tiếp viên đối với người đi vé tháng và vé ngày, xe buýt chạy trễ giờ, bỏ trạm, những lô cốt xuất hiện trên nhiều tuyến đường…
Như Sương
Bình luận (0)